Vấn đề giống, cần một “hệ điều hành mới”

Thứ bảy - 28/12/2019 10:55   498
Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông- Khuyến lâm, TS Lê Hưng Quốc đã trao đổi với NNVN về những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực giống cần phải thay đổi ngay…

Cách đây mấy năm ông đã từng đề nghị thay đổi việc công nhận giống, thế mà giờ đây mọi thứ vẫn như cũ?

Đúng thế. Hiện Bộ NN- PTNT vẫn đang quy định việc công nhận giống cây trồng mới chia ra 2 lần: Công nhận sản xuất thử và công nhận chính thức. Để được công nhận sản xuất thử cần khoảng 2 năm (ít nhất 3 vụ, trong đó có 2 vụ trùng tên) với giống cảm ôn và 3 năm với giống cảm quang. Để được công nhận chính thức lại cần khoảng 1 năm nữa với giống cảm ôn và 2 năm nữa với giống cảm quang.

Như vậy để được công nhận một giống, cần tổng cộng ít nhất 3 năm với giống cảm ôn, 5 năm với giống cảm quang. Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN từng kiến nghị bãi bỏ công nhận giống hai lần, chỉ công nhận giống một lần chính thức để đưa nhanh giống mới vào sản xuất, khai thác nhanh tiềm năng của giống mới, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Kiến nghị này đã được Thứ trưởng Bùi Bá Bổng rất đồng tình và giao cho Cục Trồng trọt thực hiện nhưng không hiểu sao vẫn không thấy triển khai? Việc này không khó, chỉ cần đề nghị sửa Pháp lệnh Giống cây trồng ban hành năm 2004 lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với những giống cây trồng đã được công nhận ở nước ngoài chỉ cần xem lại tính thích ứng khi trồng ở Việt Nam chứ không nên lặp lại quy trình công nhận giống. Thêm vào đó các Sở NN- PTNT lại bắt khảo nghiệm giống để đưa vào cơ cấu nữa là mất tất thảy 3 lần khảo nghiệm. Rất rườm rà, không hiệu quả cả về khoa học lẫn kinh tế bởi có quá nhiều “giấy phép con”.

Pháp lệnh giống của ta phải chăng đã quá lỗi thời?

Chúng ta nên tổng kết lại tám năm thực hiện Pháp lệnh giống xem được gì, tồn tại gì để xây dựng Luật giống, Trung Quốc đã có Luật giống 10 năm rồi và đang sửa đổi Luật mới. Ta cũng nên sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, công nghệ.

Tiêu chuẩn trước nay mình có 3 loại: tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn quốc gia, giờ chỉ có tiêu chuẩn và quy chuẩn. Vả lại những tiêu chuẩn đã xây dựng quá lâu, lạc hậu rồi cũng phải xem xét sửa đổi bổ sung như chuyện công nhận giống của nông dân tự sản xuất ra sao? Quy trình khảo nghiệm VCU mỗi vụ đánh giá hàng trăm giống kiểu “nhốt chung một rọ” cùng một lượng phân bón, cùng loại đất, cùng thời vụ thì làm sao phát hiện được ưu thế khác biệt của mỗi giống?...

Ông nghĩ ra sao về xu thế các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang dần lấn doanh nghiệp giống nội địa?

Theo tôi nên mở cửa mạnh hơn nữa để cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư cho ngành giống. Có ba cách là thuê giám đốc, liên doanh hay doanh nghiệp trong nước làm đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài. Thuê giám đốc ngoại ta không đủ tiền. Liên doanh thì chưa thấy thành công nhiều. Chỉ còn mô hình triển vọng như dạng Công ty BVTV An Giang làm phân phối cả giống, BVTV lẫn xây dựng mô hình.

Các giống cây trồng chuyển gen, công nghệ cao như siêu lúa, lúa lai… theo tôi nên làm kiểu đó bởi nếu không ta cũng sẽ tụt hậu. Công nghệ giống là công nghệ “nguồn” của nông nghiệp do đó công nghiệp hóa ngành giống là công nghiệp hóa “nguồn” trong nông nghiệp từ đó kéo theo toàn bộ quy trình canh tác sẽ được thay đổi, nâng cấp.

Về chương trình giống Quốc gia, người cho là được, kẻ chê bai hết lời, theo ông vì sao nên nỗi?

Chương trình giống Quốc gia mới được Chính phủ cho kéo dài thêm 10 năm với tiền đầu tư lớn. Bộ NN- PTNT cần trình Chính phủ cách làm có hiệu quả hơn thời kỳ trước. Trước đây chương trình này không đưa hệ thống doanh nghiệp giống cũng như hệ thống sản xuất giống của nông dân vào tham gia mà chỉ ưu tiên cho các Viện, Trường, các nhà khoa học làm.

Ở các nước thường có hai hệ thống giống: nhà nước và cộng đồng; hệ thống cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn ta. Theo tôi bây giờ chương trình giống Quốc gia cần đầu tư hỗ trợ hệ thống giống doanh nghiệp và cộng đồng thì mới thành công. Hệ thống giống cộng đồng nên phát triển theo mô hình công ty nông nghiệp cổ phần trong đó nông dân đóng góp cổ phần bằng đất hoặc tiền (tốt hơn hết vẫn bằng tiền vì đất đai là vấn đề rất nhạy cảm) với doanh nghiệp sẽ thích hợp.

Nông nghiệp hiện nay có thuận lợi là đang xuất siêu, đang được Nhà nước tăng gấp đôi đầu tư nên ta phải biết tận dụng cơ hội để gỡ những “nút thắt” mà quan trọng nhất là “nút thắt” trong tư duy.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG -

Nguồn tin: NNVN, Thứ Ba, 20/12/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,847,706
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,614
  • Tháng hiện tại63,315
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây