Hội thảo quốc tế này có 19 tham luận được trình bày theo 5 nhóm đề tài rõ ràng, diễn ra trong suốt ngày 20/4. Trong phần đề dẫn, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả (CĂQ) miền Nam nêu rõ ba cơ hội lớn của trái cây VN là: Thị trường nội địa lớn, XK tăng và người tiêu dùng vì lý do sức khỏe có xu hướng ngày càng dùng nhiều trái cây. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng rất lớn cho trái cây VN là SX còn manh mún, chất lượng chưa đồng đều, lại qua nhiều trung gian nên mất sức cạnh tranh.
Ông John Hey, Tổng Biên tập Tạp chí Trái cây châu Á (Asia Fruit) nêu rất rõ lợi thế của trái cây VN là SX gần như quanh năm. Đây là lợi thế để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, nhất là vào mùa nghịch khi các nước khan hiếm hàng. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng, XK trái cây của VN còn rất nhiều hạn chế, hiện các nước chủ yếu biết nhiều đến VN là mặt hàng lúa gạo.
Muốn XK được trái cây trước hết phải khắc phục được tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, hay nói khác đi là phải nâng tính chuyên nghiệp từ nhà SX đến nhà phân phối. Trong đó, cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho khâu tiền thu hoạch, hậu thu hoạch và tìm kiếm thị trường. Đồng thời, phát triển các vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, tạo ra các sản phẩm khác biệt so với mặt hàng đang có trên thị trường để tạo thế mạnh cạnh tranh XK. Ông John Hey đặc biệt lưu ý thêm về an toàn thực phẩm.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành TNS (nghiên cứu thị trường) tại Việt Nam, chỉ ra rằng: Bên cạnh thị trường XK, Việt Nam còn có thị trường trong nước khá rộng mở với trên 80 triệu dân. Người tiêu dùng trong nước thường có thói quen dùng nhiều nông sản tươi. Qua nghiên cứu cho thấy, bình quân mỗi tuần người tiêu dùng VN đi mua trái cây 4 lần và chi phí cho mặt hàng này chiếm vị trí thứ 2 (sau thịt heo) trong các loại thực phẩm. Người tiêu dùng càng có thu nhập cao thì càng có thói quen ăn nhiều trái cây.
“Người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao và an toàn cho sức khỏe, dù phải tốn nhiều tiền hơn. Và mặt hàng trái cây cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, nhà vườn cần phải đầu tư sản xuất theo hướng này” - ông Ralf Matthaes nhấn mạnh. |
Về vấn đề SX, chất lượng và sản lượng trái cây VN, TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Năng suất cây ăn quả của nước ta nhìn chung đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên năng suất nhiều loại còn thấp. Năm 2009, năng suất cây ăn quả bình quân cả nước ước đạt 10 tấn/ha- vào loại thấp so với khu vực và thế giới.
Cụ thể, bình quân năng suất cam, bưởi chỉ băng 50-60% so với Thái Lan, Ấn Độ. Dứa chỉ bằng 56% so với Thái Lan, 66% so với Trung Quốc, 35% so với Phillippin. Vì vậy mục tiêu cụ thể đến 2010, diện tích cây ăn quả phải đạt 910 ngàn ha, sản lượng 10 triệu tấn trong đó diện tích cây ăn quả XK chủ lực 255 ngàn ha, sản lượng XK 430 ngàn tấn. Tổng kim ngạch XK quả các loại của cả nước đạt 295 triệu USD/năm.
Liên quan đến vấn đề XK trái cây của Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Huân - Cục trưởng Cục BVTV cho rằng: Chúng ta phải tăng chất lượng trái cây để giữ vững thị trường đã có. GAP là giải pháp lâu dài và cần thiết, mặc dù GAP không phải là rào cản hoặc điều kiện để XK. Ông Huân cũng đề nghị chúng ta phải có những chương trình quảng bá cho trái cây VN trong nước và nước ngoài để phát triển thêm thị trường mới.
TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam rất đồng tình và luôn đeo đuổi với việc SX tiến bộ là phải theo hướng GAP. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để nhân rộng các mô hình theo hướng GAP là Nhà nước phải kịp thời ban hành các cơ chế chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Diệp Kỉnh Tần: Lợi thế của Việt Nam là có điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy vậy giá trị kim ngạch XK trái cây trong những năm qua còn rất thấp so với tiềm năng. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra hiện nay là phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, là tổ chức lại SX gắn với xây dựng thương hiệu để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở ruộng XK. |
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam