Tương lai không sáng sủa của nông sản Việt

Thứ hai - 30/12/2019 03:45   573
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu các mặt hàng nông sản liên tục giảm, các nhà kinh tế cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian tới do những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới như đối thủ cạnh tranh phá giá đồng tiền, suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của thị trường Trung Quốc, dư cung nông sản trên bình diện toàn cầu...

Bức tranh xuất khẩu nông sản với gam màu tối

Tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế toàn cầu” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức ngày 16-9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard, cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm mạnh có nguyên nhân lớn từ việc các đối thủ cạnh tranh phá giá đồng nội tệ khiến hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt tương đối so với trước đây. Biểu hiện rõ nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam đã bị giảm năng lực cạnh tranh về giá khi các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá như gạo của Ấn Độ, Thái Lan; cà phê từ Brazil, Colombia; tôm từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia; cao su từ Indonesia và Malaysia.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới biến động mạnh, gần đây nhất là thị trường Trung Quốc, đã tác động lớn đến thương mại nông nghiệp Việt Nam. Khi nền kinh tế Trung Quốc biến động, kinh tế thế giới cũng chao đảo. Trong đó, nước “hàng xóm” như Việt Nam chịu tác động mạnh hơn cả do có đến 20% hàng hóa nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, không tính lượng xuất tiểu ngạch.

Ông Tuấn dẫn chứng, trong bảy tháng đầu năm, Trung Quốc chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, 47% tổng giá trị xuất khẩu cao su, 36% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, 13% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, 12% với điều, 7% với thủy sản...

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Ipsard), cho hay tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong khi đó, bức tranh xuất khẩu nông sản đan xen giữa mảng sáng và tối nhưng mảng tối vẫn là gam màu chủ đạo.

Khoảng sáng ít ỏi của bức tranh gồm những mặt hàng như sắn, rau qảu, hạt tiêu, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, nhưng mặt hàng tối có phần lấn át với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo 9giảm 13% về giá trị), cà phê (-16%), cao su (-6%), và thủy sản (-16%). Tổng 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 9,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo phân tích của ông Kiên, hiện nay sức cạnh tranh, chủ yếu về giá, của nông sản Việt Nam giảm đáng kể so với trước. Nếu như trước đây, gạo 25% và gạo 5% tấm của Việt Nam có giá bán khá cạnh tranh so với gạo của Thái Lan và Ấn Độ, nhưng do tác động của chính sách tỉ giá trong và ngoài nước nên giá bán đến nay đã xấp xỉ bằng nhau. Nếu như năm 2013, Trung Quốc nhập tới 66% gạo Việt Nam thì tính hết 4 tháng đầu năm 2015, con số này chỉ còn là 47%. “Phần còn lại bị thay thế bởi gạo Thái Lan, Campuchia,” ông Kiên nói.

Đối với thị trường cà phê, giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh do nội tệ hai nước trên giảm giá. Điều này đã tác động trực tiếp tới  xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam. “Hơn nữa, các nhà rang xay luôn ưa thích Arabica hơn nhờ chất lượng và mùi vị nên khi giá Arabica và Robusta không có sự chênh lệch nhiều thì họ sẽ chuyển sang mua cà phê Arabica,” ông Kiên nói.

Đối với mặt hàng cao su, tồn kho cao su thế giới đang tiếp tục tăng lên; giá dầu giảm khiến các nhà đầu tư chuyển sang dùng cao su tổng hợp; nhu cầu tiêu thụ cao su tại Trung Quốc giảm mạnh khiến giá cao su vẫn duy trì xu hướng giảm.

Mặt hàng thủy sản cũng không khá hơn khi hiện tại tôm xuất khẩu của Việt Nam đang có giá bán cao hơn so với mặt hàng này từ các đối thủ cạnh tranh như Ấn Đô, Thái Lan và Indonesia.

Chưa thấy tia sáng

Ông Kiên dự báo, thời gian tới, một trong những vấn đề nổi cộm đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam là sự suy giảm năng lực cạnh tranh về giá do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá đồng nội tệ. Bên cạnh đó, nền kinh tế hiện nay ít có cơ hội phục hồi, và có khả năng rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Giá hàng hóa dự báo tiếp tục giảm sâu, thương mại toàn cầu bắt đầu yếu đi khi yếu tố đóng góp tăng trưởng ngắn và dài hạn đều suy giảm.

Các tổ chức phân tích hàng đầu trên thế giới như IMF, World Bank đều đưa ra dự báo giá các sản phẩm nông sản như gạo, cà phê, tôm đều sẽ tiếp tục chu kỳ giảm cho tới năm 2020 từ 7-13% so với năm 2015, riêng cao su có xu hướng tăng nhẹ nhưng không đáng kể.

Trước tình hình trên, Ipsard đưa ra khuyến nghị cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng đô la vẫn duy trì mức giá cao. Cần khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm.

Với mặt hàng gạo, cần kết nối nhanh chóng để có các hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay.

Về trung và dài hạn, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ví vụ gạo sang Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia, UAE; cà phê sang Hàn quốc, Ailen, Nga, Autralia, Thái Lan; cao su sang Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ...

Nguồn tin: TBKTSG Online

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,993
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay2,901
  • Tháng hiện tại64,602
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây