Thay mặt Ban lãnh đạo và CBCNV Viện SOFRI, Bà Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng, Viện Cây ăn quả miền Nam vui mừng chào đón Ngài Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish và Bà Tổng Lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh Smita Pant cùng đoàn công tác; đồng thời bà cũng chân thành cảm ơn Chính phủ Ấn Độ đã giúp đỡ, hỗ trợ tận tình Viện trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cử chuyên gia Ấn Độ sang làm việc,…trong suốt hơn 20 năm qua. Đến nay, Viện đã có 49 cán bộ được cử sang học tập, nghiên cứu sau đại học (Tiến sỹ và thạc sỹ) và nhiều lượt đào tạo ngắn hạn tại Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực khác nhau: di truyền, tạo giống, công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, công nghệ sau thu hoạch, rau, hoa,….Chính nguồn nhân lực trụ cột này đã phát huy và đóng góp rất nhiều thành tựu về lai tạo giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất bền vững,…được áp dụng vào sản xuất cây ăn trái và rau ở khu vực phía Nam.
Ngài Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cũng bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên đến thăm Viện, mong muốn có nhiều dự án hợp tác về cây ăn quả, rau, hoa hơn nữa trong thời gian sắp tới, đặc biệt là các dự án hợp tác trao đổi chuyên gia giữa Viện Cây ăn quả miền Nam và đối tác Ấn Độ về lĩnh vực sản xuất bền vững và quản lý dịch hại trên cây ăn quả đang được Chính phủ Ấn Độ xem xét. Ngài Đại sứ cũng chia sẽ rằng xoài của Ấn Độ cũng rất phong phú, ngon nhưng đa phần chỉ cho thu hoạch theo mùa, trong khi đó, Việt Nam đang áp dụng kỹ thuật xử lý xoài ra hoa nghịch vụ quanh năm rất hiệu quả, và đề nghị Viện chia sẽ kinh nghiệm này cho nông dân Ấn Độ. Ngoài ra, Ngài Đại sứ cũng thông tin thêm là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ rất quan tâm đến việc mở rộng giao thương quả thanh long và một số chủng loại trái cây khác của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngài Đại sứ cùng Đoàn công tác cũng đã tham quan một số mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng chất lượng cao tại Viện.
Tác giả bài viết: Thành Hiếu
Nguồn tin: SOFRI