Triển khai thực hiện Nghị định 115: Bản quyền phải được tôn trọng trong nghiên cứu

Chủ nhật - 29/12/2019 21:37   508
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất đai màu mỡ, trù phú được biết đến không chỉ là vựa lúa gạo lớn nhất của cả nước mà đây còn là vựa trái cây với nhiều loại đặc sản nổi tiếng. Viện Cây ăn quả miền Nam trong những năm qua đã có nhiều thành tựu KHCN trong việc lai tạo nhiều giống cây mới có giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó là không ít những khó khăn, bất cập mà KHCN cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Thời gian qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã lai tạo được 10 giống rau, hoa và quả, đó là thanh long đỏ, thanh long tím hồng, cam sành không hạt, bưởi đường lá cam ít hạt, dứa Cayenne, giống ớt, dưa leo, đậu bắp, hoa đồng tiền và hoa cúc. Các giống gốc ghép chống chịu mặn, chịu ngập úng chống bệnh có nguồn gốc từ nấm trong đất cũng đã được nghiên cứu có kết quả như các giống bưởi bòng, bung, hồng đường.... Viện còn cung cấp cây có múi đầu dòng sạch bệnh, chuối cấy mô, hoa cúc, hoa đồng tiền, thanh long ruột đỏ ... Đồng thời hỗ trợ các tỉnh phía Nam xây dựng 16 mô hình sản xuất rau, quả đạt chứng nhận GlobalGAP/VietGAP. Đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh hại chính trên các loại cây ăn quả chủ lực như: ruồi đục quả, rầy chổng cánh, qui trình IPM phòng trừ bệnh vàng lá Greening trên cây cam quýt,

qui trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn, kiến trên cây thanh long, bệnh xì mũ trên cây sầu riêng, cam quýt, bưởi... Về công nghệ sau thu hoạch, những NCKH đã giúp kéo dài thời gian bảo quản thanh long lên được 60 ngày, có các thông số kỹ thuật cho việc bảo quản trái thanh long, xoài, chôm chôm, măng cụt, khóm. Có quy trình chế biến tối thiểu cho một vài loại trái, khóm, bưởi, xoài, mít...

PGS.TS. Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, Viện gặp phải không ít những khỏ khăn, bất cập. Đó là kinh phí không đủ để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhiều vấn đề lớn như sản xuất trái theo phương pháp hữu cơ, Viện đã đề nghị lâu rồi chưa được phê duyệt. Hay đề tài thay thế chất bị cấm sử dụng trên xoài trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn còn dùng, cũng không có kinh phí để làm. Các việc này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu xoài trong tương lai. Nhiều kết quả nghiên cứu được nghiệm thu, nhưng không chuyển giao được, vì không có kinh phí, như gốc ghép cây có múi, cây xoài chịu mặn, hay gốc ghép chống chịu các bệnh nấm trong đất đã có kết quả, nhưng không có điều kiện để làm mô hình thử nghiệm rộng trong sản xuất, nên bỏ đó rất tiếc. Các vấn đề như giống rau sau khi được công nhận, cũng không có điều kiện làm mô hình trình diễn như các công ty giống tư nhân, nên không đưa ra sản xuất được.

TS. Châu cho biết thêm, khó khăn lớn nhất là bản quyền không được tôn trọng, Viện không cạnh tranh được với mội số người trồng cây giống thanh long ruột đỏ do chính mình tạo ra, do họ bán quá rẻ so với Viện. Nếu vấn đề này không được giải quyết, theo TS. Châu, thì các Viện nghiên cứu khó thực hiện được Nghị định 115. Ngoài ra, các vấn đề sản xuất mới nổi lên gần đây như: sâu đục vỏ trái bưởi, gốc ghép có khả năng chịu đất mặn, đất ngập, cần làm dài hạn ít nhất 10 năm thì không có kinh phí để làm, bởi cứ 5 năm là hết thời gian cho một đề tài.

Trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Minh Châu, cần phải tạo ra sản phẩm hữu cơ thì mới tăng được khả năng cạnh tranh cho các loại rau quả quan trọng như chuối, thanh long, khóm, nhãn và các loại rau ăn lá. Muốn vậy, phải xây dựng được các mô hình sản xuất theo phương pháp hữu cơ được chứng nhận, sau đó mở rộng mô hình. Cần làm tiếp tục các nghiên cứu về gốc ghép chịu mặn, chịu ngập, chống chịu được các bệnh do nấm gây ra trên các loại cây ăn trái như cây có múi, vú sữa, khóm... Như vậy, khi đề tài kết thúc sau 3-5 năm thực hiện thì có thể tiếp tục được triển khai, vì đối với gốc ghép mà làm 5 năm thì chưa thể kết luận chính xác được.

Ngoài nghiên cứu, nên đưa các giống chống chịu điều kiện bất lợi này ra thí nghiệm trên diện rộng hơn, ở nhiều địa điểm hơn để nhanh chóng đưa vào sản xuất, sống chung với điều kiện bất lợi sẽ xảy ra. Ngoài ra, cần có các nghiên cứu về kỹ thuật trồng rãi vụ, tăng chất lượng, chế biến, tạo ra các sản phẩm từ rau, quả, tăng thời gian bảo quản rau trái... Đồng thời, hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận VietGAP, và có logo GAP dán ngay lên trái để phân biệt với trái chưa đạt GAP.

Tác giả bài viết: K.Anh

Nguồn tin: KH&PT

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,727
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,635
  • Tháng hiện tại64,336
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây