Phát triển ĐBSCL - tầm nhìn đến năm 2100
Theo Bộ NN-PTNT, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Lúa không đủ nước ngọt. Sự thay đổi bất thường của thời tiết ngày càng thể hiện rõ, điển hình như 17.000ha lúa đông xuân 2016 - 2017 bị sâu năn ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Thiệt hại lúa đông xuân và xuân hè ở giai đoạn thu hoạch vừa qua ở Hậu Giang do ngập úng vì mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao trong khi hệ thống đê khép kín không thoát nước kịp.
Với cây ăn quả, sự thay đổi mùa mưa, tần suất, cường độ làm ảnh hưởng lớn quy luật sinh trưởng; điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, ngập úng cùng với đê bao khép kín làm giảm dinh dưỡng đất và gây nên dẽ đất, rễ thiếu dưỡng khí là nguyên nhân khiến nhiều nhà vườn mất mùa.
Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2100 là: ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, tập trung giải quyết nâng cao chất lượng giống thích ứng với biến đổi khí hậu ngang tầm với các nước có nền nông nghiệp hiện đại cho ba nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản, cây ăn quả và lúa gạo.
Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ “ra lò”
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, cần phải phát triển theo 3 vùng của Kế hoạch Châu thổ ĐBSCL. Dựa vào biến động về nguồn nước, tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành 3 vùng ổn định, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt, biến đồng bằng này thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.
Muốn làm được điều đó, phải ưu tiên đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết 3 khâu yếu nhất là giống, thức ăn và chế biến. Đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực. Đến năm 2030 làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.
GS Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Hiện nay, nhiều chương trình khoa học đang tập trung theo hướng nghiên cứu các giống chịu mặn, giống chất lượng cao và giống chống chịu điều kiện bất thường (chống đổ, chống chịu sâu bệnh) và bước đầu đã có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu.
Song song với đó, Cục Trồng trọt cũng đã chỉ đạo các đơn vị phía Nam chuyển dịch bộ giống lúa theo hướng chất lượng. Trong 3 năm qua, chúng ta đã nâng được tỷ lệ giống lúa chất lượng từ 54% lên 64% giống lúa thơm, giống đặc sản chất lượng cao.
Đối với nhóm cây ăn quả thì vẫn còn nhiều bất cập. Bà con trồng chủ yếu là các giống địa phương. Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, một số viện nghiên cứu đã đề xuất các nhiệm vụ khoa học theo hai hướng, thứ nhất là phục tráng các giống địa phương để cải thiện chất lượng giống, và tiếp tục lai tạo, cải tạo các giống mới theo hướng chống chịu điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh.
Qua đó, Viện Cây ăn quả miền Nam tạo ra được giống nhãn kháng bệnh chổi rồng (là bệnh đang tàn phá nghiêm trọng các vùng nhãn ở ĐBSCL), thanh long ruột vàng (mở rộng thị trường xuất khẩu) và xoài vỏ dày (để tăng cường khả năng bảo quản trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu).
Bên cạnh đó, ngành trồng trọt cũng đang quyết liệt chỉ đạo, giám sát chất lượng cây giống, bởi khu vực ĐBSCL mỗi năm chuyển đổi, trồng mới và thay thế từ 7.000 – 10.000ha cây ăn quả. Nếu không quản lý tốt chất lượng cây giống thì rất nguy hiểm.
Mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm ở vùng thượng nguồn ĐBSCL cũng đang được triển khai rất mạnh. Điển hình như tỉnh Kiên Giang, năm vừa qua đã chuyển đổi tới 4.000ha rất thành công. Ngoài ven biển, mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay cũng đang trên đà phát triển mạnh, hiện tất cả doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm.
Nhiều giống cây ăn quả mới ưu điểm vượt trội
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), hiện nay Viện đã tạo và chọn được dòng cam sành không hạt LĐ6 với nhiều đặc tính nổi trội: có tỉ lệ hạt phấn bất dục cao (70%), số hạt/quả thấp <2 hạt/quả ổn định trong tất cả các quả ở tất cả các cây (khảo sát từ năm 2002 - 2010), thịt quả màu vàng cam, sáng đẹp, vỏ quả ít sần và bóng hơn so với cam sành thương phẩm, năng suất khá cao (20 - 25kg/cây/năm, cây 3 năm tuổi). Dòng cam sành này đã được công nhận và cho phép sản xuất. Một số giống triển vọng khác cũng đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức là sầu riêng sữa hạt lép, dứa Cayenne Long Định 2 và cam mật không hạt.
Trước đó, Viện đã thực hiện các chương trình lớn, trọng điểm quốc gia là tạo ra giống cây ăn quả có múi sạch bệnh, lai tạo giống thanh long ruột đỏ có nhiều ưu điểm và các giống chất lượng cao khác. Từ những cây có múi đầu dòng đã bị nhiễm bệnh vàng lá greening, bằng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng, các nhà khoa học tại đây đã tạo ra những cây có múi sạch bệnh cấp nguyên chủng đã được Bộ NN-PTNT công nhận Quy trình sản xuất cây có múi sạch bệnh.
Những tiến bộ trong nghiên cứu giống kể trên đã tạo ra động lực quan trọng để mở ra cơ hội phát triển các vùng cây ăn trái xuất khẩu tại ĐBSCL.
Nguồn tin: NNVN