Theo Viện cây ăn quả miền Nam, bệnh đốm nâu đã xuất hiện rải rác từ năm 2008 ở Bình Thuận, ban đầu diện tích và tỷ lệ nhiễm không đáng kể.
Tuy nhiên, đến đầu mùa mưa năm 2012 thì bệnh lây lan mạnh, với diện tích gần 1.000 ha, tỷ lệ nhiễm nặng từ 10% trở lên chiếm trên 80% và gây hại từ 20-50%. Bệnh này hiện đang gây hại ở các vùng trồng chuyên canh thanh long Bình Thuận, Tiền Giang và Long An làm giảm năng suất và ảnh hưởng đến chất lượng trái.
Hiện tại, nông dân chưa tìm ra giải pháp quản lý đối tượng bệnh này và thường sử dụng các loại phân, thuốc hóa học xử lý khiến chi phí sản xuất cao mà hiệu quả lại thấp. Do đó, trong khuôn khổ hợp tác với New Zealand dự án “Nghiên cứu và sản xuất giống thanh long mới chất lượng cao theo hướng bền vững”, Viện Sofri đã triển khai mô hình quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long nhằm chuyển giao TBKT cho nông dân ứng dụng hiệu quả phòng trị bệnh.
ThS Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng bộ môn BVTV, Viện Sofri cho biết: “Cây thanh long có rất nhiều bệnh như: thán thư, bệnh thối trái do vi khuẩn, vàng bẹ cánh cành, đốm nâu trên cành trên trái, ruồi đục quả, nám cành… trong đó bệnh đốm nâu được xem là rất nguy hại trên diện rộng cả nước trong vài năm gần đây, nhất là tại các vùng chuyên canh thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang...
Theo ThS Hiếu, bệnh đốm nâu do nấm có tên Neoscytalidium dimidiatum (Penz) Crous & Slipper gây ra. Bệnh thường xuất hiện mạnh vào mùa mưa và kéo dài trong suốt mùa mưa, đến mùa nắng thì bệnh giảm lại. Khi thời tiết có mưa dầm kéo dài, mưa ban đêm hay bão thì bệnh càng tấn công dữ dội và lây lan càng nhanh.
Ghi nhận thực tế mô hình được triển khai tại vườn thanh long của gia đình anh Phạm Mạnh Toàn, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Trước kia vườn thanh long của gia đình anh bị bệnh đốm nâu rất nặng, nhưng sau khi áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp thì đến nay tỉ lệ bệnh đốm nâu đã giảm được khoảng 70-80% so với các vườn xung quanh.
Chủ vườn Phạm Mạnh Toàn chia sẻ: “Gia đình tôi được Viện Sofri hỗ trợ thực hiện mô hình từ tháng 7/2017, trên điện tích 7.000 m2. Theo hướng dẫn của các chuyên gia về việc quản lý hiệu quả tốt mầm bệnh đốm nâu, cần triệt để vệ sinh mầm bệnh vườn, vệ sinh đồng ruộng, thăm vườn thường xuyên, loại bỏ những cành, quả bị bệnh, thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy”.
Sau khi khảo sát mô hình, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao về hiệu quả mô hình áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, giúp cho vườn thanh long giữ sạch bệnh và giảm chi phí sản xuất. Ông Robert, chuyên gia dự án cũng lưu ý nhà vườn trồng thanh long cần thận trọng khi chọn thuốc để phun trị bệnh đốm nâu hiệu quả và kinh tế.
Bệnh đốm nâu trên cây thanh long gây thiệt hại nặng về năng suất tới 60%, vì bào tử bệnh tấn công vào cành đọt non và trái non khi chín thu hoạch bán giá rất thấp.
Cùng với những đặc tính gây hại của bệnh đốm nâu thì tập quán canh tác của nhà vườn cũng đã tạo điều kiện cho mầm bệnh lưu tồn phát triển và lây lan mạnh.
Trong đó, việc để quá nhiều cành trên trụ thanh long cũng làm cho cây suy yếu rậm rạp dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, đa số nông dân khi cắt tỉa cành nhánh trái thanh long bị sâu bệnh lại không tiêu hủy mà vứt bừa xuống mặt đất, mương rãnh quanh vườn nên càng tạo cơ hội cho bệnh lây lan trên diện rộng.
Bệnh đốm nâu là đối tượng mới, phun các loại thuốc hóa học cũng không mang lại hiệu quả, vì vậy theo khuyến cáo của Viện Sofri, để phòng trừ bệnh mang lại hiệu quả cao bà con cần phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp đồng bộ và triệt để.
Về biện pháp canh tác: vệ sinh sạch cỏ dại; sau mỗi đợt thu hoạch tiến hành tỉa cành cho vườn thông thoáng sạch sẽ, chỉ giữ khoảng 50% tương đương khoảng 200 - 250 cành; không để vườn quá rậm rạp.
Vào thời điểm mưa hoặc lấy chồi non, nên bón phân NPK hoặc các nguyên tố trung vi lượng đầy đủ, hợp lý, không bón quá nhiều đạm giai đoạn cây ra chồi làm chồi mập mạp nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh.
Nếu trong vườn có nhiễm bệnh nặng, hạn chế để chồi trong thời tiết mưa. Cần bón nhiều phân hữu cơ hoai mục hoặc phân vi sinh có bán sẵn trên thị trường giúp hệ thống rễ cây khỏe mạnh, hút dưỡng chất nhiều và khả năng tiêu diệt nguồn bệnh trong đất.
Việc vệ sinh dọn dẹp cỏ cũng như tạo điều kiện thoát nước trong vườn góp phần hạn chế nguồn bệnh trong vườn. Nguồn nước tưới phải sạch, không có mầm bệnh; bón vôi định kỳ 1- 2 lần/năm với lượng 100kg/ha. Trong điều kiện áp lực bệnh cao, cũng phải sử dụng các loại thuốc hóa học, phun từ 7 – 10 ngày/lần tùy điều kiện thời tiết, phun xịt phải hết toàn bộ tán cây, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo thời gian cách ly để đảm bảo sản phẩm an toàn, hướng đến xuất khẩu hiệu quả, bền vững.
Nguồn tin: nongnghiep.vn