Vì vậy, cần phải có sự nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện, đồng thời phải có những giải pháp thiết thực để trái cây Việt Nam đủ khả năng tham gia thị trường thế giới.
SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN RAU QUẢ VIỆT NAM
Theo tổng kết năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích cây ăn quả đạt 843.700 ha, trong đó cây ăn quả nhiệt đới ở các tỉnh phía Nam chiếm 466.700 ha (ĐBSCL 288.500 ha và ĐNB 178.200 ha), là vùng sản xuất tập trung cây ăn quả theo hướng hàng hóa lớn, trong đó dẫn đầu là Tiền Giang, kế đến là Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre và nhiều tỉnh khác. Đây là vùng có chủng loại cây ăn quả rất đa dạng, với nhiều giống nổi tiếng cả trong và ngoài nước như xoài Cát Hòa Lộc, Cát Chu; bưởi Da Xanh, Năm Roi; Thanh long; Sầu riêng Ri 6, Chín Hóa; nhãn tiêu Da Bò; Chôm chôm nhãn, Java; Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả luôn tăng trưởng liên tục, lấy mốc từ năm 1996 VN chỉ xuất được 90,2 triệu USD/năm, nhưng đến 2008 đã vượt mốc 400 triệu USD, 2011 vượt 600 triệu USD, 2012 lên trên 800 triệu USD, rồi năm 2013 vượt mốc 1 tỷ USD và ước tính năm 2014 đạt 1,47 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2013; trong 11 tháng đầu năm 2014 Việt Nam đã xuất siêu rau quả khoảng 882 triệu USD ( Hiệp hội Rau quả - 2014).
Theo Cục BVTV, năm 2014 có 40 chủng loại quả được xuất đến thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 10 nước nhập khẩu trái cây quan trọng trong năm 2014 của Việt Nam là Trung Quốc (26,79%), Nhật Bản (4,97%), Hàn Quốc (3,89%), Hoa Kỳ (3,84%), Hà Lan (2,63%), Nga (2,5%), Đài Loan (2,21%), Thái Lan (2,07%), Malaysia (2,01%), Singapore (1,72%); số lượng xuất đạt hơn 1,6 triệu tấn trong đó thanh long đạt hơn 997 ngàn tấn, dưa hấu gần 300 ngàn tấn, nhãn hơn 100 ngàn tấn, vải hơn 70 ngàn tấn, chôm chôm 600 tấn. Điều đáng mừng là thị phần xuất khẩu sang các thị trường cao cấp có tăng lên, thị phần xuất sang Trung Quốc dù có giảm nhưng vẫn chiếm tỉ lệ rất cao. Với việc tăng trưởng mạnh mẽ liên tục cho thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong sản xuất và xuất khẩu quả trong những năm tới.
MỘT SỐ HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN TRONG SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU RAU QUẢ VIỆT NAM
- Công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mới chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương chưa phát huy được sức mạnh thật sự của vùng chuyên canh và sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa.
- Tỷ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP trong sản xuất rau quả còn thấp, rải rác, phân tán dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, không rải vụ theo thời gian.
- Sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn mong manh dễ đổ vỡ. Doanh nghiệp phải thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất sứ, chất lượng không đồng đều, rủi ro rất cao. Doanh nghiệp chưa đầu tư cho vùng nguyên liệu.
- Chuỗi cung ứng còn quá ngoằn ngoèo, qua quá nhiều trung gian dẫn đến giá trị sản phẩm ở trang trại rất thấp (giá rẻ), trong khi đó giá bán trên thị trường đôi khi lại quá cao, người nông dân không được hưởng lợi. Chuỗi giá trị chưa được cải thiện và kiểm soát để phân chia lợi nhuận hợp lý cho từng đối tượng trong chuỗi, giá trị gia tăng chưa cao.
- Nhiều dịch bệnh xảy ra khắp nơi do việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, tăng diện tích ồ ạt, tự phát, khó kiểm soát, do biến đổi khí hậu.
- Rau quả chủ yếu tiêu thụ tươi, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện nay còn quá lớn (25-30%), do việc canh tác trước thu hoạch của người dân còn lạm dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV; việc đóng gói, vận chuyển của doanh nghiệp nhiều nơi còn quá thô sơ, lạc hậu, không đảm bảo chất lượng, VSATTP; sản phẩm chế biến chưa nhiều.
- Tiến bộ kỹ thuật trong xử lý ra hoa được người dân áp dụng rất tốt, nhưng việc xử lý ra hoa nghịch vụ của người dân còn mang tính tự phát dẫn đến được mùa nhưng mất giá, sản xuất thiếu định hướng. Tuy đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất rải vụ nhưng việc vận hành còn chậm, mang tính địa phương và chưa đi vào thực tiễn sản xuất, chưa có giải pháp thích hợp để vận hành mang tính liên kết vùng, bền vững, không thể điều tiết sản xuất.
- Việt Nam có nhiều chủng loại quả rất ngon, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước, nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến do công tác tiếp thị chưa đủ, không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại của thế giới.
- Thông tin thị trường chưa được nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật về chủng loại , thị trường, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh tranh trên thế giới... đặc biệt là mức độ nông hộ, người dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường. Chính vì vậy, việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và tính định hướng.
- Quá nhiều doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực tham gia xuất khẩu dẫn đến tự cạnh tranh trong nội bộ dẫn đến bất lợi trong cạnh tranh trên trường quốc tế.
GIẢI PHÁP TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH VÀ NÂNG TẦM TRÁI CÂY VIỆT TRÊN THẾ GIỚI
Tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn: Ở VN có nhiều giống địa phương rất ngon đã được thị trường công nhận, cơ quan nghiên cứu và ngành nông nghiệp đã công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng phục vụ cho công tác giống rất tốt. Tuy nhiên, nhiều chủng loại vẫn chưa mở rộng diện tích như xoài Cát Hòa Lộc, bưởi Da Xanh, Sầu Riêng Ri 6... vì diện tích nhỏ nên sản lượng không đủ cung cấp cho thị trường, cho nên việc quy hoạch và phát triển sản phẩm chủ lực đóng vai trò quan trọng, công tác giống tốt phải đi song hành thì việc tạo sản lượng lớn của cùng một loại giống chất lượng cao sẽ giúp phát triển thương hiệu và giữ thương hiệu cho cả thị trường trong và ngoài nước.
Tổ chức liên kết sản xuất GAP, Hữu cơ: Chúng ta có nhiều mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, việc này góp phần rất lớn trong việc sản xuất an toàn, có truy nguyên được nguồn gốc, giảm dư lương thuốc BVTV sau thu hoạch nên đã tạo niềm tin nơi thị trường. Tuy nhiên, những mô hình này quá nhỏ, rải rác, sản lượng ít, chỉ có trong một giai đoạn nhất định trong năm và chưa liên kết được với nhau và với doanh nghiệp lớn, nên việc buôn bán chưa tăng lợi nhuận và bền vững như mong muốn. Nhưng đây là mô hình sản xuất bền vững trong tương lai, nó gắn liền với hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, nó cắt bỏ các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng làm cho giá trị tăng lên cho từng nhân tố trong chuỗi, làm tăng giá trị gia tăng cho từng mặt hàng, giảm thiểu dịch hại tấn công và phát triển thành dịch. Việc liên kết vùng cho từng sản phẩm mang tính cách mạng cho sản xuất nông nghiệp nếu được quy hoạch và thực hiện nghiêm túc, có cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý, hai thành tố quan trọng nhất trong liên kết này là doanh nghiệp và nhóm nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhất định theo hướng chất lượng cao (GAP, sản xuất hữu cơ).
Sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn: Với điều kiện nhiệt đới và các gói kỹ thuật đã được xây dựng và ứng dụng, nhiều cây ăn quả nổi tiếng đã có thể sản xuất, cho sản phẩm quanh năm như thanh long, xoài bưởi, cam, chôm chôm, nhãn, sầu riêng… điều mà không phải nước nào cũng làm được, có điều kiện cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới nếu tổ chức sản xuất rải vụ một cách hợp lý. Để làm dược điều này việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết vùng sản xuất giữa các địa phương thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Vai trò của nhạc trưởng quyết định sự thành bại của liên kết và thực tiễn sản xuất và của sự điều tiết rải vụ, phải điều tiết được tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó. Phải có cơ chế liên kết và chia sẻ lợi nhuận hợp lý, minh bạch cho từng thành viên; việc bảo hiểm trong sản xuất cũng góp phần tạo sự thành công, nhất là giai đoạn đầu khó khăn; việc nghiên cứu tìm hiểu và nắm vững thị trường, đối tác , đối thủ, nhu cầu theo thời gian đóng vai trò quan trọng trong điều tiết sản xuất rải vụ một cách hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, mỗi chủng loại quả chỉ nên có một đầu ra để đảm bảo đủ mạnh trong đàm phán và tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước.
Xây dựng và giữ vững thương hiệu mạnh đại diện cho quốc gia: Hiện nay trên cùng một chủng loại quả, ví dụ thanh long có quá nhiều doanh nghiệp tham gia đóng gói và xuất khẩu, xây dựng nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng chưa đại diện cho sản phẩm quốc quả của Việt Nam, nên các doanh nghiệp tự cạnh tranh, tự giảm giá để xuất khẩu, những doanh nghiệp nhỏ bị bóp chết, còn doanh nghiệp thu mua nước ngoài có lợi. Trong khi đó ở nước ngoài, một doanh nghiệp hay hiệp hội đại diện xuất khẩu một hoặc hai sản phẩm chủ lực và là đầu mối duy nhất, độc quyền cho sản phẩm đó, những doanh nghiệp khác làm vệ tinh cho doanh nghiệp đại diện. Chính vì vậy, tất cả các nhà nhập khẩu điều phải lệ thuộc vào doanh nghiệp hay hiệp hội này. Nên áp dụng giải pháp này và cần có cơ chế chia sẻ quyền lợi hợp lý trong các thành phần tham gia trong suốt chuỗi. Cho nên việc thống nhất xây dựng thương hiệu mạnh, mang tính quốc gia cho từng sản phẩm chủ lực là rất cần thiết và chúng ta cùng nhau quảng bá sản phẩm quốc gia trên thị trường thế giới.
Giống mới, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới: Ở nước ta đã và đang thực hiện bảo hộ giống mới mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà chọn giống và cho đất nước qua việc tăng hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh qua độc quyền sản xuất và cung ứng, giảm thiểu việc mất giống, ăn cắp bản quyền giống. Tuy nhiên, việc này chủ yếu thực hiện trong nước và việc chế tài đôi khi chưa đủ mạnh để phát huy hết tác dụng của nó. Hiệu quả của bảo hộ giống mới ở mức độ quốc tế, họ đã áp dụng trên nhiều cây trồng với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với luật lệ rõ ràng, minh bạch trong phạm vi sản phẩm và vùng mà sản phẩm được thương mại, khi đó người được cấp phép (licence) quyết định ai là người có thể trồng giống mới tạo ra và hiệu quả là rất cao. Nếu một giống không được bảo hộ, nghĩa là giống đó có thể được nhân giống tự do, bất cứ ai cũng có quyền trồng và chúng ta không thể kiểm soát giống đó. Bên cạnh đó, việc chia sẻ bản quyền cho một doanh nghiệp, đơn vị nước ngoài Việt Nam có nhiều lợi ích khác như:
-Do chi phí Bảo hộ Quyền Sở hữu Trí tuệ cho một giống là rất cao nên việc chia sẻ chi phí Bảo hộ giống thông qua việc cấp quyền sản xuất kinh doanh giống, nhưng vẫn thu được tiền bản quyền tác giả, lợi nhuận cho đơn vị và đất nước từ quyền sở hữu giống đó.
-Chúng ta có quyền cho phép nhà vườn hay cơ quan trong một đất nước hay một lãnh thổ nào đó trồng hay bán giống đó hoặc ngừng trồng giống đó, nếu nhà vườn vi phạm hợp đồng và mọi cây trồng đó đều phải bị tiêu hủy (theo luật quốc tế).
- Có giấy phép Bảo hộ giống quốc tế (kết nối quyền lợi của nhà chọn tạo giống và Bảo hộ Thương mại Giống) có thể cho phép chúng ta phát triển và quản lý sản phẩm và giống bán ra và tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Lợi nhuận có thể bao gồm:
+ Nhu cầu thương mại cho 12 tháng trong năm (thí dụ sản phẩm trong một nước khác có thể cung cấp quả trong suốt thời gian mà tại Việt Nam sản lượng thấp).
+ Trong điều kiện mất mùa trong một vùng nào đó là do bão hay điều kiện khí hậu nào khác hay một cơ hội thị trường hoặc nhu cầu cung cấp quả từ các vùng khác nhau, chúng ta có thể đảm bảo thị trường quả khi có nhu cầu.
+ Quả luôn sẵn sàng cho thị trường và người tiêu dùng trong các vùng khác nhau do đó sẽ gia tăng nhu cầu và giá trị của sản phẩm.
+ Lợi ích cho đất nước tốt hơn do khả năng cạnh tranh tốt hơn và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
+ Tiền tác quyền của giống mới được thu từ các nước khác. Một thí dụ ở New Zealand: giống Kiwi “Hayward” được phát triển và thương mại hóa ở New Zealand trước khi Bảo hộ Giống. Kết quả giống “Hayward” được trồng rộng khắp thế giới mà không có bất cứ lợi tức cho người đã nghiên cứu và phát triển giống đó. Trong khi đó giống Kiwi “Hort16A” tên thương mại là “ZESPRITM Gold” đã thu được lợi nhuận xấp xỉ 4 tỉ đôla New Zealand từ khi giống này được đưa ra thương mại hóa, gấp 4 lần việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong một năm. Tuy nhiên, việc giữ vững thương hiệu xuất khẩu số một của sản phẩm chủ lực vẫn phải luôn luôn được giữ vững là đặc biệt quan trọng.
Nguồn tin: Tạp chí Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam