Từ cuộc Hội thảo quốc tế về cây ăn trái, nghĩ về xứ mình (Kỳ 1)

Thứ năm - 19/07/2012 23:23   1023
Từ cuộc Hội thảo quốc tế về cây ăn trái, nghĩ về xứ mình (Kỳ 1)

Ký sự hành trình Quảng Châu (Trung Quốc)

Ngày 17-6, nhận lời mời của Tổ chức mạng lưới về cây ăn trái nhiệt  đới quốc tế (International Tropical Fruit Network - TFNet, có trụ sở đóng ở Malaysia), tôi lên đường đi Quảng Châu, Trung Quốc dự Hội nghị Quốc tế về Cây ăn trái nhiệt đới và Á nhiệt đới từ ngày 18 - 20 tháng 6. Qua Hội nghị này và qua quan sát thị trường trái cây Trung Quốc, nhìn lại xứ mình tôi thấy cần phải quy hoạch mùa vụ, hướng dẫn nông dân để trái cây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không bị rớt giá vào tháng 6, tháng 7, 8 mỗi năm như hiện nay. Bài viết này như là một ghi chép về hành trình trên xứ người để gẫm lại ta:

img 2441 nen
Giao thông ở Quảng Châu rất ngăn nắp, trật tự

CẢM NHẬN BAN ĐẦU

Máy bay Vietnam Airlines từ TP. Hồ Chí Minh bay khoảng 3 tiếng thì chúng tôi tới Phi trường Quốc tế Quảng Châu. Cảm nhận đầu tiên, Phi trường Quảng Châu rộng lớn hơn phi trường Tân Sơn Nhất nhiều. Làm xong mọi thủ tục, ra đến bên ngoài khu vực đón khách, chúng tôi được mấy anh của TFNet đón và đưa về khách sạn nơi hội nghị sẽ diễn ra 3 ngày sau đó.

Xe chạy nhanh trên đường cao tốc, từ phi trường xe chạy hơn nửa giờ thì đến trung tâm thành phố Quảng Châu, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Đông. Quảng Châu là Trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục và văn hóa của các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Quảng Châu có Đại học Nông nghiệp Hoa Nam (South China Agricultural University) nơi các giáo sư nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng theo học.

Khi xe chạy trên đường cao tốc, tôi thấy dãy phân cách và 2 bên đường được trang trí bằng cây cảnh rất đẹp, mỗi bên của dãy phân cách có từ 3-4 làn xe hơi, mặc dù đi đường cao tốc xe chạy nhanh nhưng tôi thấy rất an toàn. Trên đường tôi thấy toàn xe hơi to và xịn như Mercedes, Audi, Volswagen, Toyota, Lexus, Ford, BWM...

Ngồi chung xe với tôi về Quảng Châu có chủ xe là TS. Yi, Phó Giám đốc Viện Hàn lâm Nông nghiệp tỉnh Quảng Đông. Ông cho biết, thành phố Quảng Châu có 11,8 triệu dân, là thành phố lớn thứ 3 của Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh và Thẩm Quyến. Tôi thấy thành phố Quảng Châu có rất nhiều nhà chọc trời khoảng 16-18 tầng, hầu hết là nhà chung cư nằm san sát nhau. Trong thành phố, tôi không thấy xe gắn máy hai bánh, chỉ có xe hơi loại rất xịn, xe bus và xe taxi. Suốt từ phi trường về khách sạn, hầu như không có ngã tư, xe chạy liên tục một mạch.

Nhìn chung, tôi thấy thành phố Quảng Châu quá đẹp và hiện đại, xe lưu thông với tốc độ cao, rất ít thấy ngã tư, nhiều nơi giao điểm lưu thông có đến 3-4 tầng xe chạy trên đó. Đường sá ở Quảng Châu chẳng những quá tốt, mà phải nói là đẹp nữa.

TỪ NHỮNG THÔNG TIN KHOA HỌC, HỮU ÍCH... NGHĨ VỀ XỨ MÌNH

Khác với các hội thảo, hội nghị quốc tế được tổ chức ở các nước (chỉ một, hai người đọc diễn văn khai mạc là đủ), còn ở Trung Quốc họ mời từ 7 - 8 người, mà toàn đọc bằng tiếng Trung Hoa (có người dịch qua tiếng Anh, rất mất thời gian). Sau các diễn văn khai mạc, theo truyền thống của họ là tiết mục chụp ảnh lưu niệm với tất cả các đại biểu dự hội nghị. Hội nghị này có 350 đại biểu đến từ 30 nước tham dự, thế mà họ vẫn sắp xếp ngon lành nhờ đã chuẩn bị sẵn chỗ đứng để có thể thấy được mặt tất cả các đại biểu.

img 2351 nen1
Ban Chủ tọa Hội nghị Quốc tế Cây ăn trái nhiệt đới và Á nhiệt đới năm 2012

Nội dung hội nghị bắt đầu với 4 báo cáo nền (key speakers) cho toàn thể đại biểu nghe. Trong đó, ông Kaison, đại diện FAO cho biết cây ăn trái nhiệt đới được các nước đang phát triển sản xuất, thương mại trên toàn thế giới về lĩnh này rất quan trọng, chiếm khoảng 20 tỷ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trên toàn thế giới, trong đó có đến 8 tỷ USD là từ xuất khẩu chuối già mà hầu hết là từ Ecuador và vùng Caribe.

Sau đó là bài phát biểu của GS. Deng là nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc hiện nay về công nghệ sinh học trên cây có múi, (hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hoa Trung ở Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi tôi đã đến thăm năm 2010 và tôi rất ấn tượng với chất lượng nghiên cứu rất cao ở đây) báo cáo về tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu trái cây của Trung Quốc.

Theo ông, về xuất nhập khẩu trái cây, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam với số lượng nhiều nhất và Trung Quốc cũng xuất khẩu qua Việt Nam nhiều trái cây nhất so với các nước khác trong khu vực. Về sản xuất, ông cho biết mấy năm gần đây tăng nhanh sản xuất cây có múi và cây chuối già so với 10 năm trước đây. Tuy vậy, họ vẫn còn phải nhập nhiều chuối già, sau đó là nhãn, vải, khóm... Họ cũng nói như tôi đã nghe ở Nhật Bản là việc phủ bạt làm tăng độ ngọt trái cam, quýt lên khoảng 2 độ Brix và tạo tán thấp cây ở cam quýt làm tăng tỷ lệ trái có chất lượng cao lên nhiều, mang lại hiệu quả cho người trồng.

img 2241 nen2
Không tưới nước trước khi thu hoạch làm tăng độ ngọt trái cam, quýt khoảng 2 độ brix

Tiếp theo sau đó, là một báo cáo nền của TS. Zhong, Viện trưởng Viện Cây ăn quả tỉnh Quảng Đông. Ông này cho biết mấy năm gần đây việc kiểm soát bệnh vàng lá Greening trên cây cam, quýt rất thành công ở Quảng Tây, trong khi không thành công ở tỉnh Quảng Đông; việc này là vì ở Quảng Tây có chương trình sản xuất cây giống sạch bệnh vàng lá Greening rất quy mô và ông cho biết Chính phủ đã thấy tầm quan trọng của việc hỗ trợ cây giống cây có múi cho nông dân và đã đồng ý chi 25 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ sản xuất cây giống cây có múi.
Sau đó, GS. Sisir, người Ấn Độ, báo cáo về sự cần thiết phải điều khiển mùa vụ trái cây vì vào mùa hè ở khu vực Bắc bán cầu có rất nhiều loại cây ăn trái cho trái. Nhìn lại điều kiện của ĐBSCL, tôi thấy ý kiến này xác đáng vô cùng, vì tháng 6 này, ngoài các loại trái cây thông thường như chuối, đu đủ, mít... chúng ta còn có thêm vải ở miền Bắc, trái thanh long đang vào vụ chính, trái cây nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon cũng đang vào vụ và cả táo Tây Trung Quốc đang đổ vào ĐBSCL, cần phải có sự điều chỉnh mùa vụ, để không bị cảnh dư thừa lượng cung trên thị trường.

Chiều hôm đó, hội nghị bắt đầu chia làm 2 nhóm (section), nhóm 1 bao gồm các báo cáo về kỹ thuật cây trồng và nhóm 2 có các báo cáo về bảo vệ thực vật. Ở nhóm bảo vệ thực vật, có rất nhiều báo cáo giải quyết các vấn đề tương tự của Việt Nam như bệnh thối trái trên vỏ trái chôm chôm, bệnh xì mủ ở trái măng cụt (bệnh này Việt Nam rất chú ý vì chúng ta cũng bị nhiều vào những tháng mưa), bệnh Fusarium wilt trên chuối già, bệnh mới do Bacteria gây ra trên đu đủ ở Malaysia mà Việt Nam chưa có, đoàn Việt Nam thì báo cáo bệnh “chổi rồng” trên nhãn...

Về kỹ thuật canh tác, một báo cáo cho biết đã có thể tăng năng suất măng cụt bằng xử lý Paclobutazol, sản xuất hữu cơ đã rất phổ biến ở Trung Quốc (chuối già), Ấn Độ (khóm, dứa), ở Thái Lan (khóm), còn ở ta... chưa được... duyệt cho làm, dù chúng tôi đã xin từ nhiều năm qua.

Về thị trường tiêu thụ, báo cáo của đại diện khu vực Mỹ La tinh cho biết ngày nay họ yêu cầu trái cây xuất khẩu vào nước họ phải đạt các yêu cầu: an toàn, có nhiều vitamin và khoáng chất, giá thấp hơn, nhiều dinh dưỡng hơn, chất lượng cao hơn và trái hữu cơ.

Trong giờ giải lao của hội thảo, nước chủ nhà chiêu đãi giữa giờ cho đại biểu trái vải mà họ cho là rất ngon, chuối già và trái mận (tiếng Bắc). Tôi thấy đây là cơ hội rất tuyệt vời để quảng bá trái cây cho đất nước mình, và Việt Nam đã không bắt lấy cơ hội này, vì đã không đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế (đúng ra chúng tôi không được khuyến khích).

Trong các hội nghị trái cây quốc tế này, tôi thường gặp rất nhiều các giáo sư của các trường đại học các nước: Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... đi dự Hội thảo, trong lúc Việt Nam rất ít khi đi vì vấn đề kinh phí.

Riêng hội thảo này, Việt Nam có đến bốn người đi dự vì đã có hai người được mời, chỉ có hai người phải chịu kinh phí thôi. Đây lại là một thiệt thòi rất lớn cho khoa học của Việt Nam, do không có kinh phí để đi dự nên các tiến bộ kỹ thuật mới của các nước báo cáo chúng ta không nắm được. Điều này, theo tôi nên sớm được khắc phục vì chỉ có lợi cho đất nước nếu nhà khoa học có cơ hội. Theo tôi, đối với với các viện nghiên cứu, Nhà nước nên cho các viện toàn quyền sử dụng kinh phí thường xuyên để đi dự các hội thảo quốc tế, có như vậy mới nắm được thông tin mới.

Ngoài thời gian dự hội nghị, qua khảo sát ở các tiệm có bán trái cây/siêu thị, tôi thấy họ có mùa vụ tương tự như ở miền Bắc Việt Nam: họ đang bán trái vải, ngoài ra còn có đu đủ (trái nhỏ chừng 0,5kg/trái), đặc biệt là trái dưa hấu rất nhỏ (chừng 0,7 kg/trái), chuối già rất đẹp vỏ màu vàng có dán thương hiệu, chuối sứ, chuối cau, trái mận, trái táo tây, trái mận đào, trái lê, trái nho, trái dưa tây (dưa lưới - melon). Như vậy, trùng với họ lúc này, chúng ta cũng có nhiều trái vải, vì là giữa tháng 6. Dù họ đang vào mùa vải, nhưng họ vẫn là nước nhập trái vải lớn từ Việt Nam. Họ cũng có nhiều chuối già, nhưng vẫn phải nhập chuối già, chuối xiêm từ Việt Nam, vì dân họ quá đông...

(Xem tiếp kỳ sau)

Tác giả bài viết: PGS.TS. Nguyễn Minh Châu

Nguồn tin: apbac

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,846,001
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,865
  • Tháng hiện tại61,610
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây