Chỉ ra các yếu kém, TS. Hòa phân tích:
Các mô hình VietGAP hay Global GAP còn quá nhỏ, sản lượng không nhiều, các địa phương chưa quan tâm nhiều đến liên kết. Quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh chưa được thực hiện, chính sách hỗ trợ vùng chuyên canh chưa hoàn chỉnh.
Tổ hợp tác (THT) hoặc hợp tác xã (HTX) sản xuất và doanh nghiệp về cây ăn trái còn ít về số lượng và mang tính hình thức, thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu, chưa có mô hình làm ăn thật sự hiệu quả để làm mô hình mẫu. Sự liên kết giữa người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất và nhà phân phối rất lỏng lẻo, giữa các viện, trường chưa chặt chẽ.
Phóng viên (PV): Hiện nay, các mô hình GAP đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng cũng như tìm đầu ra. Có phải do nguyên nhân của sự liên kết lỏng lẻo không, thưa tiến sĩ?
TS. Nguyễn Văn Hòa: Hiện nay, các HTX tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP rất tốt nhưng quy mô nhỏ và đầu ra không có. Khi ra thị trường, giá bán các sản phẩm an toàn và không an toàn bị cào bằng, mà cũng khó ai phân biệt được chúng. Bỏ ra công sức nhiều và chi phí chứng nhận cao lại không được lợi ích đã không kích thích được nông dân tham gia mô hình.
Hơn nữa, lâu nay, nông dân quen sản xuất cá thể, quy mô sản xuất nhỏ và trồng vườn tạp, không phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hoá, chất lượng trái không đồng đều và ổn định. Trong khi đó, họ không khả năng tìm thị trường, quảng bá sản phẩm, chỉ có doanh nghiệp mới có kinh nghiệm làm việc này. Nhưng giữa họ không có liên kết với nhau nên sản xuất ra rất khó tiêu thụ.
Còn doanh nghiệp, họ cứ quan tâm đến việc tranh mua, tranh bán, rồi tự “đấu đá” với nhau trên sân nhà lẫn sân khách (khi gặp đối tác chèn ép về giá, các doanh nghiệp chúng ta “đấu đá” để bán được hàng), nhiều doanh nghiệp vì lợi ích còn o ép nông dân. Tất cả những điều này dẫn đến yếu kém dây chuyền, bắt nguồn từ sự thiếu liên kết lại với nhau.
Nếu các doanh nghiệp, HTX có sự liên kết lại với nhau thành những đầu mối sẽ tốt hơn, tạo nên một sức mạnh để chống lại sự độc quyền nhập khẩu từ phía đối tác. Liên kết sản xuất gắn sản xuất với tiêu thụ tạo thành sản xuất lớn, chuỗi cung ứng khép kín sẽ khắc phục được tình trạng kém chất lượng và tắc đầu ra.
HTX nước ngoài có cả ngàn ha hay vài chục ngàn ha, còn HTX ở ta chỉ vài chục ha. Khi đối tác đặt hàng vài chục tấn/ngày, HTX không có hàng để cung ứng. Các HTX liên kết với nhau, luân phiên cung cấp và chịu sự quản lý của một đầu mối, sau đó phân bổ lợi nhuận lại cho các đơn vị thành viên sẽ giải quyết tốt vấn đề trên. Nông dân cũng được quy về một mối để bán. Thế giới đã làm việc này lâu rồi nhưng ở nước ta rất hiếm.
PV: Tình trạng mạnh ai nấy làm và cục bộ địa phương đã tồn tại rất lâu và ăn sâu vào quy trình canh tác. Theo tiến sĩ, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này để liên kết lại được không?
TS. Nguyễn Văn Hòa: Hiện nay có tình trạng địa phương nào cũng nói trái cây của tỉnh mình là ngon nhất. Một số tỉnh khi đi tiếp thị cùng sản phẩm chạm mặt nhau còn nói “xấu” nhau. Bộ NN&PTNT cần giao cho đơn vị nào đó như Cục Trồng trọt chẳng hạn cử hẳn 1 bộ phận làm đầu mối hay Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chỉ đạo thực hiện.
Nếu cứ để mạnh ai nấy làm, biết bao giờ chúng ta mới giải quyết tình trạng bấp bênh, bất ổn trong phát triển cây ăn trái hiện nay. Đài Loan làm rất tốt chuyện liên kết này từ lâu. Họ không những thành lập những vùng sản xuất mà còn cử một bộ phận đi tiếp thị, quảng bá sản phẩm của mình cho thế giới biết.
Việt Nam có sứ quán ở các nước và hàng năm đều có tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam nhưng chúng ta chưa lồng ghép để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trái cây của mình. Không còn đường nào khác, chúng ta phải liên kết lại với nhau để có diện tích lớn, liên kết với các doanh nghiệp trong mua bán, quảng bá sản phẩm.
Chúng ta phải làm sao để các doanh nghiệp có thể chia sẻ quyền lợi với nông dân. Muốn vậy, Nhà nước phải nhảy vô. Nếu chia sẻ được lợi nhuận, trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân, cây ăn trái sẽ phát triển bền vững.
PV: Vậy, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
TS. Nguyễn Văn Hòa: Chúng ta đã có nhiều mô hình sản xuất an toàn, GAP thành công. Mặc dù còn nhỏ nhưng nó là những nền móng rất tốt để phát triển rộng sau này. Hiện nay Chính phủ đã ban hành quy hoạch tổng thể, Bộ NN&PTNT cũng cần có quy hoạch cụ thể cho từng vùng, trong đó xác định từng vùng trồng cây gì, diện tích bao nhiêu.
Sau đó mỗi tỉnh, thành chọn cho mình kế hoạch thực hiện cụ thể, chọn cây gì, diện tích bao nhiêu và nguồn nhân lực thực hiện như thế nào; đồng thời, các địa phương cũng xác lập vùng chuyên canh của tỉnh; xác định thế mạnh một số loại cây ăn trái mà các địa phương bạn cũng có lợi thế để lập kế hoạch, xúc tiến liên kết cùng phát triển.
Theo đó, mỗi tỉnh cử ra một nhóm người có năng lực, có tâm huyết chuyên trách thực hiện liên kết; hình thành mạng lưới chân rết, đào tạo, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn nông dân; thông tin, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, định hướng sản phẩm nào bán đi nước nào; hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn trong và ngoài nước.
Từ đó, chúng ta mới xác định tiêu chuẩn nào cần phải áp dụng cho thị trường nào. Khi đó, việc đầu tư mới tập trung có trọng điểm, tránh được tình trạng dàn trải, không hiệu quả. Tổ chức các điểm kiểm tra chất lượng trái cây như tại chợ đầu mối, tổ chức giám định chất lượng các loại trái cây an toàn để người tiêu dùng biết sản phẩm tốt và không tốt.
Có như vậy, sản xuất an toàn mới đi vào nền nếp, khoa học. Quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất (thành lập tổ hợp tác, HTX) sau đó liên kết các HTX này lại (1 HTX bung ra lớn sẽ quản không xuể) và gắn kết với doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!
Tác giả bài viết: S.N - N.V