SOFRI - Viện khoa học của thực tiễn

Chủ nhật - 29/12/2019 21:43   548
Tết Đinh Sửu, trên một tờ báo có bài viết "Hoa khôi ế độ" nói về xoài cát Hòa Lộc tại Cần Thơ bị ế trong khi xoài cát Hòa Lộc ngay tại quê hương Cái Bè - Tiền Giang thì không đủ bán. Mặc dù không nói thẳng nhưng bài báo có ý “đá xéo” kết quả bình tuyển hội thi cây giống tốt do Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) tiến hành vào tháng 4/1996 khi chọn cây xoài cát Hòa Lộc ở Cần Thơ là cây đầu dòng số 1.

Nhắc lại kỷ niệm này, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng SOFRI vẫn kiên định đấy là một kết luận khoa học không thể bác bỏ. Tuy nhiên sau này ông tự nhận thấy rằng việc tổ chức hội thi cây giống tốt, ngoài khoa học còn có ý nghĩa cộng đồng, phong trào... vì thế nếu chặt chẽ, chi li quá nhiều khi hiệu quả lại không cao. Rút kinh nghiệm, hội thi năm sau ông đã trao giải Nhất đồng hạng cho 2 cây giống sầu riêng: Sầu riêng Chín Hóa (Bến Tre) và Sầu riêng hạt lép chuồng bò (Tiền Giang). Nay hầu như không ai nhớ đến giống sầu riêng chuồng bò.

Trong cơn lốc bệnh chổi rồng đang tàn phá các vườn nhãn hiện nay, may mắn sao lại có giống nhãn xuồng cơm vàng kháng được. Việc phát hiện ra giống nhãn quý này rất tình cờ, PGS.TS Nguyễn Minh Châu nhớ lại, năm 1998, khi nhãn tiêu da bò đang có giá và phát triển mạnh, ý tưởng qua hội thi sẽ tìm kiếm được cây đầu dòng để chuẩn hóa giống nhưng kết quả lại tìm được giống nhãn xuồng cơm vàng tận TP Vũng Tàu.

Sau đấy, nhãn tiêu thoái trào, hàng chục nghìn ha nhãn tiêu ở Nam bộ bị đốn hạ nhưng giống nhãn xuồng vẫn đứng vững nhờ vào các đặc tính thơm ngon độc đáo của nó mà cả thế giới này chưa từng biết đến.

Giống sầu riêng Ri6 là câu chuyện bi hùng. Chủ nhân cây giống quý này là một nông dân có tên khai sinh là Nguyễn Minh Châu với tên thường gọi là Sáu Ri. Từ năm 1999 về trước, giống sầu riêng quý này vẫn như cô Tấm thui thủi, lặng lẽ cùng Sáu Ri ở một góc vườn tận Long Hồ, Vĩnh Long.

Nhưng qua hội thi, cô Tấm bỗng hóa thành hoàng hậu. Hào quang chói quá, bất ngờ quá khiến cho chủ nhân của nó xúc động quá đỗi mà quy tiên chỉ một ngày sau đó. Con trai Sáu Ri- anh Nguyễn Minh Trung nối nghiệp cha đã phát triển thành nơi cung cấp giống sầu riêng Ri6 trứ danh mỗi năm từ 60.000 - 80.000 cây giống tỏa khắp đất nước.

TOP 10 gồm nhãn xuồng cơm vàng, vải thiều Thanh Hà, sa pô Mặc Bắc, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Bình Thuận, bưởi da xanh Bến Tre, nhãn lồng phố Hiến, sầu riêng Ri6, quýt đường Trà Vinh thì đã có đến 6 giống được phát hiện, được khẳng định bởi các hội thi do Viện Cây ăn quả miền Nam khởi xướng, chủ trì.

Không chỉ có xoài, nhãn, sầu riêng mà các giống trái cây ngon ưu tú khác như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm nhãn… được hội thi các năm phát hiện, khẳng định và nhân rộng. Trước đây người Việt mình khó bề lựa được trái ngon thì nay đã đều khắp từ chốn thôn quê đến thị thành, muốn lúc nào cũng có.

Hơn thế nữa, những trái cây đặc sản này đã chắp cánh cho một VN bay ra với thế giới, mời gọi bạn bè đến với mình. Sách Kỷ lục VN trong chương trình “Tìm kiếm đặc sản VN” năm 2012 đã tìm ra 10 loại trái cây thuộc loại “quốc hồn quốc túy”, với tiêu chí thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, gần gũi, dùng được cho cả thị trường nội địa và XK.

THÊM YẾU TỐ ĐỦ CHO XUẤT KHẨU

Trái cây chủ yếu được ăn tươi nên không chỉ cần thơm ngon mà còn phải an toàn. Trước đây trái cây VN không mở được cửa kiểm dịch của nhiều nước vì độ tin cậy về an toàn thấp.

Kim ngạch XK rau quả trước đây có mức tăng rất chậm nhưng từ 2007 đã tăng tương đối khá, năm 2007 XK rau quả đạt 306 triệu USD trừ đi 205 triệu USD nhập khẩu còn dư 101 triệu USD; năm 2008 kim ngạch đạt 406 triệu USD, cao hơn nhập khẩu 126 triệu USD; năm 2009 kim ngạch đạt 439 triệu USD, cao hơn 160 triệu USD; năm 2010 kim ngạch đạt 451 triệu USD, cao hơn 157 triệu USD; năm 2011 kim ngạch 628 triệu USD, cao hơn 339 triệu USD. Kim ngạch trên tuy còn rất nhỏ so với tiềm năng nhưng đã phần nào phản ánh sự tăng trưởng của ngành SX trái cây VN cả về số lượng lẫn chất lượng.

Đây cũng là khoảng thời gian mà việc tổ chức SX an toàn, truy cứu được xuất xứ theo GAP và VietGAP được khởi động. Mặc dù còn nhiều mô hình GAP chưa thành công, thậm chí không được tái công nhận nhưng việc có nhiều mô hình được công nhận đã tạo được sự an tâm bước đầu cho các đối tác.

Trước đây chưa ai biết gì về GAP. Năm 2004, Hội Làm vườn VN và Hiệp hội Trái cây VN cùng được tham gia trong dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và GAP bắt đầu đến với VN, tuy nhiên với nhân lực có hạn nên việc phát triển rất hạn chế.

Nắm bắt được xu hướng nên từ năm 2006, Viện Cây ăn quả miền Nam đã vào cuộc và nhanh chóng trở thành địa chỉ tư vấn và đào tạo GAP đầu tiên và uy tín, góp sức tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp theo viện, nhiều đơn vị tư vấn khác được cấp phép, hàng trăm địa chỉ SX rau, quả, chè, lúa… được công nhận GAP, VietGAP tạo cơ sở, niềm tin cho các cơ quan kiểm dịch nước ngoài và các cánh cửa dần được mở ra với trái cây VN.

XUẤT NGOẠI KIẾN THỨC

PGS.TS Nguyễn Minh Châu được 2 lần mời đích danh sang nước ngoài, lần thứ nhất vào năm 2009 sang Mỹ thuyết trình giải pháp trồng xen ổi với cây có múi để xua đuổi rầy chổng cánh, trung gian truyền bệnh Greening nguy hiểm; lần thứ 2 vào năm 2012 được Hội Người trồng xoài khu tự trị Bắc Úc (NT) mời tham dự hội thảo khoa học hàng năm của hội này.

Viện Cây ăn quả miền Nam được thành lập năm 1994, khi dịch bệnh vàng lá gân xanh (greening) trên cây có múi bắt đầu hoành hành. Ngày ấy cả VN chưa ai biết đến căn nguyên của bệnh này, nhưng rồi với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Pháp, Đài Loan, Úc và nỗ lực của bản thân nên chỉ sau 5 năm quy trình SX cây có múi sạch bệnh đã được Bộ NN-PTNT công nhận là TBKT và hàng loạt cây đầu dòng sạch bệnh S0 được ra đời từ nhà lưới của Viện sẵn sàng chuyển giao cho các tỉnh.

Công trình này có giá trị lớn trên lý thuyết và khẳng định uy tín của Viện vì cho đến hiện tại cả VN mới chỉ có SOFRI làm được, tuy nhiên trên thực tế thì do thiếu một chính sách hỗ trợ đi kèm nên cây không sạch bệnh vẫn được bán tràn lan. Những năm tháng lặn lội cùng nhà vườn, PGS.TS Nguyễn Minh Châu phát hiện ra rằng ở các vườn được trồng xen ổi thì mật độ rầy chổng cánh ít hẳn. Qua nhiều khảo sát và thực nghiệm, kết luận được rút ra và quy trình trồng xen cây có múi với ổi ra đời.

TBKT trên được các nhà khoa học Mỹ, Brazin, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc quan tâm. Sau chuyến đi thuyết trình của Viện trưởng, Trường Đại học Florida đã SX và đăng ký bản quyền chế phẩm hạn chế sự xâm nhập của rầy chổng cánh vào vườn cây có múi được làm từ lá ổi.

Chuyến sang Úc thật thú vị vì một số điều mà PGS.TS Châu trình bày trong hội thảo khoa học tuy mới với người Úc nhưng đã trở thành “xưa rồi Diễm ơi” với người gốc Việt. Trước đây khi chưa nắm bắt được kỹ thuật cho xoài ra hoa sớm, họ chỉ là những Hai Lúa người Việt làm vườn thuê cho các trang trại người Úc, phải ăn ở trong các container cạnh vườn, nhưng sau họ trở thành người “mua xoài lá”, “nhận khoán” với ngay các ông chủ vì các bí quyết kỹ thuật, thành quả nghiên cứu của Viện và ĐH Cần Thơ, được âm thầm chuyển giao từ quê nhà qua ngả đường du lịch, thăm người thân.

Kết quả là xoài của người Việt chẳng những có năng suất cao hơn mà còn thu hoạch trước xoài người Úc 1 tháng. Đây là khoảng thời gian vàng vì giá xoài lúc chính vụ chỉ 2 AUD/kg nhưng xoài sớm có giá tới 10 AUD/kg. Lời nhiều, họ mua luôn các trang trại của người Úc và nhiều gia đình đã có 4, 5 trang trại (vài trăm ha) trồng xoài, vú sữa, mỗi năm có thu nhập cả triệu AUD (khoảng 20 tỷ VND) cao hơn lương của Thủ tướng Úc.

Sự thành công của người Úc gốc Việt được cả chính quyền và người sở tại kính trọng vì không những họ đóng thuế cao, mà còn nhờ họ mà Darwin đã qua mặt Queensland trở thành nơi có sản lượng xoài lớn nhất nước Úc (trên 30.000 tấn) trong đó có tới 40% sản lượng đóng góp của người gốc Việt. Rất nhiều Hai Lúa của ĐBSCL đã trở thành các ông chủ giàu có ở Bắc Úc, nhiều dinh thự sang trọng được xây dựng bằng vật liệu hầu hết chở từ VN qua.

SẼ GIÀU

Chưa bao giờ PGS.TS Nguyễn Minh Châu, lại có niềm tin mãnh liệt vào tương lai của Viện như lúc này. Theo ông, giai đoạn mới thành lập, cả Viện chỉ có duy nhất 1 tiến sỹ, chính sách cho khoa học công nghệ còn nhiều bất cập mà CBCNV của Viện vẫn sống được và có nhiều đóng góp cho SX, huống chi hiện nay Viện có đến 8 tiến sỹ, 34 thạc sỹ lại trong xu thế đổi mới chính sách cho khoa học công nghệ, cho nông nghiệp, nông thôn.

Lai tạo giống mới được xác định là công tác trọng tâm của Viện ở giai đoạn kế tiếp. Cùng với những giống phục vụ cho SX đại trà thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là những giống cây ăn trái độc đáo, có giá trị kinh tế lớn là mũi nhọn mà đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đang hướng đến đột phá.

Việc giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 của Viện được giải thưởng Bông lúa vàng VN 2012 đã đánh dấu sự sang trang về hoạt động KHCN của Viện theo hướng chiều sâu và chuyên nghiệp hơn.

Cùng thanh long, Viện có thêm giống ruột hồng, một giống được đánh giá là ngon hơn, đẹp hơn thanh long ruột đỏ đã được Bộ NN-PTNT công nhận tạm thời, hứa hẹn sẽ chinh phục những khách hàng châu Âu khó tính nhất và sẽ mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho

 

Nguồn tin: NNVN

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,849,940
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay909
  • Tháng hiện tại65,549
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây