Chưa quan tâm đúng mức
Việt Nam là nước có sản lượng xoài đứng thứ 12 thế giới (570.000 tấn/năm 2010) nhưng chưa được quan tâm đúng mức nên xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Giống xoài chủ lực của Việt Nam hiện nay là cát Hòa Lộc nhưng sản lượng quá ít, giá thành cao. Một vài vùng xây dựng mô hình GlobalGAP, VietGAP, nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó, nhiều mô hình đang bế tắc vì chi phí đạt chứng nhận cao, giá bán không tương xứng.
ThS. Nguyễn Phước Tuyên (Sở NN&PTNT Đồng Tháp) cho biết, hiện nhà nước để nông dân “tự bơi” mà chưa đóng vai trò tích cực trong định hướng, chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại như một số nước đưa trái xoài ra thế giới. Philippines có chiến lược phát triển xoài tra thị trường thế giới, là chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nông dân toàn quốc áp dụng. Trồng giống xoài ngon nhất, đạt chuẩn thu mua giá cao gần gấp đôi so với không đạt GAP. Hiện xoài trở thành “quốc quả” của Philippines, xuất khẩu sang nhiều nước. Thái Lan cũng triển khai chương trình GAP trên xoài với mục tiêu xuất qua Nhật…
Theo TS. Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Trung tâm quy hoạch nông nghiệp, cây xoài trồng chuyên canh một số địa phương, còn lại 95% diện tích xoài là vườn cây hỗn hợp (trồng chung với cây khác). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp, tuy sản lượng xoài đạt khá hơn nhưng xoài cùng kích cỡ, màu sắc, trọng lượng rất ít nên chỉ tiêu thụ trong nước, việc xuất khẩu chỉ vài chục tấn /năm. Ngoài ra còn có thực trạng cây giống kém, trồng quản canh nên chất lượng không cao, tiêu thụ khó. Vai trò nhà nước trong quản lý, định hướng phát triển cây xoài xem ra còn bỏ ngỏ. ThS. Đào Thị Bé Bảy (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, hạn chế nữa là canh tác xoài hiện nay còn sử dụng nhiều phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ. Thuốc bảo vệ thực vật dùng rất nhiều loại và rất đa dạng, nhà vườn có thể sử dụng 8-10 loại thuốc phun.
Cần định hướng phát triển
TS. Hoàng Quốc Tuấn lưu ý, các tỉnh có lợi thế phát triển xoài theo hướng hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn VietGAP như Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Khành Hòa… cần xác định vùng trồng, tổ chức nghiên cứu, so sánh các giống xoài nhập nội để chọn giống phù hợp, đồng thời loại bỏ những giống không nên trồng. Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh, quy trình xử lý ra hoa trái vụ, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến… Từ đó phổ biến rộng cho từng nhà vườn.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kế (ĐH Nông lâm Tp HCM) cho biết, có nhiều tiêu chí chọn giống xoài như năng suất cao (hạ giá thành), cho trái nhiều tháng trong năm, thời gian bảo quản lâu, được nhiều người ưa thích… Ở Việt Nam dù xoài Cát Hòa Lộc được đánh giá ngon, dạng trái đẹp, vỏ vàng, mỏng nhưng thị hiếu tiêu dùng các nước nhập khẩu là thích xoài có vỏ từ vàng đến đỏ như vỏ táo tây, thế nên các giống xoài từ Úc, Israel… có màu vỏ bắt mắt hơn. Cát Hòa Lộc năng suất kém, thịt mềm, thời gian tồn trữ ngắn, vỏ mỏng nên chuyên chở, bảo quản kém hơn. Có chăng đặc tính của xoài cát Hòa Lộc phù hợp với thị trường trong nước. Khái niệm xoài ngon còn phụ thuộc người tiêu dùng, khẩu vị từng dân tộc. Để khắc phục những khuyết điểm giống xoài cát Hòa Lộc, Viện Cây ăn quả miền Nam bằng con đường lai tạo, xử lý đột biến để cho ra giống xoài “cát Hào Lộc mới” vỏ dày hơn, thịt chắc hơn triển khai trồng đại trà.
Theo TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, phát triển cây xoài gắn với tiêu thụ và chế biến. Ngoài xuất khẩu tươi phải có hệ thống bảo quản, chế biến khi xoài thu hoạch rộ, giái thấp hay tận dụng xoài không đạt tiêu chuẩn xuất tươi tăng giá trị thu nhập. Xoài là một trong 4 loại trái cây được ưa chuộng trên thế giới (dứa, xoài, bơ, đu đủ), tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu đạt cao nhất vì vậy cần quan tâm phát triển.
Tác giả bài viết: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Khoa học phổ thông, ngày 23-9-2011