Tham dự Hội thảo có TS. Malvika Chaudhary - điều phối viên của CABI khu vực châu Á; ông Muhammad Faheem - điều phối viên của CABI ở Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, bà Phạm Thị Xuân - thư ký Dự án Bệnh viện cây trồng; các bác sỹ cây trồng của Chi cục bảo vệ thực vật Tiền Giang, Viện Cây ăn quả miền Nam và đại diện Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn - nông dân VTC16.
Tại Hội thảo, các bác sỹ cây trồng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm việc, đồng thời nêu lên những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong công việc tư vấn. Cùng với Hưng Yên và Vĩnh Phúc, Tiền Giang là một trong những địa điểm đầu tiên thiết lập BVCT và cũng là nơi mà BVCT hoạt động tích cực, bền vững và hiệu quả. Có được những kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện Cây ăn quả miền Nam cũng như Chi cục BVTV Tiền Giang, cần phải kể đến sự nỗ lực, nhiệt tình của các bác sỹ cây trồng - những cán bộ kiêm nhiệm nhưng đã và đang tự nguyện hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân.
Buổi chiều cùng ngày, Hội thảo tiến hành với các đơn vị tư nhân với sự có mặt của các đại biểu thuộc các công ty lớn như: Bayer Vietnam, Sygenta Vietnam, Sumitomo Chemical, công ty Đạm Cà Mau, tập đoàn Lộc Trời. Các đơn vị tư nhân bày tỏ nguyện vọng được phối hợp với các Viện nghiên cứu trực thuộc VAAS triển khai mô hình Bệnh viện cây trồng để tư vấn cho người dân, là khách hàng của họ.
Sau hội thảo, các đại biểu đã đến thăm bệnh viện cây trồng tại xã Tân Mỹ Chánh -TP Mỹ Tho và xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy và trao đổi với người dân nơi đây.
Trong thời gian tới, các đơn vị trực thuộc VAAS sẽ có các lớp tập huấn để các bác sỹ cây trồng cập nhật được các kỹ thuật mới trong công tác bảo vệ thực vật nhằm tư vấn cho người dân một cách chính xác, hiệu quả hơn; giảm thiểu những mất mát do sâu bệnh hại gây ra, góp phần nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp./.
Nguồn tin: vaas.org.vn