Hội chợ Bông Lúa Vàng VN tròn 5 tuổi: Hoạt động xúc tiến thương mại mang tính Quốc gia

Thứ sáu - 27/12/2019 06:09   603
Hội chợ “Bông lúa vàng Việt Nam” là hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp tổ chức định kỳ hàng năm tại tỉnh Sóc Trăng từ năm 2006 và năm nay đánh dấu Hội chợ Bông lúa vàng Việt Nam tròn 5 tuổi.

Riêng đối với địa phương, việc tổ chức hội chợ này được xem là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh. Đây là dịp tốt cho tỉnh để quảng bá về những thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, giao lưu thương mại giữa tỉnh với các vùng, miền trong nước và thế giới cũng như để giới thiệu, khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; củng cố và phát huy mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Nhân dịp này, ông Nguyễn Trung Hiếu (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có cuộc trao đổi với PV NNVN.

Qua các kỳ hội chợ nông nghiệp được tổ chức thường xuyên ở Sóc Trăng, ông đánh giá gì về chương trình xúc tiến thương mại của Bộ NN-PTNT trong lĩnh vực này?

ĐBSCL là khu vực sản xuất, cung cấp lúa gạo, nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và trái cây nhiệt đới lớn nhất cả nước. Do vậy, việc tổ chức Hội chợ nông nghiệp “Bông lúa vàng Việt Nam” hằng năm có ý nghĩa lớn và mang lại những hiệu quả thiết thực đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung. Thông qua các kỳ hội chợ nông nghiệp tổ chức thường niên tại Sóc Trăng, chúng tôi nhận thấy các hoạt động của hội chợ đã có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương và trong khu vực.

Qua hội chợ, đặc biệt là tại các hội thảo chuyên ngành và thương mại, giúp người nông dân nắm bắt được thông tin cần thiết về thị trường và nhu cầu của thị trường, về những giống cây con mới có giá trị kinh tế cao, về những phương pháp, công nghệ canh tác, sản xuất tiên tiến…Từ đó, giúp người nông dân nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp sản xuất đúng hướng và hiệu quả.

Mặt khác, hội chợ cũng là dịp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt được tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế của khu vực, qua đó tổ chức các hoạt động thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là những tác động qua lại, kích thích phát triển sản xuất theo hướng bền vững và hiệu quả.

Theo ông các kỳ hội chợ nông nghiệp tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung cần phải cải tiến gì để đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa cho nông dân và doanh nghiệp?

Theo tôi nhận thấy quy mô tổ chức và chất lượng của các hội chợ nông nghiệp không ngừng được nâng lên với các sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng; phương pháp tổ chức, phong cách tiếp thị ngày càng văn minh, hiện đại và đáp ứng được những yêu cầu của các đối tượng tham gia hội chợ, nhất là đối với bà con nông dân.

 Tuy nhiên, qua các kỳ tổ chức hội chợ vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế như số lượng các doanh nghiệp lớn, hàng đầu trong nước tham gia chưa nhiều, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội chợ còn ít. Để việc tổ chức hội chợ mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa cho nông dân và doanh nghiệp, chúng ta cần hướng đến việc tổ chức hội chợ mang tính chuyên sâu hơn về các sản phẩm để người tiêu dùng có thể trải nghiệm và lựa chọn sản phẩm mà họ ưng ý nhất từ chất lượng, mẫu mã cho đến dịch vụ hậu mãi. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội chợ cũng cần hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là quảng bá sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng.

Sóc Trăng năm 2011 tổ chức nhiều sự kiện lớn, trong đó có Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II. Xin ông cho biết đôi nét về công việc chuẩn bị cho sự kiện lớn này?

Tỉnh Sóc Trăng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II trong thời gian từ ngày 8 đến 14/11/2011 tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Theo đề án được duyệt, Festival Lúa Gạo Việt Nam lần II có quy mô trên 800 gian hàng trưng bày, triển lãm các sản phẩm lúa, gạo và nông, thủy sản khác của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm của ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất của quốc gia.

Festival còn là nơi diễn ra các hội thảo khoa học về ngành lúa gạo Việt Nam, vai trò của lúa gạo với nhu cầu lương thực của thế giới hiện nay; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng diễn ra trong dịp Lễ hội Oc Om Boc - Đua Ghe Ngo truyền thống của địa phương.

Để chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Festival, trên cơ sở thỏa thuận với các Bộ ngành, địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần II. Hiện tỉnh đã cơ bản hoàn thành về kế hoạch, kịch bản tổ chức Festival và đang khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung, công việc chuẩn bị, bảo đảm cho việc tổ chức thành công Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II, một sự kiện cấp quốc gia quan trọng trong năm 2011.

Xin cảm ơn ông!

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam: Giải thưởng có ý nghĩa nhiều về nhân văn
“Bông lúa vàng Việt Nam” là giải thưởng có ý nghĩa về nhân văn nhiều hơn là đánh bóng thương hiệu. Đây là sự đánh giá có tính chất tri ân của nông dân đối với tổ chức nào thực sự đóng góp đáng kể cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và nó có giá trị tại thời điểm xét thưởng. Điều này nhắc nhở tổ chức được Bông lúa vàng Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa để khẳng định mình.

Hội chợ nông nghiệp là nơi thực hiện nội dung xúc tiến thương mại tốt nhất cho các DN nông nghiệp. Nó tùy thuộc rất lớn vào trình độ của nhà tổ chức. Hội chợ là nơi tập trung dư luận và cũng là nơi điều khiển dư luận theo hướng có lợi cho nông nghiệp nước nhà. Trong bối cảnh giải pháp giảm giá thành, tăng thu nhập của nông dân phải được ưu tiên. Giá vật tư nông nghiệp tăng 30%, giá lúa chỉ tăng 10-15%; không thể bắt nông dân giảm giá nông sản để kiểm soát CPI.

PGS. TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Chắc chắn sẽ vươn xa hơn
Hội chợ Bông lúa vàng Việt Nam là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Bộ NN-PTNT trên phạm vi toàn quốc. Mục đích để tôn vinh và hỗ trợ công tác quảng bá, khuếch trương thương hiệu, hình ảnh của các DN giàu tiềm năng của Việt Nam trên thương trường trong nước và quốc tế.

Bông lúa vàng Việt Nam là giải thưởng cao quý của Bộ NN-PTNT. Hội chợ mang đậm chất nông nghiệp vùng ĐBSCL, qua theo dõi các kỳ hội chợ, tôi thấy DN và bà con nông dân đánh giá rất cao các hoạt động tại các kỳ Hội chợ. Đến nay, Bông lúa vàng Việt Nam tròn 5 tuổi chắc chắn sẽ vững vàng hơn, vươn xa hơn. Mỗi năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 18,9% GDP của cả nước. Là vùng sản xuất lúa, thủy sản, cây ăn quả lớn nhất nước hàng năm đóng góp trên 50% sản lượng thủy sản, gần 70% sản lượng cây trái cây, 60% thủy hải sản và 90% sản lượng xuất khẩu.

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn chưa phát huy hết được thế mạnh, tiềm năng của vùng. Theo tôi, cần phải đẩy mạnh hợp tác xây dựng một cơ chế liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại và chiến lược liên kết giữa các vùng với các địa phương với nhau. Ngoài ra, thông qua các kỳ Hội chợ nông nghiệp, Festival lúa gạo, thủy sản, trái cây, ĐBSCL sẽ chủ động xúc tiến các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản, quảng bá sản phẩm của vùng. Qua đó, càng nâng cao vị thế, uy tín và sức cạnh tranh của vùng ĐBSCL.

Tác giả bài viết: NHÓM PV ĐBSCL

Nguồn tin: Báo NNVN

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,656
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay2,564
  • Tháng hiện tại64,265
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây