Cơ hội cho trái cây Việt Nam

Thứ sáu - 27/12/2019 05:59   720
Trái cây Việt Nam đã chinh phục được những thị trường khó tính, kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng tăng

Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Năm 2010, tính hấp dẫn của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng lên, nhiều loại trái cây được nhiều thị trường khó tính đón nhận. Các chuyên gia cho rằng khả năng thu hút ngoại tệ của trái cây, rau quả Việt Nam sẽ mạnh hơn nếu Việt Nam có những định hướng rõ ràng, có vùng chuyên canh tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện bảo quản tốt sau thu hoạch.
 

Mở rộng thị trường
 
Cả nước hiện có khoảng 780.000 ha cây ăn quả, trong đó, chỉ riêng ĐBSCL có đến 270.000 ha, cho sản lượng trái cây mỗi năm khoảng 7 triệu tấn.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2010 của cả nước đạt trên 471 triệu USD, tăng hơn 33 triệu USD so năm 2009. Như vậy, 2 năm liên tiếp, Việt Nam đã xuất siêu rau quả khoảng 150 triệu USD. Hiện tại, một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật tiếp tục “ăn hàng” một số loại trái cây tươi của Việt Nam như thanh long, bưởi...

 
TS Châu cho biết thêm nếu như trái cây Việt Nam vào Trung Quốc, Thái Lan dễ dàng thì để vào được thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Trái cây của Việt Nam cơ bản là ngon nhưng thế giới rất cần sự an toàn, chất lượng đồng đều. Những năm trước đây, thanh long xuất sang Mỹ thường phải qua nước thứ 3 như Thái Lan. Nhưng gần đây, khả năng tìm kiếm thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã nâng lên, làm cho giá trị xuất khẩu của trái thanh long tăng lên đáng kể.
 
Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu thanh long sang Mỹ cho biết giá xuất thanh long sang Mỹ ngày càng có xu hướng tăng nên nhà vườn Việt Nam chỉ cần bảo đảm số lượng, chất lượng đồng đều, an toàn theo tiêu chuẩn của quốc tế thì dễ dàng nâng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài các thị trường chính là Mỹ, Nhật, hiện nay, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu ưa chuộng thanh long của Việt Nam. Chính vì vậy, kỳ vọng năm 2011, thanh long Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính khác.
 
Cần có vùng chuyên canh tập trung
 
Mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đặt ra là đến năm 2015, giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ đạt 1 tỉ USD.  Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng điều lo lắng của trái cây Việt Nam hiện nay không phải là thị trường, chất lượng mà là phải bảo đảm số lượng lớn và an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Hiền, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho rằng công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam hiện còn thua nhiều nước. Trái cây nước ngoài khi nhập vào Việt Nam có thể để được hàng tháng. Đây là điều trái cây Việt Nam chưa có được. Bên cạnh đó, nhà vườn Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ít nhà vườn cứ nghĩ phải làm sao cho trái to, đẹp về hình thức nên vô tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất không bảo đảm an toàn. Đây là điều cấm kỵ tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu.
 
Theo một chuyên gia về cây ăn quả,  châu Âu đã có tiêu chuẩn cho trái cây Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên, để nông dân trồng và áp dụng theo tiêu chuẩn này là điều không dễ vì còn phụ thuộc nhiều vào thói quen của nông dân cũng như thiếu vùng chuyên canh tập trung. Châu Âu đang có xu hướng tìm nguồn hàng trực tiếp hơn là qua trung gian. Vì vậy, nếu trước đây, Thái Lan hay nhập trái cây Việt Nam để xuất đi các nước khác thì nay, Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội này.

Tác giả bài viết: Sơn Nhung

Nguồn tin: Người lao động Chủ nhật 27/2/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,628
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,536
  • Tháng hiện tại64,237
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây