Từ cuộc Hội thảo quốc tế về cây ăn trái, nghĩ về xứ mình (Kỳ 2)

Thứ tư - 20/02/2013 01:33   999
Từ cuộc Hội thảo quốc tế về cây ăn trái, nghĩ về xứ mình (Kỳ 2)

Ký sự hành trình Quảng Châu (Trung Quốc)

GHI NHẬN BÊN LỀ

Sau hai ngày nghe các báo cáo khoa học, ngày thứ 3 hội nghị cho đại biểu đi tour tham quan họ sản xuất và tiêu thụ thế nào. Chúng tôi được hướng dẫn thăm Hợp tác xã Zengcheng sản xuất chuối già theo phương pháp hữu cơ, vườn chuối sản xuất theo phương pháp hữu cơ này nằm trong một dự án do FAO (2009-2012) tài trợ nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất trái hữu cơ.

img 2407 nen
Chủ tịch TFNet tặng kỷ niệm chương cho TS. Nguyễn Minh Châu vì đã có những đóng góp cho TFNet

Chuối của Hợp tác xã này dán thương hiệu là Hui Xiang. Tôi thấy chuối già đẹp, vỏ vàng, trái khá to. Hợp tác xã có 200 ha, sản lượng hàng năm hơn 10.000 tấn. Trong số này, 20 ha chuối của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn chuối hữu cơ...

Buổi chiều hôm đó, họ hướng dẫn đoàn đi thăm chợ bán sỉ rau quả rất lớn của tỉnh Quảng Đông là chợ Jiangnan. Chợ này được thành lập năm 1994, diện tích 40 ha; trong đó 18 ha dành cho quả, 18 ha cho rau. Chợ chiếm 70% rau và 70% quả được buôn bán ở tỉnh Quảng Đông. Nơi đây chiếm 70% lượng trái cây nhập vào đất nước Trung Quốc. Tôi thấy có cả xoài, sầu riêng, kiwi được nhập về từ các nước.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì ban quản lý một chợ đầu mối rau quả thôi mà ở khu vực làm việc đậu toàn xe con rất xịn, ai cũng trầm trồ; một cô trong đoàn người Malaysia đứng giữa hai xe Mercedes để nhờ bạn chụp hình; còn ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả Bang Northern Territory (Úc) nói với tôi họ quá giàu.

Tôi mong một ngày nào đó không xa, ĐBSCL cũng sẽ có một chợ đầu mối rau quả to như thế này, để hỗ trợ đầu ra cho nhà vườn và cả hỗ trợ người tiêu dùng vì chợ có Phòng Giám định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rau quả đưa vào bán.

Ngoài dự hội nghị quốc tế, hai vị khách mời Việt Nam lần này còn tham dự cuộc họp hàng năm của TFNet.

img 2388 nen
Nhà khoa học của các nước đi thăm Chợ đầu mối Rau Quả Quảng Châu

Năm nay, TFNet họp thường niên ở Trung Quốc, đây là năm đặc biệt vì phải bầu lại Chủ tịch TFNet. Trước khi bầu, Chủ tịch TFNet là người Malaysia (do Chính phủ họ chi hầu hết các hoạt động của TFNet); lần này bầu chủ tịch mới, Trung Quốc rất thích được bầu làm Chủ tịch của nhiệm kỳ mới (2012-2015), Malaysia rất lo lắng không biết có được tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ tịch TFNet hay không.

Nhưng kết quả phiên họp là Malaysia vẫn tiếp tục làm Chủ tịch TFNet cho nhiệm kỳ mới, Việt Nam và Trung Quốc làm Phó Chủ tịch TFNet và Việt Nam sẽ là nơi tổ chức cuộc họp của TFNet vào năm 2013.

Ngày hôm sau, trước khi ra phi trường về nước, chúng tôi được ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả tỉnh Quảng Đông cho xe đón chúng tôi đến thăm Viện. Ông đề nghị chúng tôi thuyết trình về nghiên cứu bệnh vàng lá Greening ở Việt Nam, đáp lại họ báo cáo các nghiên cứu rất sâu về công nghệ sinh học, đi sâu nghiên cứu về genome trên cây có múi.
Sau đó, khi đi thăm Viện, ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả tỉnh Quảng Đông cho biết mỗi năm Viện cung cấp 10 triệu cây chuối con cấy mô cho sản xuất, và giá bán chỉ 1 tệ/cây thôi (khoảng 3.000 VN đồng). Năm 2006, tôi sang đây họ bảo mỗi năm bán được 5 triệu cây, bây giờ 10 triệu cây/năm. Nghe tôi nói ở Viện tôi giá bán tương đương 2 tệ/cây, ông nói đùa là ông rất vui lòng để ký hợp đồng bán chuối con cho Việt Nam.

NHỮNG ĐIỀU BỔ ÍCH

Qua hội nghị cùng với những gì “tai nghe, mắt thấy", tất nhiên là não bộ phải động, tôi rút ra những điều bổ ích sau:

img 2363 nen
Vườn trồng chuối theo phương pháp hữu cơ

+ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nên khuyến khích và hỗ trợ các viện, trường Đại học của Việt Nam đăng cai tổ chức các hội thảo quốc tế ở Việt Nam, vì có rất nhiều cái lợi cho đất nước. Nhưng một viện hay một trường thì không thể làm nổi, vì tốn kém kinh phí nhiều và công sức bỏ ra lớn lắm. Để làm được, chúng tôi cần sự cho phép và ủng hộ của Bộ NN&PTNT, cần phải có vài ba viện, trường cùng phối hợp, cùng quyết tâm làm thì mới làm được. Qua tổ chức hội nghị, sẽ là một cơ hội xúc tiến thương mại tốt nhất cho một cây nào đó của Việt Nam, như Trung Quốc đã làm trong hội nghị này đối với cây vải của họ.

+ Các nghiên cứu trên cây ăn quả ở tỉnh Quảng Châu, như ở Viện Cây ăn quả tỉnh và Trường Đại học Hoa Nam đều làm rất sâu về công nghệ sinh học trên cây có múi, cây vải, cây nhãn. Trung Quốc phát triển diện tích chuối già rất lớn trong mấy năm gần đây, đặc biệt là chuối già hữu cơ.

+ Về quy hoạch mùa vụ cho trái cây ở ĐBSCL. Tháng 6, 7, 8 này, thị trường các tỉnh ĐBSCL có mặt rất nhiều loại trái cây như: vải (rất nhiều từ miền Bắc vào), thanh long (chính vụ nên rất nhiều), nho, mận, lê, táo Tây (rất nhiều từ Trung Quốc sang) và các loại trái cây nhiệt đới khác như: xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... cũng là lúc chính vụ.

Cho nên, nếu có thể, theo tôi, nhà vườn nên biết điều tiết mùa vụ cho trái sớm, từ tháng 2-5 dl (để tránh tháng 6, 7), hoặc cho trái từ tháng 12-2 dl (lúc này dễ tiêu thụ, vì trúng vào dịp Tết Tây và Tết âm lịch). Nói chung, nhà vườn miền Tây nên cho trái từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, thì ít đụng với trái cây từ miền Bắc vào và từ Trung Quốc sang, cụ thể là:

- Đối với cam quýt: Tôi thấy Trung Quốc không có cam, quýt vào tháng 6 này, mà chỉ có từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Như vậy, ở ĐBSCL nên tập trung cho trái cam, quýt, bưởi vào tháng 3 đến tháng 9 vì lúc này ở miền Bắc Việt Nam và ở Trung Quốc không có quýt tươi, nên cam, quýt ĐBSCL có mặt vào thời gian này là sản phẩm độc đáo, không có đối thủ. Đặc biệt đối với bưởi da xanh, cam sành thì cho trái lúc nào cũng được vì đang có cầu rất lớn. 

- Đối với thanh long: Nên cho trái nhiều vào tháng mùa nghịch tức lúc gần Tết al, hơn là cho trái nhiều vào mùa thuận tháng 6, 7, 8 dl (vì những tháng này đụng hàng với nhiều loại trái từ Trung Quốc, từ miền Bắc vào). Làm được như vậy, trái thanh long sẽ không bị rớt giá nhiều, nhất là vào tháng 6, 7 này mỗi năm.  

- Đối với nhãn: Thì cả Trung Quốc và miền Bắc đều cho trái vào tháng 7, 8 dl, cho nên nhãn ĐBSCL nên tránh cho trái vào các tháng này.

img 2368 nen
Trái chuối già được trồng theo phương pháp hữu cơ

- Đối với chôm chôm và sầu riêng: Giá rất cao nếu làm nghịch vụ với miền Đông Nam bộ, tức ra trái sớm hơn, từ tháng 12-4 cho trái thì giá rất cao.

- Đối với xoài: Nên cho trái sớm từ tháng 12 đến trong tháng 4 là tốt nhất. Vì từ tháng 5-7 là vụ xoài Campuchia sang ĐBSCL, giá rất rẻ (xoài Keo). Thời vụ từ tháng 12 đến tháng 4 cũng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xoài sang New Zealand trong năm 2012, vì tháng 10, 11 là mùa xoài của Úc; Úc cũng muốn xuất khẩu qua New Zealand, cho nên không để xoài ĐBSCL quá sớm tháng 10,11 mà nên cho trái từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là tốt nhất.

Tóm lại, từ quan sát mùa vụ trái cây của miền Bắc Việt Nam và của Trung Quốc, tôi thấy nhà vườn ĐBSCL nên điều tiết mùa vụ đối với thanh long, nhãn, cây có múi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt làm sao tránh cho nhiều trái vào tháng 6, 7 để không phải đụng hàng với trái cây đến nhiều từ hai nơi này, và nên tập trung cho trái từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Có như vậy, trái cây miền Tây sẽ không bị cảnh cung vượt cầu vào tháng 6, 7, 8 ở ĐBSCL và nhà vườn không phải bán với bất cứ giá nào.

Tất nhiên, đây chỉ là một giải pháp, còn phải thêm các giải pháp khác nữa thì trái cây miền Tây mới được mùa, được giá.

Quảng Châu, ngày 20-6-2012
Tiền Giang, ngày 19-1-2013

Tác giả bài viết: PGS.TS. Nguyễn Minh Châu

Nguồn tin: apbac

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,911,505
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay3,126
  • Tháng hiện tại48,030
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây