Ký sự hành trình trên nước Nhật: Trông người mà gẫm lại ta (Kỳ cuối)

Thứ ba - 26/06/2012 22:26   846
Ký sự hành trình trên nước Nhật: Trông người mà gẫm lại ta (Kỳ cuối)

Người Nhật khéo làm nông nghiệp gắn kết du lịch
 

Thứ bảy (18-2), đến phi trường Shizuoka để đi Okinawa. Khi chúng tôi đứng ở phòng đợi chờ lên máy bay, thấy rất rõ núi Phú Sĩ rất đẹp ở ngay trước mắt mình; mọi người tha hồ chụp ảnh. Bay khoảng 3 tiếng thì đến thành phố Naha là tỉnh lỵ của tỉnh Okinawa.

Đảo Okinawa rất lớn (3 giờ bay từ Shizouka mới tới Naha) nhiệt độ khoảng 160C. Tối hôm đó, đi bộ trên đường lớn nhất của thành phố Naha là đường quốc tế, tôi thấy rất đông người đi lại mua sắm, có thể do khí hậu ở đây ấm hơn ở đảo chính rất nhiều nên nhiều du khách ở đảo chính đến đây để trốn cái lạnh.

Các cửa hàng bán đặc sản của đảo nằm san sát nhau như ở Việt Nam, họ bán rượu Sake Okinawa (7-10 đô), rượu đế Okinawa (30 đô) và bánh nhân khóm, rong biển khô đóng gói... Mặc dù trời đã tối, tôi thấy chợ cá vẫn còn bán rất nhiều tôm hùm, cua biển rất to, có cả thanh long trắng từ Việt Nam được bán ở đây.

Trên phố, ở bên ngoài các nhà hàng, cũng giống như ở các nơi khác ở đảo chính Nhật Bản, tôi thấy món ăn nào cũng có hình ảnh và đều có ghi giá bán, nên người ngoại quốc và dân bản xứ đều mua hàng hóa cùng một giá. Điều này rất hay, vì người ngoại quốc không cảm thấy khó chịu khi họ phải mua hàng hóa hay dịch vụ với giá cao hơn dân bản xứ.   

Sáng chủ nhật (19-2), ăn sáng trên lầu 18 của khách sạn, tôi thấy các máy bay dân dụng chở hành khách cất và hạ cánh liên tục, đi và đến từ Tokyo, từ Hongkong nhưng không có máy bay đến từ Việt Nam. Tôi nghĩ nếu có máy bay Việt Nam đi thẳng đến Naha thì đây cũng là một địa điểm tốt để dân Việt Nam đi du lịch, chừng 4 giờ bay thôi.

Đến 10 giờ sáng, cả đoàn rủ nhau đi siêu thị Naha Main Place ở gần khách sạn đang ở. Trong siêu thị chuyên bán hàng điện máy, tôi thấy rất nhiều hàng hóa do Trung Quốc sản xuất được bán ở đây, kể cả hàng điện tử như: máy ảnh, các thứ máy móc dùng trong nhà bếp, các máy loại này được ghi là Produced for DAISO Japan, made in China.

Bước qua siêu thị thực phẩm ở ngay bên cạnh, tôi thấy trái khóm có giá đến 398 yen/trái, nhưng trái rất đẹp, vuông vứt, chắc là giống mới MD2; còn táo Nhật, bơ giống Hass (có loại màu xanh, loại màu nâu) đến 198 yen/trái, khoai lang tím…

Ở đây hàng hóa rất dồi dào, đủ các thứ, kể cả café hạt là thứ mà Nhật không trồng. Nhìn hàng hóa được bày bán ở Nhật, tôi nghĩ người Nhật quá giỏi, một đất nước toàn là núi bao bọc, vậy mà họ sản xuất ra rất nhiều loại hàng hóa, có thứ tôi chưa từng thấy ở đâu có.

Thứ hai (của tuần thứ 2, 20-2), chúng tôi đến chào xã giao ông Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh và thăm Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc tỉnh. Ông Giám đốc Sở cho biết ở tỉnh Okinawa, mía là cây trồng chính, sau đó mới đến cây ăn trái như: xoài, đu đủ, khóm, rau các loại và hoa cắt cành như hoa cúc.

Mặc dù làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, song ông Giám đốc cũng cho biết để khuyến khích du lịch, tỉnh có chính sách cung cấp dịch vụ với giá phải chăng; nhờ chính sách này, mỗi năm Okinawa thu hút hơn 6 triệu du khách.

Buổi chiều, đoàn đến thăm Viện Nghiên cứu Nông nghiệp tỉnh Okinawa. Ông Viện trưởng Yoshifumi giới thiệu tổng quát về Viện và tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh. Ông cho biết, do Okinawa thường xuyên có bão và hạn hán nên họ phải trồng xoài, đu đủ, khế… trong nhà lưới để tránh gió.

Sau đó, cán bộ khoa học của Viện đã giới thiệu các nghiên cứu mới cho đoàn. Các nội dung nghiên cứu ở đây do thuộc quy mô cấp tỉnh nên không có gì là cơ bản, hầu hết là nghiên cứu ứng dụng, khác hẳn với các nội dung nghiên cứu ở Trung tâm Okitsu/Viện nghiên cứu cấp quốc gia của họ.

Thứ ba (21-2), di chuyển đến huyện Nago ở phía Bắc đảo Okinawa. Rời thành phố Naha, chúng tôi đi xe lên phía Bắc đảo Okinawa để đến Trung tâm Nghiên cứu Nago trực thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Okinawa để tham quan các mô hình xử lý bệnh vàng lá trên cây có múi. Xe chạy hơn một tiếng thì đến thành phố Nago.

Phòng ở của đoàn khi ở Nago này quá rộng và đẹp, từ cửa sổ phòng ở nhìn ra biển rộng bao la và xanh thẫm rất đẹp. Xa xa ở phía đối diện với phòng tôi đang ở là tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc (theo tài liệu giới thiệu tỉnh Okinawa mà Sở Nông nghiệp phát cho đoàn).

Thứ tư (22-2), đi thăm Tropical Dream Center. Đúng như tên gọi là Trung tâm Nhiệt đới, vì thời tiết ở đây hơi nóng vào buổi chiều, tôi cảm thấy có thể tắm biển được, trong lúc này ở Tokyo nhiệt độ là 60C. Du khách đến Trung tâm này rất đông, kể cả một số khách da trắng và rất nhiều đoàn học sinh trung học ở đảo chính đi tham quan thực tế.

Thật là tuyệt vời, họ xây dựng một Trung tâm Nhiệt đới thật hoành tráng, rất to và rất đẹp. Ở đây có rất nhiều loài hoa (trong đó có hoa lan) đang trổ để thu hút khách du lịch. Đặc biệt nhất ở khu du lịch này là Bảo tàng Cá biển to nhất thế giới, mà tôi chưa từng thấy ở đâu hồ cá to như vậy.

Trong hồ cá, các loài cá biển như: cá mập, cá voi và các loài mực khổng lồ, cá đuối rất to với cái đuôi rất dài, từng bầy cá nhỏ bơi thành từng nhóm trông giống như cá bạc má... bơi lội nhẹ nhàng trong các hồ kính rất to. Các hồ này có kính dày đến hơn 6 tấc (tôi mới thấy lần đầu kính dày đến thế này), hồ cao khoảng 30m và dài khoảng 40m.

images48430 7a
Tác giả tham quan hồ cá biển to nhất thế giới

Máy ảnh mọi người bấm liên tục, ai cũng đều cố gắng có một tấm ảnh chụp chung với cá mập và hầu hết đều có được tấm ảnh này không khó lắm vì cá mập bơi qua, bơi lại trong hồ ngay trước mặt. Giá vé vào thăm khu thủy cung này đến 1.500 yen (20 đô la/người), nhưng khách vẫn vào thăm rất đông. Bây giờ, tôi mới rõ hơn tại sao Okinawa có 6 triệu du khách mỗi năm.

Trong khuôn viên của khu du lịch tôi thấy rất nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 từ các tỉnh ở đảo chính (Nhật) về đây để thấy được các loại cây ăn trái nhiệt đới được trồng ở đây như sầu riêng (tất nhiên không thể cho trái vì không đủ ấm), vú sữa (có trái nhưng bé xíu), khế, ổi, mận, mít... và rất nhiều loại hoa kiểng nhiệt đới như: huyết dụ, bông bụp, còn hoa lan thì rất nhiều loại.

Thứ năm và thứ sáu (23 và 24-2), tham quan Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nago. Trung tâm này trực thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp của tỉnh Okinawa. Ở đây họ chỉ có các nghiên cứu ứng dụng. Báo cáo viên cho biết họ đã giải quyết được bệnh vàng lá ở một khu vực nằm trên một đồi cao ít người lui tới.

Cách làm này cũng dễ thôi, chặt hết nguồn bệnh và hỗ trợ cho nông dân cây giống sạch bệnh để trồng lại và tiếp tục cho thuốc trừ sâu để họ bảo vệ cây tiếp tục sạch bệnh. Cách làm này thì đúng bài rồi, nhưng chúng ta không học được, vì chúng ta không có kinh phí để hỗ trợ cây giống và thuốc bảo vệ thực vật như họ.

Tôi thấy một trung tâm nghiên cứu trực thuộc một viện của tỉnh mà họ được trang bị rất nhiều thiết bị nghiên cứu, nhiều hơn viện nghiên cứu quốc gia như Viện Cây ăn quả miền Nam. Họ cũng không phải lo việc tìm thêm kinh phí để đủ trả tiền điện, nước, xăng và lo ăn trưa cho nhân viên như ở các viện nghiên cứu của mình hiện nay. Nếu được cấp kinh phí như họ, chắc các viện của chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn nữa.  

Thứ bảy (25-2), tôi lên đường về nước. Ở phòng đợi lên máy bay, tôi chỉnh lại bài viết và thêm thắt một vài nhận xét về đất nước và con người Nhật qua chuyến đi này. Tôi thấy người Nhật đã làm tốt những việc sau đây:

- Về nghiên cứu họ đã làm rất cơ bản, rất sâu, nhất là ở Trung tâm/Viện nghiên cứu Trung ương và Trường Đại học Quốc gia Shizouka.   

- Kết quả mà chúng ta có thể ứng dụng ngay là kỹ thuật canh tác làm cho trái cây nói chung, cam quýt nói riêng ngọt hơn.  

- Họ tạo tán cây quýt rất thấp, cho rất nhiều cành; điều này hoàn toàn khác với sản xuất ở bên mình: Cây cam sành cao lêu nghêu và rất ít cành nên hậu quả là năng suất ở ta thấp hơn ở Nhật.  

- Có những giống quýt có độ đường đến 18 độ Brix. Cần tiến hành tìm kiếm, rồi dùng làm cây cha trong lai tạo giống có độ đường cao.

- Ngoài ra, cũng có thể rút ngắn thời gian lai tạo giống cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng, bằng cách ghép cây F1 lên gốc ghép to, rút thời gian đánh giá từ 6, 7 năm còn khoảng 3 năm.  

- Cái tuyệt vời nhất là sự liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan chuyển giao rất chặt chẽ, không có việc mạnh ai nấy làm như ở mình, chủ trì là nhà nước.

- Điều tôi ấn tượng nữa là hiệu quả của Liên hiệp HTX JA đối với nông dân rất cao. JA có cửa hàng bán lẻ khắp nơi to như siêu thị loại lớn, để giúp nông dân trong vùng bán được các sản phẩm mà họ đã làm ra.

Nhờ JA giúp tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, không mất chi phí di chuyển nên giá bán lẻ rất thấp, người đi mua rất đông ở các cửa hàng JA này. Mong sao Liên hiệp HTX của mình cũng mạnh như vậy để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, hay hệ thống Coop-Mart có sẵn của mình cũng làm như vậy để giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa như JA.

Điều này chắc không đến nỗi khó, nếu chính quyền từng địa phương hỗ trợ nông dân làm GAP, rồi liên hệ với Coop-Mart để giúp nông dân đưa nông sản vào siêu thị. Chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng điều hành sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Ở Nhật, vai trò này là của nhà nước, còn ở ta, có người cho là vai trò của doanh nghiệp...     

Tôi nhận thấy bên cạnh sự phát triển khoa học kỹ thuật rất cao, thì văn hóa ứng xử giao tiếp hàng ngày và khả năng quản lý xã hội ở nước Nhật và ở nước ta có một khoảng cách xa. Họ xứng đáng là cường quốc đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới vì những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật và nền văn minh mà họ đang có.

Tác giả bài viết: PGS-TS NGUYỄN MINH CHÂU

Nguồn tin: apbac

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,263,998
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay2,884
  • Tháng hiện tại74,932
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây