Ký sự hành trình trên nước Nhật: Trông người mà gẫm lại ta (Kỳ 2)

Thứ sáu - 15/06/2012 22:18   837

Ăn quýt Nhật, nhớ quýt đường!

Thứ tư (15-2), khoảng 7 giờ  sáng, trong lúc tập thể dục chung quanh khách sạn, tôi thấy người Nhật xếp hàng một khi chờ xe bus và xếp hàng lên xe, không ai chen lấn. Xe bus chỉ có người lái, không có người bán vé, khi xuống xe, khách mới trả tiền bằng cách gạt thẻ vào một cái máy để bên cạnh tài xế.

Còn ở nhà ga xe lửa ở gần khách sạn, tôi thấy rất nhiều người dùng xe lửa tốc hành để đi làm tận Tokyo, Nagoya… cách xa chỗ này vài trăm cây số. Cứ mỗi 3 phút, tôi thấy có một chuyến xe lửa đậu lại ở nhà ga để đón khách đi Tokyo hay Nagoya. Đây là 2 thành phố lớn ở 2 đầu của tỉnh Shizouka.

Buổi sáng hôm đó, theo chương trình, chúng tôi đi thăm Sở Nông nghiệp tỉnh Shizouka. Họ báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh này, nông nghiệp chỉ chiếm hơn 1% GDP của tỉnh, còn lại là đóng góp từ du lịch và hàng công nghiệp (xe hơi và đàn piano Yamaha). Tỉnh này rất nổi tiếng về dâu tây, trà, quýt xuất khẩu đi Thượng Hải, Canada.

images46907
Nhà máy phân loại và đóng gói quýt để xuất khẩu.

Cách họ tổ chức các cơ quan nhà nước rất khác với mình. Tất cả các sở, ban, ngành và văn phòng của tỉnh đều ở trong cùng một tòa nhà. Ở mỗi tỉnh đều có Viện nghiên cứu và Trung tâm Khuyến nông trực thuộc tỉnh. Bên dưới Viện nghiên cứu tỉnh có đến 6, 7 trung tâm chuyên nghiên cứu từng cây, con quan trọng đối với tỉnh đó.

Ví dụ, ở tỉnh Shizouka có cây trà quan trọng, thì họ có trung tâm nghiên cứu trà đặt ngay ở vùng sản xuất để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân... Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng có 6, 7 trạm khuyến nông nằm ở tất cả các huyện trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh này may mắn có Trường Đại học Quốc gia Shizouka và Trung tâm Nghiên cứu Cây có múi Quốc gia Okitsu đóng trên địa bàn của tỉnh.

Như vậy, họ tổ chức các cơ quan ở cấp tỉnh khác với Việt Nam hoàn toàn, chúng ta không có Viện nghiên cứu trực thuộc tỉnh và cũng không có các Trung tâm nghiên cứu chuyên cho các cây, các con đặc thù trong từng tỉnh. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp sẽ kết hợp với Sở Công thương thường xuyên cung cấp thông tin thị trường giúp nông dân bán được giá. Sở Nông nghiệp cho biết, các cơ quan này liên kết với nhau rất chặt chẽ để hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Buổi chiều, họ chở đoàn đi thăm một nông dân tiên tiến trồng quýt chất lượng cao nhờ có phủ bạt. Ở vườn này, tôi thấy một bên có phủ bạt và một bên không phủ bạt. Tôi hỏi phủ bạt thì độ đường tăng được bao nhiêu phần trăm? Ông chủ vườn trả lời giúp độ đường tăng được 2%.

Sau đó, họ đưa đi thăm một nhà đóng gói nhỏ trực thuộc một HTX sản xuất quýt.  HTX Hainan này có quy mô nhỏ, chỉ vài chục hộ tham gia, tuy nhiên họ có nhà đóng gói rất hiện đại, hệ thống băng chuyền ở đây có thể phân loại trái theo kích cỡ và độ ngọt. Những trái hạng nhất, vừa to vừa ngọt hơn, được đóng gói riêng, được đưa đi Tokyo bán giá cao.

Trước khi về, HTX đãi chúng tôi ăn quýt Satsuma. Một số người trong đoàn mua quýt về ăn, ở đây họ bán giá chỉ 100 yen/kg so với 300 yen/kg ở ngoài các chợ. Tối hôm đó, về phòng khảo sát kỹ, tôi thấy trái Satsuma có kích cỡ thay đổi nhiều lắm, có trái rất to, có trái nhỏ; tuy nhiên tất cả đều không hạt, dễ bóc vỏ, vỏ mỏng; đặc biệt giống này sau khi đã bóc vỏ vẫn còn nhiều xơ, còn hương vị thì giống như quýt hồng Lai Vung.

Hình dạng trái Satsuma thì tương tự như cam đường canh của Hà Nội, vỏ có màu cam đậm. Tôi cảm thấy độ ngọt quýt Satsuma thua quýt đường Việt Nam. Tôi thấy trái quýt nhập từ Trung Quốc được bán ở Việt Nam có hình dáng tương tự như quýt Satsuma bên Nhật (Satsuma thật ra là giống quýt Unshu nhập từ Trung Quốc), nên quýt Trung Quốc bán ở Việt Nam rất có thể là giống quýt Unshu.

Như vậy, đến tháng 3 dương lịch thì không còn quýt Unshu tươi nữa, mà đã được thu hoạch từ tháng 2, rồi được bảo quản và bán qua Việt Nam, vì giống quýt này được thu hoạch đợt cuối vào tháng 2.

Cho nên, ở Việt Nam, quýt Trung Quốc bán từ tháng 4 đến hết tháng 10 là quýt đã được họ xử lý thuốc bảo quản, chúng ta không nên mua quýt Trung Quốc vào các tháng 4 đến tháng 10 năm sau do tất cả là quýt đã được bảo quản, không phải quýt tươi.

Trong lúc quýt Việt Nam cho trái quanh năm, tươi, ngon, hợp khẩu vị, chỉ có điều giá còn cao. Nếu được tổ chức lại sản xuất lớn, chắc chắn quýt Việt Nam sẽ nhiều hơn, giá sẽ rẻ hơn. Lúc đó, người có thu nhập thấp không cần phải ăn quýt giá rẻ của Trung Quốc như hiện nay.

Kỳ sau: Nông dân Nhật ung dung làm giàu, nhờ đâu?

Tác giả bài viết: PGS-TS NGUYỄN MINH CHÂU

Nguồn tin: apbac

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,325,173
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay3,499
  • Tháng hiện tại53,831
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây