Xuất khẩu tăng nhưng nông dân vẫn lỗ
ĐBSCL hiện có 288.000ha cây ăn trái các loại, sản lượng mỗi năm khoảng 3,8 triệu tấn, chiếm 60% cả nước, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục. Nếu năm 1996 nước ta chỉ xuất được 90,2 triệu USD/năm thì đến năm 2008 đã vượt mốc 400 triệu USD. Năm 2013 vượt mốc 1 tỉ USD và năm 2014 đạt hơn 1,4 tỉ USD. 3 năm gần đây kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục với tỷ lệ bình quân 30%. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh này được thành lập; thị trường tiêu thụ trái cây tăng lên 70 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó có các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand…
Tuy nhiên, trong cục diện chung, giá trị trái cây xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ so với sản lượng mà vùng ĐBSCL làm ra, nông dân ít được hưởng lợi. Thời gian qua, đa phần nông dân trồng cây ăn quả vẫn còn nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh. Hiện ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ nhiều loại trái cây như: xoài, ổi, sầu riêng,… nhưng giá cả rất thất thường. Ông Võ Văn Rô, ngụ ấp Hoà Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Nhà tôi canh tác 10 công xoài cát chu, hiện vào mùa thu hoạch mà thương lái chỉ mua với giá có 7.000 đồng/kg. Trong khi hồi tháng trước, họ đến tận vườn, mua xoài cát chu với giá 15.000 đồng/kg. Năm nay, nắng nóng nên năng suất xoài giảm gần 40%, như vậy tôi không còn lời bao nhiêu". Ông Trương Văn Đời, ngụ ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, trồng hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ. Nhưng mấy tháng nay, giá thanh long cứ lên xuống thất thường. "Mỗi lần thương lái lại vườn là tôi lo lắng vì giá thanh long ruột đỏ lúc nào cũng dao động. Có lúc họ mua 60.000 đồng/kg, khi thì 40.000 đồng/kg, có lúc xuống thấp chỉ 10.000-15.000 đồng/kg. Dự báo tới đây giá thanh long còn giảm nữa khi nhiều nơi đồng loạt vào thời điểm thu hoạch rộ các loại trái cây".
Hiện nay, khó khăn nhất là người dân trồng ổi. Giá ổi đang bán tại vườn chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg. Mang 2 giỏ xách chứa ổi không hạt ra chợ Trà Ôn bán, bà Bùi Thị Năm ngụ xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, buồn rầu nói: "Năm nay vườn ổi trúng mùa. Nhưng khi nhà ai cũng thu hoạch, bán 10.000 đồng/5 kg mà chẳng ai thèm mua".
Trong khi đó, nhiều loại trái cây đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) với mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu nhưng hiện nay chỉ bán được trong nước do không đủ năng lực sản xuất. Ông Trần Văn Tây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, than: "Vào tháng 10-2014, thị trường Nga hợp đồng 200 tấn bưởi/tháng với giá 26.000 đồng/kg nhưng HTX đành từ chối vì không đủ số lượng để giao". Với hơn 26 ha bưởi thì mỗi vụ chỉ cho vài chục tấn nên HTX không dám ký hợp đồng với đối tác, sợ không có hàng giao thì phải đền. HTX Bưởi Năm roi Mỹ Hòa hình thành đã gần 9 năm nay nhưng luôn trong tình trạng thiếu vốn, trình độ xã viên còn yếu… "Hơn 1 năm nay, bưởi đạt chứng nhận GlobalGAP chỉ bán trong nước"-ông Tây ngậm ngùi…
Liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam -Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa vạch ra những hạn chế của ngành sản xuất trái cây, rau quả Việt Nam cần sớm được tháo gỡ để phát triển bền vững: Việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mới chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương, chưa phát huy được sức mạnh thật sự của vùng chuyên canh và sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa. Tỷ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP trong sản xuất rau quả còn thấp, rải rác, phân tán dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, không rải vụ theo thời gian. Sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn mong manh, dễ đổ vỡ. Doanh nghiệp phải thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đồng đều, rủi ro rất cao. Doanh nghiệp chưa đầu tư cho vùng nguyên liệu. Chuỗi cung ứng còn qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá trị sản phẩm ở trang trại rất thấp (giá rẻ), giá bán trên thị trường đôi khi lại quá cao nhưng người nông dân không được hưởng lợi. Chuỗi giá trị chưa được cải thiện và kiểm soát để phân chia hợp lý lợi nhuận cho từng đối tượng trong chuỗi, giá trị gia tăng chưa cao. Nhiều dịch bệnh xảy ra khắp nơi do việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, tăng diện tích ồ ạt, tự phát, khó kiểm soát, do biến đổi khí hậu. Rau quả chủ yếu tiêu thụ tươi, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện nay còn quá cao (25-30%) do việc canh tác trước thu hoạch của người dân còn lạm dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc đóng gói, vận chuyển của doanh nghiệp nhiều nơi còn quá thô sơ, lạc hậu, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm chế biến chưa nhiều.
Bên cạnh đó, các chuyên gia xác định: Tiến bộ kỹ thuật trong xử lý ra hoa được người dân áp dụng rất tốt nhưng việc xử lý ra hoa nghịch vụ còn mang tính tự phát, dẫn đến được mùa nhưng mất giá, sản xuất thiếu định hướng. Tuy đã thành lập Ban chỉ đạo rải vụ nhưng việc vận hành còn chậm, mang tính địa phương và chưa đi vào thực tiễn sản xuất, chưa có giải pháp thích hợp để vận hành mang tính liên kết vùng, bền vững, không thể điều tiết sản xuất. Nước ta có nhiều chủng loại quả rất ngon, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước, nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến do công tác tiếp thị chưa đủ. Thông tin thì trường chưa được nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật về chủng loại, thị trường, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh tranh trên thế giới… Đặc biệt là ở mức độ nông hộ, người dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường. Chính vì vậy việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng…
"Vấn đề quan trọng là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Ở đây vai trò của nhạc trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết sản xuất và điều tiết rải vụ, nhạc trưởng phải điều tiết được tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó…" - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa khẳng định.
Nguồn tin: Báo cần Thơ