Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt có khoảng 10% là khách mời quốc tế như tổng lãnh sự quán, doanh nghiệp các quốc gia Nga, Nhật, Cam Pu Chia,…
Hội nghị XTĐT năm nay Tiền Giang trao chứng nhận quyết định đầu tư và nghiên cứu đầu tư cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và văn hóa thể thao với 30 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 16.178 tỷ đồng. Phần lớn các dự án này sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2018 và sang đầu năm 2019 vì đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.
Tỉnh cũng mời gọi 19 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư dự kiến 16.360 tỷ đồng. Ở lĩnh vực công nghiệp công nghiệp tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tại KCN Long Giang với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng và nhà máy chế biến nông sản tại huyện Gò Công Tây vốn đầu tư 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng hướng đến nông nghiệp công nghệ cao (CNC) và nông nghiệp sạch với các dự án sản xuất cây giống và rau, hoa CNC, các dự án nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nông sản với tổng vốn đầu tư ở các hạng mục là 1.230 tỷ đồng.
Tiền Giang tích cực kêu gọi đầu tư hướng tới mục tiêu, năm 2020 GRDP tăng trưởng từ 8,5-9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.600 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 7,508 tỷ USD, xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2 tỷ USD, 2,2 triệu khách du lịch, trong đó có 0,9 triệu du khách quốc tế và phát triển 7.200 doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tiền Giang đã và đang quyết tâm tăng cường cải cách hành chính, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và cải thiện hình ảnh của tỉnh. Đến với Tiền Giang các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đầu tư.
Theo quy hoạch trong thời gian tới Tiền Giang kêu gọi đầu tư phát triển các KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Đông, Mỹ Lợi, Bình Ninh. Hệ thống hạ tầng kết nối như giao thông, cấp điện, cấp nước, đầu tư đồng bộ, tăng khả năng liên kết trong và tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm ngành, chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra tỉnh đang cùng với VNPT chuẩn bị dự án khu công viên phần mềm Mê Kông; đồng thời, cũng đã liên kết với VNPT để định hướng xây dựng thành phố thông minh nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư năng động, thông minh cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tham dự chỉ đạo hội nghị XTĐT tại Tiền Giang lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đoàn kết thống nhất, sự phát triển khá toàn diện của tỉnh trong thời gian qua và sự chuẩn bị khá tốt hội nghị XTĐT lần này của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Theo Thủ tướng, “Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bức phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và trở thành động lực phát triển của toàn khu vực ĐBSCL”. Với vị trí phong thủy đắc địa hàng đầu, “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” Tiền Giang là mặt tiền của ĐBSCL chúng ta.
“ĐBSCL được mệnh danh là vương quốc trái cây của cả nước, thì Tiền Giang được xem là vương quốc của vương quốc trái cây. Nhiều trái cây nổi tiếng như thanh long chợ Gạo, khóm Tân Phước, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, vú sữa Lò rèn,…Chính vì vậy một câu hỏi của tôi đến với hội nghị này là: Liệu Tiền Giang có thể trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không? Tôi rất mong có được câu trả lời từ các nhà đầu tư hôm nay”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tích cực hơn nữa giải quyết các điểm nghẽn phát triển giúp các nhà đầu tư, tăng cường giải phóng để các quỹ đất sẵn có cho nhà đầu tư, giải quyết tốt các quy hoạch, có tính linh hoạt và hiệu quả. Cần tiếp tục đối thoại với nhiều doanh nghiệp hơn để giải quyết các vướng mắc của đại đa số doanh nghiệp,…
Thủ tướng mong muốn bên cạnh phát triển nông nghiệp CNC thì tỉnh Tiền Giang cũng cần chú trọng phát triển công nghiệp để có nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Bên cạnh đó, hiện dư nợ tín dụng tại Tiền Giang mới gần 49.000 tỷ đồng mới chỉ tương đương 63% GRDP của các doanh nghiệp, điều này cho thấy độ sâu tín dụng còn rất vẫn còn rất lớn. Thủ tướng đề nghị, các nhà tín dụng quan tâm hỗ trợ cho Tiền Giang trong đầu tư công nghiệp nông nghiệp nhất là nông nghiệp CNC.
Tóm lại với các yếu tố lợi thế đặc thù của tỉnh thì “Tiền Giang hội đủ các yếu tố để trở thành một siêu vệ tinh của TPHCM nếu chúng ta có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn tin: NNVN