Tập trung phát triển cây ăn trái VietGAP

Thứ sáu - 27/12/2019 23:33   592
Hôm qua 24/5, tại Tiền Giang đã diễn ra Hội nghị cây ăn trái lần thứ 2 về “Hiện trạng sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái ở Nam bộ và giải pháp phát triển các vùng cây ăn trái tập trung theo VietGAP”, do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND Tiền Giang tổ chức.
Tập trung phát triển cây ăn trái VietGAP

CẦN “NHẠC TRƯỞNG” CHO 3 CẤP

Theo Cục Trồng trọt, vùng phát triển cây ăn trái Nam bộ những năm gần đây đang tăng mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Hiện, tổng diện tích cây ăn trái Nam bộ đạt khoảng hơn 400.000 ha, sản lượng đạt 4,1 triệu tấn (chiếm 52,6% diện tích và 57,41% sản lượng so với cả nước). Đã có những mô hình đạt được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, EurepGAP như thanh long (Bình Thuận), chôm chôm, bưởi da xanh (Bến Tre), mãng cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… tạo được thương hiệu cho trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn và thách thức như: quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu diện tích trồng chuyên canh với quy mô lớn, chưa thống nhất quy trình và định hướng đầu tư đồng bộ cũng như tổ chức hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp, ổn định. Do vậy, không tạo được sự đột phá mạnh mẽ nào trong sản xuất và cho nhu cầu xuất khẩu hiện nay.

Mặt khác, tình hình sâu bệnh còn hoành hành nặng nề trên vườn cây ăn trái, như bệnh vàng lá Greening trên cây có múi; bệnh ruồi đục quả; bệnh xì mủ trên sầu riêng, măng cụt; thán thư trên xoài, thanh long; thối rễ ở cây vú sữa, cây có múi; phấn trắng trên chôm chôm; chổi rồng trên nhãn… Thực tế, trong mỗi vườn cây ở Nam bộ thường trồng nhiều loại cây trái nên không có được sản lượng trái cây nhiều để tập trung cho xuất khẩu. Hơn nữa, bệnh như vàng lá, chổi rồng…vẫn còn tiềm ẩn nhiều năm trong các vườn cây, nhưng chưa có biện pháp loại trừ triệt để, nên khó khăn cho việc canh tác, phát triển sản xuất quy mô lớn.

 Thực trạng này cũng được ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhìn nhận: “Do sản xuất trái cây nhỏ lẻ, không đồng đều, dịch bệnh trên cây trồng xảy ra đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái... Đây chính là những thách thức cho ngành trái cây Việt Nam”.

Còn PGS.TS. Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng ViệnCAQ miền Nam nhấn mạnh, cần thực hiện mô hình một số cây trồng cụ thể cho từng tỉnh, thành vùng để phát triển sản xuất chuyên canh. Cụ thể, nhà nước cử “nhạc trưởng” ở cả 3 cấp: Bộ, tỉnh và huyện có cây ăn trái đặc sản được chọn để chăm lo việc phát triển vùng chuyên canh trái cây. Theo ông Châu, mấy năm qua Viện đã hỗ trợ các địa phương thực hiện các mô hình VietGAP và GlobalGAP như vùng dứa Queen ở Tiền Giang hay bưởi da xanh Bến Tre đạt chứng chỉ VietGAP.

THỨ TRƯỞNG BÙI BÁ BỔNG:

Trước mắt, tập trung vận động nông dân sản xuất theo hướng GAP và sản xuất VietGAP được cấp chứng nhận để gắn với thị trường đầu ra sản phẩm. Hiện đối với lúa đang triển khai “nông dân nhỏ - cánh đồng lớn”, vậy đối với CAQ cũng phải làm được “nông dân nhỏ - vùng sản xuất tập trung” cho sản phẩm chủ lực. Một chính sách vô cùng quan trọng là hỗ trợ vốn cho nông dân cải tạo vườn. Chính sách này cần có tính lâu dài và lãi suất tốt nhất là bằng không.

VÙNG CHUYÊN CANH VIETGAP

Một trong những giải pháp đồng bộ được nêu ra tại hội nghị này gồm: Tiến hành rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dựa vào điều kiện sinh thái từng vùng và mỗi địa phương cần chọn từ 1-3 loại cây ăn trái đặc sản, có lợi thế cạnh tranh để áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng.
Về khâu giống và các biện pháp kĩ thuật, cần tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu chọn tạo và nhập nội giống có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với điều kiện sinh thái từng vùng.

Công tác tổ chức sản xuất cần tiến hành xây dựng vùng cây ăn trái tập trung theo VietGAP phục vụ thị trường xuất khẩu. Vùng chuyên cho xuất khẩu bao gồm nhiều tiêu chí: diện tích, hình thức, đầu tư, liên kết, tổ chức sản xuất và thu mua theo hợp đồng, xúc tiến thương mại và hỗ trợ thông tin, kĩ thuật cho người sản xuất và doanh nghiệp. Trong các giải pháp, vấn đề tiên quyết là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để hướng tới việc trồng cây ăn trái tập trung.

Tác giả bài viết: MINH SÁNG-THẠCH THẢO

Nguồn tin: Báo NNVN ngày 25/5/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,807,998
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,221
  • Tháng hiện tại23,607
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây