Tác nhân và sự phát tán bệnh chết nhanh trên cây sầu riêng tại Tiền Giang- Biện pháp quản lý tổng hợp theo hướng sinh học

Thứ hai - 30/12/2019 03:57   1553
Trên cơ sở kế thừa đề tài Bộ KH&CN năm 2011 là “ Nghiên cứu phòng trừ bệnh thối rễ trên cây ăn quả đặc sản (cây có múi, sầu riêng, vú sữa, thanh long và ổi) ở ĐBSCL”, Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu bổ sung các tác nhân và sự phát tán bệnh chết nhanh trên cây sầu riêng tại Tiền Giang và biện pháp quản lý tổng hợp theo hướng sinh học”. Đề tài do ThS. Đặng Thị Kim Uyên chủ nhiệm với mục tiêu nắm được tình hình bệnh chết nhanh cây sầu riêng và xây dựng mô hình quản lý tổng hợp theo hướng sinh học tại Tiền Giang.

Triệu chứng bệnh chết nhanh trên cây sầu riêng như sau: Lá bị héo vàng, rụng trơ cành và chết những cành nhỏ bên ngoài ngọn cành, sau đó bệnh lan dần và tấn công ngược vào cành chính, bị khô một phần thân và có màu sáng hơn thân cây bình thường, phần gỗ bị hóa nâu, chạy chỉ màu nâu đen, ngay cả vỏ thân phía trong cũng bị nâu và làm cây chết nhanh chóng. Phần vỏ thân và gỗ thân nơi bị nhiễm bệnh thấy xuất hiện một loài mọt đục thành đường hầm nhỏ, đẻ trứng và nở thành trùng đục khoét bên trong. Cây bị bệnh sẽ kém phát triển, ảnh hưởng tới ra hoa, đậu quả, gây rụng quả non, thối trái và cây bị chết.

Qua hơn 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xác định được tác nhân gây bệnh chết nhanh là do nấmPhytophthora citricola và Fusarium ambrosium. Mọt đục thân, cành có liên quan đến việc phát tán bệnh (cây sau khi bị nhiễm nấm 1 tuần, mọt sẽ tấn công vào vết bệnh để ăn nấm, sau đó đục sâu vào trong và gieo rắc bào tử; khi mọt đục đến mạch gỗ thì cũng có nấm hiện diện, từ đó làm tắc các mạch dẫn nước và dinh dưỡng làm cho cây nhanh chóng chết trong thời gian ngắn); Tỷ lệ bệnh chết nhanh cây sầu riêng xảy ra từ tháng 3 đến tháng 12 (tỷ lệ bệnh nhiễm nặng nhất từ tháng 10 đến tháng 12); Chỉ số bệnh chết nhanh cây sầu riêng xảy ra vào tháng 6, 10, 11, 12 năm 2014 với chỉ số bệnh là 24,45% - 24,88% (các tháng còn lại có chỉ số bệnh dưới 20%); Xây dựng được mô hình quản lý bệnh đạt hiệu quả cao, tăng năng suất hơn 15% và tỷ suất lợi nhuận tăng trên 21%; Đồng thời nhóm nghiên cứu đã đưa ra được 01 quy trình phòng trừ bệnh chết nhanh; 01 tài liệu kỹ thuật hướng dẫn thực hiện quy trình phòng trừ bệnh.

Đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thống nhất nghiệm thu và đánh giá xếp loại B và giao cho Chi cục BVTV, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cai Lậy ứng dụng.

Nguồn tin: skhcn.tiengiang.gov.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,640
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,548
  • Tháng hiện tại64,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây