"Hai lúa" đồng bằng lập “kỳ tích” trên đất Úc - Kỳ 1

Thứ bảy - 16/03/2013 22:37   1382

Đi chợ Úc ngày chủ nhật & thăm trang trại triệu đô       

vien truong 1Nhận lời mời của ông Ian Baker, Chủ tịch Hội  Người trồng xoài bang NT (Northern Territory Mango Industry Association), tôi lên đường đi dự Hội thảo cây xoài hàng năm ở Darwin, diễn ra từ ngày 15-3.

Ngoài ra, ông Chủ tịch còn muốn tôi gặp các nông dân Việt Nam trồng xoài ở đây để kêu gọi họ tham gia các hoạt động của Hội tích cực hơn. Do vậy, thời gian lưu lại là một tuần (từ ngày 10 đến 17-3-2012). Và tôi đã ghi nhận được nhiều điều thú vị về các anh “Hai lúa” ở đồng bằng sông Cửu Long đã sang đây lập nghiệp và làm nên những “kỳ tích”.

Đi chợ Úc ngày chủ nhật

Tối thứ bảy, 10-3, lúc 23 giờ, tôi lên máy bay Jet Star bay thẳng từ TP. Hồ Chí Minh tới Darwin. Sáng sớm chủ nhật (gần 6 giờ địa phương) tôi đã đến nước Úc (thời gian bay là 5 tiếng).

Ông Ian Baker, Chủ tịch Hội Người trồng xoài bang NT đón tôi tại phi trường, đưa tôi về nhà ông ở (cách phi trường khoảng 10 km) cho tiện việc đưa đón tôi đi lại. Vì hôm ấy là ngày nghỉ, nên ông đưa tôi đi chợ rau quả ngày chủ nhật. Đây là nơi nông dân đem rau quả do họ sản xuất ra chợ bán vào mỗi sáng chủ nhật dù chỉ để cho… vui.

Tôi nói cho vui, vì những nông dân này rất vui vẻ, chào hỏi liên tục ông Ian, họ không có vẻ gì là phải lo lắng số hàng hóa mà họ đã mang ra chợ. Tôi thấy những người bán là nông dân Úc, Việt Nam, Mã Lai, Indonesia, Thái Lan... với các loại rau quả như: chuối già, chuối sứ, thơm, thanh long trắng, bưởi, chôm chôm giống Mã Lai, rau muống, dưa lưới (melon), dưa chuột, đậu đũa, đậu bắp, lá cây trúc (để nấu ăn)...

Do nơi đây chẳng những bán rẻ hơn các chỗ khác mà còn là chỗ gặp nhau cuối tuần (say hello) nên khá đông người đến chợ. Ngoài các gian hàng rau quả, trong chợ còn có gian hàng đấm bóp cho các nông dân sau một tuần lao động vất vả. Một nông dân Úc to béo, ở trần đang nằm sắp trên một tấm chiếu trải dưới đất để cho một bà lớn tuổi người Thái làm massage ngay ở giữa chợ rau.

Ngoài ra, chợ cũng có cửa hàng ăn sáng với nhiều lựa chọn như: cơm gà, cơm cá, mì xào, hủ tiếu... Ở một gian hàng khác, một người Úc lớn tuổi đang hát những bản nhạc đồng quê với sự hỗ trợ của cây đàn guitar. Ông ta hát rất hay, tôi thấy nhiều người đến cho tiền.

Sau khi ghé chợ rau quả, Ian đưa tôi đến nhà ông Jim Delis là cha của Peter Delis đang cùng gia đình định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Peter Delis cho rằng ở TP. Hồ Chí Minh sẽ tốt cho việc học hành của con cái ông hơn là ở Darwin. Ông Jim mời Ian và tôi ăn sáng với món pho mát Greece màu trắng với bánh mì khô nướng và uống café đen Greece. Cả hai thứ đều rất tuyệt.

Về trở lại nhà Ian lúc hơn 12 giờ trưa, mệt quá sau một chuyến bay đêm, tôi ngủ ngon lành đến 4 giờ chiều mới dậy.

Buổi tối hôm đó, vợ chồng anh Hài (David Định), một nông dân có đến 4 farm trồng xoài ở Darwin (farm là tên họ gọi trang trại, mỗi farm ở Úc có ít nhất 5.000 cây xoài, khoảng 60 ha), mời Ian và tôi ăn cơm tối ở tận trên TP. Darwin. Cùng ăn có cả vợ chồng anh Liêm là người trước đây phụ giúp cho anh Hài.

Quán ăn họ mời tôi là quán hải sản phục vụ theo kiểu tự chọn buffet, khoảng 40-50 đô la/người. Ở đây có rất nhiều món hải sản tươi, ngon như: tôm sú luộc, cua, hàu sống, hàu nướng chín và có cả thịt heo quay chặt từng miếng nhỏ như ở Việt Nam, muốn ăn bao nhiêu tùy thích.

Sau cùng là ăn tráng miệng, có đủ các thứ như: kem, bánh ngọt, dưa lưới, dưa hấu, thanh long, thơm Thơm ở đây rất chua vì được trồng ở Nambour, bang Queensland, là nơi khí hậu rất mát mẻ không phù hợp cho thơm.

Tôi tự hỏi sao nông dân mình không trồng thơm ở Darwin thì chất lượng sẽ ngon tuyệt hảo vì phù hợp khí hậu hơn ở Brisbane và giá thì rất tốt - đến 5,9 đôla/trái trong siêu thị. Trong lúc ăn, nói chuyện với vợ chồng anh Hài, tôi mới biết những người bán rau, quả mà tôi thấy hồi sáng không phải là người nghèo như ở quê mình, mà là những người giàu có.

trang trai uc
Anh Hài và anh Xuân thăm vườn vú sữa của anh Cường   

 Thăm trang trại triệu đô của “Hai lúa”

  Sáng thứ hai ngồi uống café với Ian, ông cho biết nhiều người Việt Nam ở đây thu lãi cả triệu đô la/năm nhờ làm xoài sớm hơn người Úc cả tháng, nên giá bán rất khác nhau. Uống café xong chúng tôi đi xe qua nhà anh David ăn sáng, vì theo chương trình ngày hôm đó, anh Hài sẽ đưa tôi thăm các farm của người Việt ở đây.

Trước khi đi, chúng tôi ghé qua Viện Nghiên cứu Nông nghiệp bang NT. Viện này nằm ở gần phi trường Darwin để Ian gặp ông Stuart. Ian biết Stuart muốn cùng đi xe với anh Hài và tôi xuống thăm mấy farm của anh em người Việt. Nhưng anh Hài từ chối khéo, nói còn rước một người bạn khác nữa cùng đi rồi.

Khi lên xe, tôi mới được anh Hài cho biết anh thích đi hai anh em thôi để nói chuyện. Hơn nữa, nông dân Việt Nam ở đây hiện rất bận rộn, không muốn tiếp khách Úc đến thăm farm của họ. Điều này cho thấy nông dân Việt Nam ở Darwin bây giờ không còn khó khăn như những năm cuối của thập niên 1980, đầu 1990 lúc họ mới qua. Lúc đó, họ phải ở trong những thùng sắt di động ngay cạnh bên rẫy (người Úc gọi là Garden shed).

Hiện nay, rất nhiều farm của người Việt nổi tiếng có xoài sớm ở đây như: anh Bé, anh Thành, anh Hài (David), chú Lee Hoàng, anh Xuân... Có năm họ thu lãi đến cả triệu đô la nhờ bán xoài xanh sớm hơn so với các farm của nông dân Úc.

Đi hơn 130 km từ Darwin theo đường cao tốc Stuart Highway xuống phía Nam Adelaide thì đến các farm trồng xoài của anh Hài. Lúc mới sang đây, người Việt Nam làm thuê cho các ông chủ người Úc. Sau đó, họ mua “xoài lá” xịt ra hoa sớm bán lấy lời. Có tiền tích lũy, họ mua farm đầu tiên, rồi từ một farm đầu tiên cũng bằng cách cho xoài ra hoa sớm, họ mua thêm đất, có người hiện có đến 4 farm như anh Hài.

Anh Hài hiện có trên 20.000 cây xoài (khoảng cách trồng ở đây là 10 x 12 m, tức khoảng 83 cây/ 1.000m2, tức là anh có đến vài trăm ha xoài. Ở farm của anh Hài, ngoài xoài Úc như R2E2, KP, xoài xanh Thái, anh mới trồng vải và nhãn Thái (giống Biew kiew).  

Thăm vội vã mấy farm của anh Hài xong, anh lái xe nhanh đưa tôi về trở lại đường cao tốc, xe hướng trở lại về phía Darwin để đến farm xoài của anh Bé, nơi đây đã có khoảng 12 nông dân Việt Nam khác đang chờ chúng tôi đến ăn trưa.

Chủ nhà anh Bé cũng có mấy farm, chỗ đang ngồi là farm trồng xoài xanh Thái, cây thấp, rất đẹp. 12 nông dân đang ngồi đây hầu hết là những người giàu có, có năm có hơn phân nửa trong số người ngồi ở đây lãi cả triệu đôla nhờ có xoài ăn xanh bán sớm hơn so với xoài của người Úc một tháng; hay nhờ trồng vú sữa, trồng rau.

Anh Hài nói năm rồi, xoài xanh sớm của anh bán đến trên 10 đôla/kg, trong lúc chính vụ chỉ vài đôla/kg thôi, mà anh Hài có tới vài ngàn cây xoài xanh lận. Cho nên tính nhẩm cũng biết anh Hài nằm trong số người thu bạc triệu đôla/năm ở đây. Một nông dân khác đang có mặt trong buổi cơm trưa là anh Xuân, vừa trồng xoài vừa trồng rau. Năm ngoái anh Xuân trúng lớn dưa chuột nhờ bang Queensland bị lũ lụt nên rau ở đó chết hết.

Nhìn những hàng xoài ăn xanh rất đẹp quanh nhà anh Bé, tôi dễ dàng dự đoán là anh cũng nằm trong số lãi cả triệu đôla/năm như ông Ian đã nói với tôi. Thật ra thì năm rồi 2011, anh Bé đã kiếm lãi bạc triệu nhờ có xoài xanh sớm.

Buổi tiệc gần xong thì nhóm 12 người tách làm hai, một nhóm qua phòng khách nhà anh Bé, tôi thì về thăm farm vú sữa theo lời mời của chủ nhân là anh Cường, nơi đây chỉ cách nhà anh Bé chừng 10 phút đi xe. Trên đường đi tôi nghe giới thiệu có 4, 5 farm người Việt Nam ở cạnh nhau ở khu vực này (farm anh Hài, anh Thành, anh Vân, anh Cường, anh Xuân).

Đến farm anh Cường tôi thấy vú sữa bạt ngàn (đủ cả giống vú sữa trắng, vú sữa tím, vú sữa vàng, tất cả đến vài chục ha), mận An Phước, mít nghệ Việt Nam. Năm rồi, mận An Phước anh bán được 8 đôla/kg, vú sữa 10 đôla/kg, mít nghệ VN 5 đôla/kg. Anh Cường còn trẻ nhưng nhà anh rất to, rất đẹp và đặc biệt là được xây dựng từ các vật liệu mang từ … quê nhà sang (quả là Hai lúa chơi sang).

Anh mời cơm tôi với rất nhiều cá chẻm (tiếng Anh là Barramundi, con cá chẻm ở đây rất to, dài hơn 1m và nặng đến 15 kg). Mấy anh cho biết ngoài cá chẻm, các farm ở đây có rất nhiều heo rừng. Nhìn những hàng vú sữa bạt ngàn, thẳng tắp và rất tốt của anh Cường, tôi cũng dễ dàng biết đây cũng là một thành viên của những người thu nhập gần cả triệu đôla/năm.

Ở Darwin chỉ có mình anh Cường trồng vú sữa nên anh sẽ còn kiếm cả triệu đô/năm trong nhiều năm nữa. Anh cho biết mỗi kg vú sữa anh bán được khoảng 10 đô la, như vậy là hơn xoài KP, xoài R2E2 của các farm người Úc rất nhiều (chỉ vài ba đôla/kg).

Như vậy là nhờ biết làm ra hoa xoài sớm, nhờ chọn các cây không đụng hàng với người Úc như: xoài xanh, vú sữa, mận An Phước, mít nghệ, rau...  mà các nông dân miền Tây từ Việt Nam qua đây có năm thu hoạch cả… triệu đôla. Nghe mà không thể tưởng tượng nổi...

Ông Ian cho tôi biết, ở Úc khi nông dân bán sản phẩm cho agent (tức người thu mua) thì agent phải ghi lại số thùng, nên người Úc nắm rất rõ số lượng xoài mà từng farm đã bán cho họ. Từ đó, Hội Người trồng xoài bang NT có thể dễ dàng tính được con số thu nhập của từng hộ qua từng năm. Theo lời Ian thì các nhà vườn người Việt thu bạc triệu đôla mỗi năm ở Darwin là anh Thành (thương hiệu NT Golden), anh Ta, anh Xuân, anh Bé, anh Hài (David), anh Cường, chú Lee Hoàng.

Kỳ sau: Dân Úc cả nể anh “Hai lúa”

Tác giả bài viết: PGS-TS. NGUYỄN MINH CHÂU

Nguồn tin: apbac

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,913,843
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,815
  • Tháng hiện tại50,368
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây