Ngày 6/7, tại TP.HCM, đã diễn ra hội thảo “Phát triển chương trình GAP thích hợp tại địa phương và sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; Xây dựng mạng lưới và cẩm nang công nghệ sau thu hoạch của cây trồng ở Châu Á”, do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp vời Viện CĂQ miền Nam (SOFRI) tổ chức, với sự tham dự của 14 nước tại khu vực Châu Á.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng cải tiến sau thu hoạch cho nông sản trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch ở Châu Á (PAN - ASIA), được Tổ chức Sáng kiến Hợp tác Nông nghiệp Thực phẩm Châu Á (AFACI, Hàn Quốc) tài trợ.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2012 - 2015) xây dựng mạng lưới liên kết các chuyên gia; xây dựng cẩm nang sau thu hoạch của cây trồng khu vực Châu Á; Giai đoạn 2 (2016 - 2018) sẽ triển khai ứng dụng cẩm nang vào sản xuất rau, quả tại 14 nước tham gia dự án, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI, xây dựng cẩm nang bằng nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của từng quốc gia, hướng dẫn ngắn gọn, với hình ảnh minh họa rất dễ hiểu. Trước tiên, SOFRI sẽ tổ chức tập huấn và triển khai ứng dụng trong chuỗi cung ứng trên cây xoài tại tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, chương trình GAP cũng được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu triển khai tập huấn và ứng dụng trên 4 loại cây (cam, bắp cải, cà chua, súp lơ) tại huyện Gia Lâm và Long Biên (Hà Nội).