Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Viện trưởng Nguyễn Văn Hòa, khi đó còn là cán bộ nghiên cứu trẻ, chia sẻ: Khi mới đi vào hoạt động, Viện Cây ăn quả miền Nam đã gặp phải không ít khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, ngành mới,… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tập thể người lao động, nhất là lãnh đạo Viện, đội ngũ nhà khoa học, Viện đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống cây ăn quả, rau và hoa chất lượng cao, có ưu điểm nhiều mặt, được Bộ NN&PTNT công nhận. Song song đó, Viện đã chuyển giao thành công một số thành tựu tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp bà con nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất khoa học, theo thị trường.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1994-2004, Viện đã chọn được 1 dòng sầu riêng, 4 dòng măng cụt, 3 dòng mít (năm 2002) làm cây đầu dòng; chọn được 18 giống và được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời (khu vực hóa). Từ năm 2005 đến nay, Viện đã có 11 giống quả, rau, hoa được Bộ NN&PTNT công nhận, trong đó, điển hình có giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, giống thanh long ruột tím hồng LĐ5, giống dưa leo Long Định 7, giống hoa cúc vàng đột biến Long Định 9, giống hoa đồng tiền Long Định 10, giống nhãn LĐ11 có chất lượng ngon, có khả năng chống chịu chổi rồng khá,… Bên cạnh đó, Viện cũng có 14 giống/dòng được Sở NN&PTNT các tỉnh công nhận cây đầu dòng như: 2 dòng bưởi lông Cổ Cò, 4 dòng dứa Queen, 2 dòng bưởi da xanh, 2 dòng bưởi Năm Roi, 2 dòng nhãn xuồng cơm vàng – NXCVMĐ01 và NXCVMĐ26, 1 dòng xoài cát Hòa Lộc và 1 dòng xoài cát Chu. Chưa kể, 13 quy trình của Viện đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn rau, quả.
Không những vậy, Viện còn có một sản phẩm khoa học công nghệ về bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Triển khai thành công 134 mô hình trồng cam sành xen ổi phòng trừ bệnh vàng lá Greening ở Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng; 3 mô hình canh tác tổng hợp xoài, chuối, mãng cầu ta tại vùng thiếu nước tưới ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều mô hình quản lý sâu, bệnh hại trên cây thanh long, sầu riêng, cam, quýt, bưởi, nhãn, dứa,… Đồng thời, 32 mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chí an toàn do Viện tư vấn được chứng nhận VietGAP/EurepGAP/GlobalGAP đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Ngoài ra, Viện cũng đã cùng tổ chức CABI xây dựng 10 bệnh xá cây trồng ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, đồng thời thiết lập được mối quan hệ rộng rãi với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế để nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, góp phần đưa ngành rau quả trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế vườn phát triển, Viện Cây ăn quả miền Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước vì có thành tích xuất sắc trong nhiều năm qua; UBND tỉnh Tiền Giang tặng cờ mang dòng chữ “Viện Cây ăn quả miền Nam 20 năm xây dựng và phát triển (1994-2014). Ngoài ra, nhiều cá nhân của Viện cũng được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tiền Giang tặng bằng khen vì có thành tích đóng góp cho Bộ NN&PTNT, cho tỉnh Tiền Giang.
Định hướng phát triển trong tương lai, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa cho biết, Viện sẽ tập trung nghiên cứu các giống cây ăn quả có múi, thanh long, dứa, xoài, nhãn và các nhóm cây ăn quả đặc sản bản địa ở các tỉnh phía Nam có khả năng xuất khẩu tươi hoặc chế biến. Cùng với đó, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật canh tác mới, các công nghệ mới, biện pháp bảo vệ thực vật an toàn, bảo quản, kéo dài thời gian sau thu hoạch phục vụ tốt cho sản xuất, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu rau hoa và quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong nghiên cứu rút ngắn thời gian tạo giống, giải quyết nhiệm vụ cấp thiết của thực tiễn sản xuất. Mặt khác, Viện cũng tập trung xây dựng cơ sở vật chất ngày một hiện đại, đồng bộ để phục vụ cho mục tiêu phát triển của Viện, hướng đến trở thành địa chỉ hàng đầu có đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp nước nhà.
Nguồn tin: Thế giới & Việt Nam