SOFRI và trọng trách tạo đột phá vùng trái cây miền Tây

Thứ hai - 05/07/2021 22:19   1190
Trước biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, Viện SOFRI đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhằm tạo bước đột phá cho vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước tại ĐBSCL.

Lai tạo giống theo nhu cầu thị trường

Hiện vùng ĐBSCL có diện tích cây ăn quả khoảng 370 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích của cả nước, sản lượng đạt hơn ba triệu tấn/năm. Các cây trồng chủ yếu như thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng…, trong đó nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra khiến vấn đề canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều vùng cây ăn quả đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

SOFRI đã có nhiều nghiên cứu về gốc ghép chống chịu điều kiện bất lợi với môi trường chuyển giao cho các địa phương ứng dụng vào thực tiễn. Ảnh: MS.
SOFRI đã có nhiều nghiên cứu về gốc ghép chống chịu điều kiện bất lợi với môi trường chuyển giao cho các địa phương ứng dụng vào thực tiễn. Ảnh: MS.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), vấn đề hàng đầu hiện nay được Viện quan tâm thực hiện là việc đẩy mạnh hoạt động lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường, tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. SOFRI đã có nhiều nghiên cứu về gốc ghép chống chịu điều kiện bất lợi với môi trường được ứng dụng vào thực tiễn như:  xoài, cam, bưởi, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm và hạt lai của các giống rau. Ưu tiên định hướng nghiên cứu lai tạo giống chất lượng cao; chống chịu sâu bệnh; bảo quản và vận chuyển tốt; phù hợp với chế biến.

Trong thời gian 2005 - 2020, SOFRI đã tuyển chọn và lai tạo thành công được 36 dòng/giống gốc ghép như: 13 giống/dòng chịu mặn (8 dòng/giống và con lai cây có múi; 5 giống xoài); 1 tổ hợp gốc ghép/giống ghép chịu phèn cho cây có múi; 1 tổ hợp gốc ghép/giống ghép chịu hạn cho cây có múi; 13 giống gốc ghép chống chịu ngập (2 giống xoài; 5 giống bưởi), 4 giống gốc ghép cây có múi chống chịu bệnh thối rễ, 4 giống gốc ghép chống chịu với nấm Phytophthora sầu riêng...

Những năm qua, SOFRI đã và đang nghiên cứu và chuyển giao thành công những giống cây ăn quả vượt trội về năng suất, chất lượng, góp phần phát triển ngành cây ăn quả khu vực ĐBSCL. Ảnh: MS.
Những năm qua, SOFRI đã và đang nghiên cứu và chuyển giao thành công những giống cây ăn quả vượt trội về năng suất, chất lượng, góp phần phát triển ngành cây ăn quả khu vực ĐBSCL. Ảnh: MS.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, xu hướng hiện nay là khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với tính chống chịu những điều kiện bất lợi của môi trường như: mặn, hạn, ngập úng, lạnh, sâu bệnh,.. đồng thời gốc ghép có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng, năng suất và phẩm chất quả cũng như tuổi thọ của mắt ghép cây thương phẩm.

Cùng với những nghiên cứu về gốc ghép, những năm qua, SOFRI đã và đang nghiên cứu và chuyển giao thành công những giống cây ăn quả vượt trội về năng suất, chất lượng, góp phần phát triển ngành cây ăn quả khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.

Theo đó, SOFRI còn thực hiện nghiên cứu, xây dựng trên 50 quy trình công nghệ trong sản xuất giống, canh tác, quản lí dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả; đồng thời phát triển nhiều sản phẩm công nghệ tiêu biểu phục vụ sản xuất cây ăn quả cho nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL. Thông qua hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Viện đã chuyển giao các giống mới cho các tỉnh phía Nam sản xuất với quy mô trên 45.000 ha, cùng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến quy mô trên 60.000 ha.

SOFRI đã nghiên cứu, xây dựng nhiều quy trình công nghệ trong sản xuất giống, canh tác, quản lí dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả để chuyển giao cho người nông dân ứng dụng vào canh tác hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.
SOFRI đã nghiên cứu, xây dựng nhiều quy trình công nghệ trong sản xuất giống, canh tác, quản lí dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả để chuyển giao cho người nông dân ứng dụng vào canh tác hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Đồng thời, Viện đã tuyển chọn và được công nhận hơn 68 cây đầu dòng cây ăn quả các loại để cung cấp cho các địa phương nhân thành các vườn cây đầu dòng phục vụ sản xuất giống. “Đưa giống mới vào sản xuất là một trong những định hướng của Viện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương. Có thể khẳng định những năm gần đây, việc đưa giống cây ăn quả mới vào sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nâng cao thu nhập của người nông dân” TS. Yến chia sẻ. 

Liên kết nông dân sản xuất trái cây VietGAP

Theo Viện SOFRI, trong các mặt hàng cây ăn quả chủ lực ở ĐBSCL, bưởi và cam sành là hai loại cây ăn quả có quy mô sản xuất lớn tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Hiện nay nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước về các sản phẩm cây ăn quả nói chung, cam bưởi nói riêng, đặt ra yêu cầu cao đối với nhà sản xuất về chất lượng và an toàn thực phẩm. Xuất phát từ thực tiễn trên, Viện SOFRI đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất bưởi và cam sành theo VietGAP tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhiều mô hình sản xuất bưởi và cam sành đạt chứng nhận VietGAP, do Viện SOFRI đã xây dựng thành công và chuyển giao cho các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Trần Trung.
Nhiều mô hình sản xuất bưởi và cam sành đạt chứng nhận VietGAP, do Viện SOFRI đã xây dựng thành công và chuyển giao cho các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, Viện SOFRI đã xây dựng thành công 4 mô hình sản xuất bưởi và cam sành đạt chứng nhận VietGAP, gồm: Tổ hợp tác bưởi da xanh Nhơn Thạnh; Tổ hợp tác cam sành Tân Phú Tây ;Tổ hợp tác bưởi, cam sành Mỹ Lương; Tổ hợp tác bưởi Mỹ Đức Tây với tổng diện tích canh tác 60 ha. Dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất bưởi và cam sành, cụ thể sản xuất bưởi theo VietGAP ở 2 tổ hợp tác bưởi da xanh Nhơn Thạnh và bưởi Mỹ Đức Tây có doanh thu cao hơn sản xuất truyền thống 294,3 triệu đồng/ha/năm (tương đương 36,9%) và 2 tổ hợp tác cam sành có doanh thu cao hơn sản xuất truyền thống 143,60 triệu đồng/ha/năm (tương đương 64,83%).

Song song đó, dự án đã xây dựng và chuyển giao cho hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre sổ tay chất lượng và cam sành tươi cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu; sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long ...

Viện SOFRI đã nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật canh tác (kỹ thuật tỉa cành tạo tán, tưới nước, bón phân và quản lý sâu bệnh gây hại) để nâng cao năng suất và chất lượng trái cây giúp nông dân canh tác đạt hiệu quả cao. Ảnh: MS.
Viện SOFRI đã nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật canh tác (kỹ thuật tỉa cành tạo tán, tưới nước, bón phân và quản lý sâu bệnh gây hại) để nâng cao năng suất và chất lượng trái cây giúp nông dân canh tác đạt hiệu quả cao. Ảnh: MS.

“Ngoài những kết quả đạt được theo kế hoạch và nội dung được phê duyệt, dự án còn có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, kinh tế và xã hội. Cụ thể, dự án đã tổng hợp được 11 quy trình kỹ thuật (quản lý tổng hợp bệnh thối rễ cây có múi; quản lý tổng hợp bệnh vàng lá Greening; quản lý tổng hợp sâu bệnh hại CCM theo tiêu chuẩn VietGAP; giám định nhanh bệnh vàng lá Greening trên cây có múi bằng phép thử nhuộm màu iod...) áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Qua đó, đã giúp giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh hại, giảm lượng phân bón hóa học, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước trong vùng sản xuất...”, TS Lê Quốc Điền - Giám đốc Trung tâm chuyển giao KHKT Viện SOFRI chia sẻ .

Trước thành công và hiệu quả của các mô hình mẫu, nhiều cán bộ nông nghiệp ở các vùng lân cận và nông dân xung quanh vùng dự án đã chủ động tổ chức đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để mở rộng sản xuất. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới SOFRI sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn, chọn tạo các loại gốc ghép phù hợp theo tiêu chí chống nhóm bệnh lây lan qua đất và điều kiện bất thuận. Nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật canh tác (kỹ thuật tỉa cành tạo tán, tưới nước, bón phân và quản lý sâu bệnh gây hại) để nâng cao năng suất và chất lượng trái.

Viện cũng sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Viện sẽ hoàn thiện quy trình bảo quản nhằm kéo dài thời gian bảo quản cho một số loại trái cây phục vụ cho xuất khẩu tươi và đa dạng hóa sản phẩm chế biến.

TS.Trần Thị Oanh Yến khẳng định: “Các giống lai tạo mới có nhiều ưu điểm về năng suất, sản lượng và chất lượng. Việc thanh lọc mặn các nguồn gen đang có trong tự nhiên để tìm ra được những giống/dòng có khả năng chịu với điều kiện bất lợi của môi trường để làm gốc ghép cho các giống cây thương phẩm được xem là những giải pháp khả thi nhất”.


 

Tác giả bài viết: TRẦN TRUNG - MINH SÁNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,846,215
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,956
  • Tháng hiện tại61,824
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây