Nhân rộng mô hình nông nghiệp đô thị

Thứ sáu - 27/12/2019 23:36   597
Cuối tuần qua, Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 3 năm 2011 do Trung tâm KN Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức, với chuyên đề “Những mô hình nông nghiệp đô thị có hiệu quả” đã diễn ra tại Vĩnh Long.
Nhân rộng mô hình nông nghiệp đô thị

THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Việt Nam là nước có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn (ước trên 70%), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nông nghiệp đô thị hiện nay chưa định hình, chưa có định hướng theo kế hoạch cụ thể, còn tự phát và thay đổi tạm thời theo cơ chế thị trường. Nhìn chung, trình độ phát triển nông nghiệp đô thị còn lạc hậu, manh mún, chủ yếu canh tác theo tập quán. Do vậy, vai trò của nông nghiệp đô thị ngày càng quan trọng trước diễn biến của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hơn nữa, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nông nghiệp đô thị đang bị thu hẹp dần nhưng nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm ngày càng tăng với số lượng lớn, vành đai xanh sản xuất nông nghiệp phải được thiết lập để phục vụ đô thị. Thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị đang có xu hướng bị thu hẹp do sự cạnh tranh sử dụng đất để xây nhà hay nhiều mục đích khác.

Điển hình tại một thành phố lớn như TP.HCM có 116.000 ha đất nông nghiệp, nhưng trong đó đất sản xuất còn khoảng gần 78.000 ha và riêng đất trồng lúa chỉ còn gần 42.000 ha, tập trung ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Chính vì tốc độ đô thị hóa tác động mạnh khiến diện tích đất nông nghiệp ở các quận huyện ngoại thành này đang bị giảm rất nhanh, bình quân khoảng 1.400 ha/năm. Đặc biệt, khi các công trình giao thông công cộng đang ngày càng “phình” rộng ra càng làm cho quỹ đất nông nghiệp teo tóp mạnh.

Theo ông Trần Viết Mỹ, GĐ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, trước thực trạng quỹ đất nông nghiệp hàng năm đang giảm mạnh, cần phải xây dựng được những mô hình nông nghiệp đô thị mang tính “đột phá” đặc trưng để giúp cho giá trị sản xuất nông nghiệp tăng và sản phẩm nông sản xuất khẩu hiệu quả. Hiện người dân TP đang chuyển dần những diện tích trồng lúa sang trồng rau màu, vừa rút ngắn được thời gian thu họach lại dễ làm hơn. Hay ở lĩnh vực phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh cũng đang là một nét đặc trưng riêng biệt và đóng góp rất mạnh cho việc phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM.

Ông Phan Nhật Ái, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, vài năm trở lại đây chương trình khuyến nông đô thị đã bắt đầu được triển khai thực hiện ở TP Vĩnh Long. Hiện nay, một số hộ trong thành phố đã và đang áp dụng trồng rau theo phương pháp thủy canh, trồng rau mầm, trồng nấm ăn, trồng hoa trong chậu, bồn, trên giàn, trong nhà lưới hay nuôi lươn, ếch, nuôi trùn quế, giun đất, côn trùng làm mồi nuôi chim, nuôi cá kiểng… nhằm bổ sung thực phẩm cho bữa ăn và cải thiện cuộc sống gia đình.

Đó chính là những dạng hình của nền nông nghiệp đô thị, tạo ra nhiều kinh nghiệm hướng nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và hướng đến một nghề mới-nghề nông giữa thành phố.

29052011174536

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, để phát triển nông nghiệp đô thị và ven đô thị, các địa phương cần phải có những chính sách và kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, vai trò cơ quan khuyến nông là rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp đô thị nhằm chuyển giao KHKT và đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. Do vậy, cơ quan khuyến nông cần đẩy mạnh dịch vụ cung cấp cho tất cả những nhu cầu phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị.

HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ CÔNG NGHỆ CAO

Theo các chuyên gia nghiên cứu, xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao là một định hướng phù hợp và tất yếu của nền nông nghiệp đô thị. Bên cạnh nguồn lực hiện có của địa phương, thành phố nên xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng mô hình NNCNC nhằm đưa sản xuất nông nghiệp đô thị của thành phố ngang tầm với tiềm năng và vị thế của nó. Ưu điểm của nông nghiệp đô thị là diện tích sản xuất nhỏ, phù hợp với điều kiện ở thành phố; đồng thời các sản phẩm sản xuất ra không chỉ có giá trị cao (như hoa lan, cây cảnh, cá cảnh…) mà còn góp phần tạo mỹ quan, mảng xanh đô thị, cải thiện môi trường sinh thái và sựu thân thiện giữa thiên nhiên với con người.
Hiện nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có những mô hình nông nghiệp đô thị phát triển rất hiệu quả như mô hình trồng hoa lan ở TP.HCM; mô hình kinh doanh hoa đào Nhật Tân; mô hình nuôi thủy sản tập trung an toàn tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội; các mô hình nhà nông làm vườn kết hợp du lịch tại xã An Bình, huyện Long Hồ, mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Long Hồ, mô hình CLB trồng hoa lan ở phường 9, mô hình trồng cam sành ở xã Tân Hòa thuộc TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long…

Tuy nhiên, TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, đối với phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái ở nhiều đô thị vẫn chưa có quy hoạch, khiến mạnh ai lấy trồng, chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm an toàn. Hơn nữa, việc sản xuất an toàn cũng chưa được chú trọng, đặc biệt đối với các loại rau, hoa.

Tác giả bài viết: MINH SÁNG

Nguồn tin: Báo NNVN, ngày 30/05/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,851,638
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,607
  • Tháng hiện tại67,247
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây