Ngành nông nghiệp "tất niên" sớm!

Thứ bảy - 28/12/2019 10:45   598

Tổng kết năm 2011, triển khai kế hoạch 2012
Sản lượng lúa đạt kỷ lục
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, ngành NN-PTNT triển khai kế hoạch năm 2011 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng toàn ngành đã tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nghiêm túc thực hiện các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, nông nghiệp và nông thôn tiếp tục có những bước phát triển khá toàn diện. Đời sống nông dân ngày càng được cải thiện.

Những kết quả đạt được của ngành trong năm qua được thể hiện qua các số liệu thuyết phục của Tổng cục Thống kê: giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp tăng 4,78%, lâm nghiệp tăng 5,74%, thủy sản tăng 6,39%. Tốc độ tăng trưởng của ngành (GDP nông nghiệp) tăng 2,3%.

Trong tất cả các kết quả trên, nổi bật hơn cả là tổng sản lượng lúa với 42,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 2,2 triệu tấn so với cùng kỳ, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Cũng từ đây, sản lượng gạo XK đạt đến 7,2 triệu tấn, thu về cho đất nước nguồn ngoại tệ 3,7 tỷ USD. “Ngoài ra, sản lượng ngô, khoai lang, sắn và rau xanh cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ. Đây chính là kết quả của việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, thời vụ và phòng trừ hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng”, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho hay.

Đóng góp lớn vào thành tích của ngành nông nghiệp là lĩnh vực XK. Năm qua, hầu hết các mặt hàng XK nông lâm thủy sản của Việt Nam đều đạt sản lượng lớn và mức giá cao, tạo nên “thắng lợi kép” được mùa, được giá của ngành. Ước cả năm, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt gần 25 tỷ USD, tăng 29% (khoảng 5 tỷ USD) so với năm 2010. Thặng dư thương mại của toàn ngành đạt trên 9,2 tỷ USD, góp phần lớn vào việc hạn chế nhập siêu của cả nước. Có 4 mặt hàng là thủy sản, đồ gỗ, gạo và cao su đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD, cà phê có kim ngạch trên 2 tỷ USD và hạt điều trên 1 tỷ USD.

Ngoài những thành tựu về sản xuất, XK, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cao, hiện đại hóa. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, đặc biệt là các công trình cấp bách, trọng điểm. Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai các giải pháp thủy lợi, vận hành hiệu quả toàn bộ hệ thống. “Song song với đó, các cơ sở nghiên cứu và sản xuất cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản cũng được ưu tiên hiện đại hóa trang thiết bị và vật chất. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã ứng dụng được công nghệ cao vào sản xuất, lai tạo những giống cây, con có chất lượng, năng suất cao và khả năng chống chịu dịch bệnh tốt”, Thứ trưởng Tần thông tin. 

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2012, Bộ NN-PTNT xác định nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, tiếp tục hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và XK. “Tập trung đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất, bao gồm cả công nghệ cao, các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là những ưu tiên của ngành trong năm tới”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Không thỏa mãn với những thành tích đạt được, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dù đạt được những kết quả khá ấn tượng, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đang chậm lại. “Chúng ta làm số lượng ngày càng nhiều, nhưng giá trị gia tăng chưa cao, nghĩa là làm nhiều nhưng được ít tiền. Đây là thách thức của ngành trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, để tạo ra giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao, việc cần làm ngay là tái cơ cấu ngành. Định hướng của việc này là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam sẽ hướng tới trở thành một cường quốc XK nông sản với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành từ 2,6-3%/năm.

“Một trong những biện pháp trước mắt là tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường ổn định như nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra, tôm, nhuyễn thể..., chăn nuôi gia cầm, lợn và bò sữa. Ngoài ra, đối với ngành trồng trọt, cần tập trung tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng theo lợi thế vùng miền. Trong lâm nghiệp ưu tiên phát triển rừng kinh tế và các dịch vụ môi trường rừng…”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Về các giải pháp tái cơ cấu ngành, theo nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị, cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực. Cụ thể là ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản để phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện rà soát, phân loại các dự án đầu tư để điều chỉnh vốn. Theo Bộ trưởng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư không phải là chia lại ngân sách nhà nước, mà ưu tiên hơn cho khối tư nhân, hợp tác công tư (PPP), trong đó phân công rõ vai trò của Nhà nước, tư nhân để hợp tác.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư, đổi mới DNNN và phát triển các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển.

Thủy sản, đồ gỗ đạt kim ngạch XK “khủng”

Năm 2011, giá cả hàng nông lâm thủy sản trên thị trường thế giới tăng mạnh. Đồng thời, sản xuất trong nước được mùa nên nguồn hàng phục vụ XK dồi dào. 4 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD là thủy sản, lúa gạo, đồ gỗ và cao su. Trong đó, thủy sản đạt kim ngạch tới 6,1 tỷ USD, đồ gỗ 4,1 tỷ USD...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năm qua dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu. Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của Bộ NN-PTNT và các địa phương trong việc khuyến khích, thúc đẩy nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, là động lực quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Phó Thủ tướng đề nghị, ngành cần tập trung đầu tư cho nhóm sản phẩm chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao; cần lưu ý, nghiên cứu thị trường XK nông sản có tiềm năng rất lớn là Trung Quốc. “Trong năm 2012, ngành cần tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong đó tăng sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản; dự báo giá cả thị trường các sản phẩm XK chủ lực và tiềm năng của các sản phẩm phục vụ XK”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần kết hợp đầu tư công và thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào lĩnh vực phát triển của ngành; xây dựng kế hoạch, phương hướng phát triển trên cơ sở có tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần thống kê những chỉ tiêu về năng suất, hiệu quả cụ thể của từng cây, con trong từng vùng, và thu nhập của người dân tại địa phương đó, để có đánh giá, tìm ra cách làm mang lại hiệu quả nhất. Trong tái cơ cấu ngành, cần lựa chọn và tập trung ưu tiên cho các nhóm sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao...

Các nhóm giải pháp phát triển ngành bền vững

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên nhân quan trọng để ngành nông nghiệp đạt được những kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và đúng đắn của Bộ và các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết tâm của bà con nông dân. Để duy trì và phát triển bền vững trong năm 2012, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

- Rà soát để điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tập trung phát triển các loại cây con, lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao. Bài học suốt 20 năm qua của ngành cho thấy, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thế mạnh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Để thực hiện được chủ trương tái cơ cấu, trước hết phải tìm cách điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư. Trước mắt, cần phát huy nhanh hơn đầu tư công. Về lâu dài phải huy động các nguồn lực đa dạng tập trung vào lĩnh vực trọng tâm.

- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đổi mới DNNN, đặc biệt là 15 tập đoàn, TCty thuộc Bộ. Với các DN thành viên là khoảng 500 đơn vị, đã cơ bản hoàn thành CPH. Còn lại số ít cần được thực hiện triệt để. Ngoài ra, phải sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh. Đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

- Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, tập trung chăn nuôi quy mô hộ gia đình theo mô hình bán công nghiệp, đi kèm với công tác quản lý dịch bệnh. Đây cũng là nội dung điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất.

- Tăng cường các liên kết sản xuất, chế biến, liên kết theo chuỗi, mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp có xác nhận, kết hợp với tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

- Triển khai tốt đề án đào tạo nghề cho nông dân.

 

Bà Phan Thị Yến Nhi, GĐ Sở NN-PTNT An Giang: “Thu hút đầu tư mạnh vào nông nghiệp”

Hiện An Giang đang xác định nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bằng cách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều DN trong và ngoài tỉnh đã xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo và dây chuyền chế biến các sản phẩm nông sản để chủ động thu mua của nông dân. Tuy nhiên, tỉnh An Giang đang rất lúng túng trong cơ chế ưu đãi cho các DN này. Chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT và các ban, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh để nhanh chóng có giải pháp thích hợp.

Ông Nguyễn Hữu Dương, GĐ Sở NN-PTNT Hải Dương:  “Cần làm sạch môi trường trong sản xuất nông nghiệp”

Tỉnh Hải Dương có khoảng 73 nghìn ha đất nông nghiệp, nhưng thống kê của chúng tôi cho thấy, mỗi năm có tới 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật rải rác khắp các cánh đồng. Đây là số lượng rất lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe nông dân. Thêm nữa, 10 nghìn ha trong số diện tích đất nông nghiệp của chúng tôi cũng “được” tưới tiêu bằng nguồn nước không sạch do các KCN, khu dân cư thải ra. Hải Dương là vựa rau của miền Bắc, nhưng chúng tôi cũng rất không hài lòng với quy trình trồng rau của bà con nông dân, có nơi 3 ngày phun thuốc trừ sâu cho rau 1 lần. Do đó, chúng tôi đề nghị, cần sớm có biện pháp làm sạch môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện KH Nông nghiệp VN: “Tạo được liên kết trong sản xuất”

Theo đánh giá của tôi, hiện nay giữa nhà khoa học và nông dân đã rất gần nhau thông qua chính sách liên kết “4 nhà” và đã tạo ra được mối liên kết hữu cơ. Tuy nhiên, lợi ích của các nhà phải được chia sẻ. Hiện nay, lợi ích đó đang được mua đứt, bán đoạn, thành thử không tạo thành liên kết. DN chỉ quan tâm mua các sản phẩm khi có thị trường còn người ta không quan tâm đến việc đặt hàng nông dân những sản phẩm mà họ cần mua. Khi người ta đặt hàng đúng những sản phẩm thị trường yêu cầu, cho nông dân là một bộ phận cấu thành của người ta thì nhà khoa học mới có vai trò để giúp nông dân sản xuất những sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu thị trường.

Để sản xuất phát triển phải có 3 yếu tố quan trọng là vốn, thị trường, khoa học. Nhà nước không thể bỏ vốn được mà phải thông qua DN. DN thay mặt nông dân xác định thị trường, thị trường có yêu cầu gì, sản phẩm yêu cầu chất lượng ra sao, qui mô, số lượng, thời điểm như thế nào thì đặt hàng trở lại với nông dân sản xuất loại sản phẩm đó.

“Đầu năm chống rét, giữa năm chống hạn, lại gặp lũ lớn ở miền Trung và ĐBSCL, nhưng nông nghiệp vẫn đạt những thành tích nổi bật, được Đảng, Chính phủ ghi nhận”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định trong cuộc họp tổng kết ngành năm 2011 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2012, tổ chức ngày 24 và 25/12, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và chỉ đạo hội nghị.

Tác giả bài viết: VĂN NGUYỄN

Nguồn tin: NNVN -Thứ Hai, 26/12/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,850,172
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,141
  • Tháng hiện tại65,781
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây