Mùa thanh long... ngạt thở

Thứ bảy - 28/12/2019 10:53   629
Chưa khi nào người dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) lại phải chịu cảnh sống chung với…mùi phân gà hôi thối từ các khu vườn trồng thanh long như hiện nay. Nhất là sau những ngày trời mưa, mùi phân gà ẩm mốc bốc lên lan tỏa khắp vùng khiến người dân địa phương này đang khốn khổ vì ô nhiễm.

Về vùng trồng chuyên canh thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) thời điểm gần Tết này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân than vãn về tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng từ chính những khu vườn thanh long.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lập, người dân xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo bày tỏ bức xúc: “Ở vùng này, nhà nhà đua nhau sử dụng nguồn phân gà tươi đổ xuống vườn thanh long gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhất là sau những ngày trời mưa, mùi phân gà hôi thối càng lan tỏa khắp nơi, ruồi bọ phát sinh mạnh thật kinh hãi...”. 

Theo ông Lập, do các nhà vườn trong huyện  sử dụng nhiều loại phân tươi (chưa qua xử lý ủ), nhiều nhất là phân gà để bón cho vườn thanh long khiến môi trường ô nhiễm. Trong địa phương cũng đã có những trường hợp bị bệnh hô hấp, viêm nhiễm. Có hộ dân không chịu nổi mùi phân gà vào mùa dưỡng thanh long đành phải đi sơ tán sang nhà người quen ở tạm. Những năm trước tình trạng mùi hôi ô nhiễm còn ít, nhưng năm nay, hầu như nhà vườn nào cũng bón phân gà.  

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lập, nếu các nhà vườn bón phân theo kiểu này trong thời gian dài thì môi trường nơi đây sẽ ngày càng ô nhiễm trầm trọng, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Để giúp thương hiệu trái thanh long Chợ Gạo ổn định bền vững, môi trường đảm bảo, ngành nông nghiệp địa phương nên hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng phân bón đúng quy cách.

Ông Nguyễn Văn Sinh, nông dân chuyên làm mướn ở huyện Chợ Gạo cho hay, các nhà vườn đặt mua nguồn phân gà từ các tỉnh khác, có cả phân khô lẫn phân tươi đóng bao đưa về bón cho thanh long. Có hộ còn thuê vác bao phân gà tươi ra vườn rải trực tiếp vào gốc thanh long mà chẳng cần phải qua khâu xử lý ủ rồi mới bón.

Thực tế trên nhiều đoạn đường quanh các khu vườn trồng thanh long, những bao phân gà chất đống, mỗi khi đi ngang qua vườn thanh long vừa đổ phân gà xuống bốc mùi hôi nồng nặc đến nghẹt thở. Vườn thanh long của gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên, ấp Quang Thọ, xã Quơn Long rộng 2.500 m2 (khoảng 300 trụ) lúc này đang tập trung xông đèn vụ nghịch cho mùa tết. Anh Nguyên tâm sự: “Cứ sau mỗi mùa vụ thu hoạch xong bà con nhà vườn thường dùng phân gà rải trực tiếp xuống gốc dưỡng cho cây thanh long “tỉnh” lại để tiếp tục xông đèn trái vụ…”. 

ÔNG NGUYỄN MINH CHÂU, VIỆN TRƯỞNG VIỆN CÂY ĂN QUẢ MIỀN NAM (SOFRI):

“Để cho cây thanh long phát triển tốt, năng suất cao, hiện nay nhà vườn thường sử dụng phổ biến phân gia cầm bón vào gốc thanh long. Trên thực tế, việc dùng phân hữu cơ bón cho cây thanh long là phù hợp, nhưng cần phải thực hiện đúng quy trình ủ và chăm bón hợp vệ sinh. Các ngành chức năng địa phương cần tăng cường kiểm tra đôn đốc nhắc nhở nhà vườn, tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý ủ phân tránh gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường”.

Theo anh Nguyên, sử dụng phân gà bón cho thanh long rất hợp, nhưng lẽ ra khi mua phân về phải đem ủ xử lý đúng quy trình thì ở đây có nhiều hộ cứ đổ thẳng vào gốc thanh long khiến mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Do vậy, thời gian gần đây ở vùng chuyên canh trồng thanh long Chợ Gạo xuất hiện ruồi nhặng bay vào nhà dân. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới các loại bệnh truyền nhiễm.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo cho biết: “HTX hiện có 24 ha thanh long đang trồng theo quy trình VietGAP, hầu hết các xã viên đều được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch thanh long nên không có tình trạng sử dụng phân bón bừa bãi mất an toàn vệ sinh. Thực trạng ô nhiễm môi trường chủ yếu xuất phát từ các khu vườn của người dân nằm ngoài diện tích canh tác và quản lý của HTX”.

Theo ông Ửng, ngành chức năng của đia phương cần tăng cường kiểm tra nhắc nhở các nhà vườn tuân thủ đúng các quy trình xử lý phân bón để tránh gây ô nhiễm môi trường, nhất là ảnh hưởng đến thương hiệu thanh long Chợ Gạo và sức khỏe người dân trong vùng.

Tác giả bài viết: MINH SÁNG

Nguồn tin: NNVN - Thứ Năm, 22/12/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,850,217
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay1,186
  • Tháng hiện tại65,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây