Hoa quả Việt muốn “chinh phục” thế giới thì phải sạch

Thứ sáu - 29/03/2019 10:49   656
(TBKTSG Online) - Để trái cây Việt Nam "chinh phục" tốt hơn thị trường xuất khẩu, thì bên cạnh việc đàm phán mở cửa thị trường, sản xuất theo quy trình sạch, không lạm dụng phân thuốc hóa học là một đòi hỏi tất yếu...

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo khoa học “Sản xuất cây ăn quả bền vững” được tổ chức vào hôm nay, 28-3, tại tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để gia tăng xuất khẩu trái cây, bắt buộc Việt Nam phải đàm phán mở cửa thị trường.

Theo đó, ông Thiệt cho biết, đối với những thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, thậm chí ngay cả Trung Quốc, hiện muốn gia tăng xuất khẩu bắt buộc phải nộp hồ sơ mở cửa thị trường, trong đó, nội dung quan trọng cần phải làm là phân tích nguy cơ dịch hại. “Việc này đòi hỏi phải họp song phương rất nhiều lần và để một hồ sơ được thị trường chấp nhận mở cửa cho trái cây Việt Nam sang, thì mất thời gian rất lâu, từ 3-15 năm”, ông Thiệt cho biết.

Ngoài hàng rào về kiểm dịch thực vật như trên, theo ông Thiệt, một số nước còn thiết lập hàng rào an toàn thực phẩm, trong đó, nhấn mạnh đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Nhìn chung, hiện nay các nước có quy định về mức dư lượng tối đa cho phép dựa vào mức quy định của Codex (Tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế- PV), nhưng thực tế họ thường quy định thấp hơn mức của Codex để tạo rào cản cho hàng hóa khó nhập khẩu cũng như để bảo hộ hàng hóa trong nước của họ”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thiệt, trước khi mở cửa thị trường, cho phép Việt Nam xuất khẩu vào, thì nước nhập khẩu yêu cầu Việt Nam phải thiết lập vùng trồng (diện tích tối thiểu 10 héc ta) và vùng trồng đó phải được cấp mã số.

Báo cáo của Cục bảo bệ thực vật cho thấy, đối với các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan…, thì tính đến hết năm 2018, thanh long được cấp 210 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 4.000 héc ta; chôm chôm được cấp 34 mã số với diện tích trên 349 héc ta; nhãn được cấp 61 mã số với diện tích 864 héc ta; xoài được cấp 84 mã số, có diện tích 1.679 héc ta...

Trong khi đó, riêng với thị trường Trung Quốc, tính đến hết năm 2018, thanh long được cấp 230 mã số vùng trồng với diện tích trên 45.500 héc ta; nhãn cấp 194 mã số với diện tích 9.920 héc ta; vải được cấp 165 mã số với trên 16.400 héc ta; dưa hấu có 157 mã số được cấp với diện tích trên 12.200 héc ta; chuối có 219 mã số với trên 20.800 héc ta; xoài, chôm chôm và mít lần lượt được cấp 131, 53 và 53 mã số vùng trồng với tổng diện tích 3 loại này đạt gần 40.000 héc ta.

Để được cấp mã số vùng trồng, theo ông Thiệt, vùng sản xuất của người nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tức khuyến khích nông dân sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học vào trong quá trình sản xuất, thay vì lạm dụng phân thuốc hóa học như cách làm truyền thống. “Vùng trồng phải áp dụng quy trình canh tác sạch, đặc biệt phải sử dụng phân thuốc đáp ứng theo quy định của thị trường nhập khẩu”, ông cho biết.

Ngoài việc phải được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm trước khi xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (tùy theo quy định của từng thị trường) tại những cơ sở/nhà máy được cấp mã số.

Tuy nhiên, đối với việc xuất sang thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…, thì chuyên gia kiểm dịch của họ sẽ  trực tiếp giám sát vùng trồng, giám sát nhà đóng gói và cơ sở xử lý chiếu xạ/xử lý hơi nước nóng. “Chính điều này làm chi phí trái cây xuất khẩu chúng ta cao”, ông nói.

Trước đó, tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, trong những năm gần đây, xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tục tăng trưởng, mà cụ thể, nếu năm 2008 chỉ mới xuất khẩu đạt 407 triệu đô la Mỹ, thì 10 năm sau đó, tức đến năm 2018 đạt 3,81 tỉ đô la Mỹ.

Mở rộng bệnh viện cây trồng                                                            

Thông tin tại hội thảo cho biết, hiện nay Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) đã có bệnh viện cây trồng Đồng bằng sông Cửu Long đang hoạt động tư vấn tại chỗ, tức tại Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Viện (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Tuy nhiên, thời gian tới, Sofri sẽ mở rộng bệnh viện cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin tại các điểm tư vấn của Tập đoàn Lộc Trời. Ngoài ra, việc mở rộng này cũng nhằm mục tiêu hình thành và kết nối một hệ thống người làm vườn giỏi để chia sẻ kinh nghiệm hay trong sản xuất.
Bệnh viện cây trồng được mở rộng xuống các điểm tư vấn của Tập đoàn Lộc Trời gọi là trạm bệnh xá cây trồng và nội dung hoạt động tại những nơi này, gồm triển khai các lớp tập huấn nhằm củng cố, cập nhật kiến thức, kỹ năng giám định những vấn đề canh tác và bảo vệ thực vật trên cây ăn quả cho lực lượng kỹ thuật; tổ chức các đợt tư vấn lưu động tại các vùng dịch.
Ngoài ra, sẽ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thông qua việc soạn thảo và phát hành các phát đồ/tài liệu tư vấn chuẩn cho một số trường hợp cụ thể; ứng dụng smartphone (điện thoại thông minh) trong việc giám định, tư vấn bệnh của Bệnh viện cây trồng...                                                                   Theo đó, mục tiêu của việc mở rộng này nhằm hỗ trợ giám định mẫu, tư vấn những vấn đề trong canh tác và bảo vệ thực vật trên cây ăn quả và chia sẻ thông tin mới cho nhà vườn; phản hồi kịp thời các khó khăn, vấn đề mới xuất hiện trong canh tác, bảo vệ thực vật của người làm vườn đến Viện, trường.

 

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,852,058
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,869
  • Tháng hiện tại67,667
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây