Mặt khác, việc đưa thanh long xâm nhập vào thị trường thế giới trong thời gian tới dự báo sẽ khó khăn hơn do các nước bắt đầu tăng cường công tác kiểm dịch thực vật. Theo TS. Hòa, muốn thanh long phát triển bền vững, cần tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và giống.
1. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, thanh long đã xâm nhập thành công khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ. Song, thực tế, thị phần thanh long ngoài thị trường Trung Quốc còn rất thấp, trong khi nhu cầu đối với trái cây này ở các thị trường trên còn rất cao.
Sở dĩ có tình trạng này là do các thị trường trên đòi hỏi chất lượng nông sản rất cao, kiểm dịch thực vật rất khắt khe trong khi phần lớn thanh long nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu này; khâu xử lý trước khi nhập khẩu nghiêm ngặt đẩy chi phí tăng cao. Cụ thể như xuất khẩu thanh long vào Hoa Kỳ phải qua khâu chiếu xạ; qua Nhật Bản phải xử lý nước nóng, còn xuất đi châu Âu yêu cầu trước tiên là trái thanh long phải đạt chứng nhận GlobalGAP…
Mặt khác, khâu tiếp thị, quảng bá yếu nên chưa khai thác hết được tiềm năng của những thị trường trên; nhiều thị trường trong số đó cách xa nước ta, chi phí vận chuyển cao, thời gian bảo quản không đảm bảo. Vì thế, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất thanh long đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của từng thị trường. Đây là con đường tất yếu.
Thời gian qua, các tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng trái thanh long qua việc tổ chức, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhưng diện tích còn quá nhỏ và không ổn định. Việc triển khai sản xuất theo hướng này cần được tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Các địa phương có cùng điều kiện và sản xuất cây trồng cần liên kết, phối hợp lại với nhau rà soát lại số lượng, xác định vùng trồng trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, dự báo thị trường. Từ đó, các địa phương mới có thể đề ra giải pháp hoặc đề xuất với Trung ương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ người trồng; có biện pháp hạn chế mở rộng diện tích tự phát, đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuyên hóa, nâng cao chất lượng trái; tăng cường khâu tiếp thị, quảng bá hình ảnh của trái thanh long.
2. Các doanh nghiệp kinh doanh trái cây ở Việt Nam hiện nay còn ít, nhỏ. Việc xuất khẩu thanh long chủ yếu qua đường tiểu ngạch vào Trung Quốc, theo hình thức giao hàng đến nơi rồi mới thỏa thuận giá. Như vậy, các doanh nghiệp không thể tự quyết định giá, thậm chí các doanh nghiệp này còn cạnh tranh, hạ giá để bán được hàng (bởi nếu không bán phải tốn chi phí chở về).
Hệ thống thu mua, cung ứng, tiêu thụ thanh long phần lớn do các tư thương đảm nhận theo phương thức mua đứt bán đoạn theo giá tự do trên thị trường. Thanh long từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, họ thường chọn ra một doanh nghiệp, một tổ chức nào đó làm đầu mối xuất khẩu, các doanh nghiệp khác làm vệ tinh. Việt Nam cũng cần có một doanh nghiệp lớn hay thành lập ra một tổ chức giống như Hiệp hội Lương thực, đứng ra làm đầu mối điều phối xuất khẩu, các doanh nghiệp khác làm vệ tinh. Có như thế, giá cả thanh long mới ổn định, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư khâu xử lý sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản đảm bảo vận chuyển thanh long xuất khẩu sang các thị trường xa; tăng cường khâu quảng bá, tiếp thị đưa thanh long xâm nhập sâu vào các thị trường đã mở, nhất là những thị trường khó tính.
3. Với diện tích thanh long phát triển ồ ạt thời gian qua, nguồn cung đã vượt xa so với nhu cầu trong nước. Số lượng trái thanh long có trọng lượng nhỏ, mẫu mã có nhiều khuyết tật không đạt yêu cầu xuất khẩu, không thể đưa ra thị trường hoặc được mua với giá rất thấp chiếm tỷ lệ không nhỏ. Làm thế nào để tiêu thụ những trái thanh long kém giá trị thương phẩm này? Giải quyết lượng thanh long “dạt” cần đa dạng hóa sản phẩm thông qua chế biến thanh long.
Hiện nay, một số doanh nghiệp xúc tiến và thành công trong việc chế biến thanh long thành rượu; sản xuất nước ép thanh long hay dùng thanh long để chế biến phẩm màu; cắt gọt đóng hộp xuất khẩu… Giải pháp này vừa giúp giải quyết được một lượng lớn thanh long “dạt” vừa tăng thu nhập cho nông dân.
4. Các loại giống thanh long hiện nay được trồng tràn lan nhiều nơi không theo cung - cầu của thị trường dẫn đến cung vượt cầu. Chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu lai tạo ra giống mới rồi chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức nào đó khai thác.
Giống mới này đăng ký bảo hộ bản quyền trong nước và thế giới. Doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển giao bản quyền giống được toàn quyền khai thác theo hướng của họ, cũng là đơn vị duy nhất được quyền tổ chức sản xuất, bán giống cây trồng và xuất khẩu trái cây sau này. Việc đăng ký bản quyền và thương mại hóa giống cây trồng rất phổ biến ở các nước phát triển và đóng vai trò quan trọng trong phát triển cây trồng trong tương lai.
Vừa qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã công bố bản quyền và thương mại hóa giống thanh long tím hồng. Một công ty ở Bình Thuận đã đăng ký mua bản quyền giống này. Sắp tới, viện hợp tác cùng tổ chức của New Zealand lai tạo giống mới và thương mại hóa chúng. Sau nhiều năm, giống thanh long mới được trồng nhiều, chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu lai tạo ra giống mới, rồi đăng ký bản quyền và thương mại hóa giống mới.
Tác giả bài viết: N. Văn
Nguồn tin: apbac