Chưa coi trọng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản: Mất sân chơi, bài học nhãn tiền

Thứ bảy - 28/12/2019 10:27   537
KTNT - Khi doanh nghiệp, người dân còn thờ ơ với bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa như hiện nay thì thời gian tới sẽ còn nhiều nhãn hiệu nông sản Việt Nam rơi vào tay các công ty nước ngoài như số phận của nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Chưa biết kinh doanh nhãn hiệu

Theo ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, để đăng ký thương hiệu cho hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), Hiệp hội phải mất 3 năm chuẩn bị thủ tục hồ sơ trước khi được công nhận vào năm 2007. Sau khi được công nhận thương hiệu, không chỉ các cơ sở sản xuất tiêu ở Chư Sê dùng thương hiệu này mà cả những cơ sở, doanh nghiệp không trồng tiêu ở Chư Sê cũng dùng để bán ra thị trường nhưng không trả một khoản phí nào cho Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, đơn vị sở hữu thương hiệu.

Trước thông tin nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị một công ty ở Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu sử dụng độc quyền tại Trung Quốc, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đình Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, Hiệp hội đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận hồ tiêu Chư Sê để đăng ký thương hiệu với Hiệp hội Hồ tiêu thế giới, tránh trường hợp thương hiệu hồ tiêu Chư Sê bị một công ty nước ngoài nào đó đăng ký. "Nếu không có gì thay đổi thì khoảng 1 tháng nữa chúng tôi sẽ nhận được giấy chứng nhận từ Cục Sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu hồ tiêu Chư Sê", ông Huấn nói.

Theo Văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, giải pháp hữu ích... là từ 9-12 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ.

Theo ông Tụng, dù hồ tiêu Chư Sê được đăng ký thương hiệu quốc gia từ năm 2007 nhưng đến nay có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu này mà không trả tiền bản quyền cho Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê.
 

Bỏ ngỏ việc đăng ký sở hữu

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, không phải người dân hay các viện, trường không muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, lý do là thủ tục đăng ký quá rườm rà, mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả thu về khi có bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ và không có là như nhau. Ông Châu hy vọng, từ bài học bị mất nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột sẽ là tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng giảm thiểu những thủ tục và có những hướng dẫn cụ thể để người dân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa dễ dàng hơn.

Chính vì việc đăng ký sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm nên Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam bị mất đi cơ hội thu về khoản tiền lớn khi bán bản quyền cho khách hàng nước ngoài. Cụ thể, sau khi công bố đề tài trồng ổi trong vườn cam để hạn chế bệnh vàng lá trên cây cam tại một hội thảo ở Nhật Bản vào năm 2006, ngay sau đó, một trường đại học ở Hoa Kỳ đã dựa trên ý tưởng này sản xuất một loại thuốc có chứa tinh dầu từ lá ổi để phòng bệnh vàng lá trên cam. Từ đây có thể thấy, đã đến lúc người dân, doanh nghiệp, ngành chức năng cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để có giải pháp phù hợp.

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,850,174
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,143
  • Tháng hiện tại65,783
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây