Theo đó, Bộ sẽ đẩy mạnh việc áp dụng VietGAP có chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện như: Sản xuất có quy mô tập trung hoặc nông dân liên kết lại; sản phẩm có thị trường. Cùng với đó, Bộ rà soát lại các quy định VietGAP đối với một số cây trồng đã ban hành để phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam, đồng thời hài hoà với quốc tế.
Hiện nay Ban Chỉ đạo VietGAP cũng đã giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các dự án nông nghiệp xây dựng lô-gô VietGAP, hình thức lựa chọn có thể thông qua tổ chức thi sáng tác lô-gô nhằm thống nhất sử dụng chung cho các sản phẩm được chứng nhận VietGAP. Việc xây dựng lô-gô VietGAP là phù hợp với xu hướng quốc tế và còn là để nhận diện sản phẩm được chứng nhận trên thị trường, nhất là với một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Cục Trồng trọt đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm trình Bộ ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, quả, chè búp tươi trong quá trình sản xuất, sơ chế. Ngoài ra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản xây dựng thông tư hướng dẫn kiểm tra, quản lý chất lượng nông sản tại các chợ đầu mối.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những mô hình ứng dụng GAP thành công cho đến nay không phải ít, có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có vai trò của doanh nghiệp hoặc nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thời gian tới sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực rau, quả tự tổ chức lại sản xuất, thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn./
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT