Nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu rau quả

Chủ nhật - 29/12/2019 21:30   431
Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, trong thời gian gần đây một số lô hàng, chủ yếu là rau thơm và một số loại quả trong nước xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) bị thông báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật do nhiễm vi sinh vật và một số dịch hại. Mặc dù, Cục bảo vệ thực vật đã công bố 15 mặt hàng rau quả tạm ngưng làm thủ tục xuất khẩu và có nguy cơ vi phạm cao, nhưng ngay trong 3 tháng đầu năm nay, vẫn có 3 lô hàng của Việt Nam xuất sang Anh bị trả lại do vi phạm quy định nêu trên. Đáng báo động hơn, theo cảnh báo của Tổng vụ sức khỏe người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu, trong vòng một năm (kể từ ngày 15/1/2012), nếu phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật thì sẽ bị cấm nhập khẩu rau quả của Việt Nam sang EU.

Theo cơ quan chức năng, số mẫu rau, quả nước ta xuất sang EU bị cảnh báo thường nhiễm bốn loại dịch hại chính: bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá quả và vi khuẩn gây bệnh sẹo trên cam quýt, các loại sinh vật, vi khuẩn này lại khá phổ biến trên rau và một số loại quả ở Việt Nam. Đây là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong việc kiểm soát dịch hại trong quá trình gieo trồng, chế biến, xuất khẩu. Xuất khẩu rau quả gần đây sang EU tuy số lượng không nhiều nhưng giá trị lại khá cao. EU là thị trường nhập khẩu rau quả giàu tiềm năng, song lại hết sức “khó tính”. Do ảnh hưởng của chính sách hạn chế nhập khẩu của EU, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU đầu năm nay giảm đáng kể. Và đương nhiên, nếu lệnh cấm được ban hành, thì không chỉ rau quả không xuất được sang EU mà uy tính của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, để tránh nguy cơ mất thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp cần cảnh giác cao với rau, quã nhiễm dịch hại thực vật. Bên cạnh việc chọn mua sản phẩmm tại các hợp tác xã đã có chứng nhận  VietGAP để có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm dịch. Đồng thời Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần phối hợp cơ quan quản lý ngành, địa phương tăng cường thông tin, kiểm tra tình hình vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật như tuyên truyền, phổ biến hình ảnh, triệu chứng nhận biết các loại dịch hại này trong quá trình sản xuất để doanh nghiệp và người nông dân chủ động phòng trừ cũng như có biện pháp siết chặt các doanh nghiệp mua hàng không rõ nguồn gốc để xuất khẩu. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp có quy trình trồng rau an toàn, đạt chứng nhận tiêu chuẩn.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng thị trường EU, mà nhiều thị thường nhập khẩu nông sản khác đều có xu hướng chú trọng tới chất lượng, cũng như tăng cường hàng rào kỹ thuật. Nếu nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ kiểu sản xuất  manh mún, chạy theo số lượng thì không chỉ EU, mà nhiều thị trường khác sẽ đóng của đối với hàng Việt Nam . Về lâu dài, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, Ngành hữu quan, doanh nghiệp và người nông dân trong việc thực thi hàng rào kỹ thuật, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả trên thị trường quốc tế

Nguồn tin: Nhân dân, ngày 11/4/2012

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,265,967
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay3,191
  • Tháng hiện tại76,901
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây