Mới có 5% đơn đăng ký bảo hộ với các giống cây ăn quả

Thứ bảy - 03/08/2019 11:18   581
Thông tin được nêu ra tại Hội thảo “Bảo hộ giống cây trồng đối với cây ăn quả khu vực phía Nam”, tổ chức tại tỉnh Tiền Giang ngày 1/8.

Hội thảo do Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) và Viện Cây trồng và Thực phẩm New Zealand tổ chức.

Theo Cục Trồng trọt, Việt Nam đã xây dựng hệ thống bảo hộ giống cây trồng quốc gia từ đầu năm 2000. Đến năm 2006 Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV) và từ khi trở thành thành viên thứ 63 của UPOV (24/12/2006), số đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam mới bắt đầu tăng đáng kể.

Tuy nhiên, các giống đăng ký bảo hộ ở Việt Nam mới chủ yếu là các cây lương thực như lúa, ngô chiếm tới gần 70% trong tổng số số đơn đăng ký bảo hộ. Còn đơn đăng ký bảo hộ đối với các giống cây ăn quả mới đạt trên dưới 5% trong tổng số đơn đăng ký.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, bảo hộ giống cây trồng hay bảo hộ quyền tác giả giống cây trồng là cơ chế bảo hộ quyền độc quyền cho các tổ chức/cá nhân đã bỏ công sức, tiền của để chọn tạo hoặc phát hiện, phát triển một giống cây trồng mới nào đó.

Chính vì nhờ cơ chế này tác giả giống cây trồng có cơ hội thu lại những chi phí cho việc tạo ra một giống mới để tái đầu tư cho việc chọn tạo một giống cây trồng khác tiếp theo.

Việc thực hiện bảo hộ giống cây trồng hiệu quả sẽ góp phần tạo ra nhiều giống cây trồng mới có các đặc tính tốt phục vụ sản xuất, nhờ đó tạo ra lợi ích cho cộng đồng.

"Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do mà việc đăng ký bảo hộ giống cây ăn quả mới vẫn còn rất hạn chế", ông Tùng cho biết.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, trong đó chủ lực là các loại trái thanh long, chanh leo, sầu riêng, xoài…

Tín hiệu vui trong xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019 khi lần đầu tiên đạt mốc 2 tỷ USD.

Theo Viện Sofi, từ năm 1995 đến nay đơn vị đã nghiên cứu lai tạo ra được 18 giống rau hoa quả mới (giống lai) được Bộ NN-PTNT công nhận và đã chuyển giao sản xuất.

Cụ thể như như giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) đang được nông dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Tây Ninh… trồng phổ biến nhờ năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng.

Hiện các mô hình thanh long ruột đỏ đã chuyển giao đang phát triển mạnh tại các địa phương lên tới cả chục ngàn ha.

Đồng thời, Viện cũng nghiên cứu lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 và thanh long ruột đỏ LĐ1 đã chuyển nhượng bản quyền giống cho các đơn vị chuyên canh thanh long ở tỉnh Bình Thuận và Long An. 

Trong thời gian tới Viện tiếp tục sẽ đưa ra sản xuất các giống cây ăn quả mới như chôm chôm, xoài, sầu riêng, nhãn, thanh long, chanh dây…

Nguồn tin: NNVN

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,846,202
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,956
  • Tháng hiện tại61,811
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây