Diện tích cây ăn trái bị thu hẹp
Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn quả (CĂQ) của tỉnh Nam bộ khoảng 466.428 ha. Chiếm 56% diện tích CĂQ của cả nước. Hằng năm diện tích CĂQ có xu hướng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh; CĂQ cạnh tranh không kịp những cây trồng khác như cao su, tiêu, cà phê,...
Hơn nữa nhiều vườn CĂQ bị nhiễm dịch hại nặng như bệnh vàng lá Greening, vàng lá thối rễ trên cây có múi trong nhiều năm không còn khả năng phòng trị; người nông dân không đủ nguồn vốn và kỹ thuật để đầu tư. Ngoài ra, do tác động của điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, nhiệt đô, ẩm độ,…) ngày càng khắc nghiệt khiến nhiều khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mục đích sử dụng đất sang các lĩnh vực khác.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Một thực tế khiến người nông dân lo lắng hơn là diện tích trồng CĂQ đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình quy hoạch sử dụng đất cho công nghiệp và đầu tư về hạ tầng giao thông tại nhiều địa phương.
Ở nước ta hiện chỉ có khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ và một số ít tỉnh phía Bắc có điều kiện phát triển đối với nhiều loại trái cây nhiệt đới và đã được quy hoạch sản xuất (SX) một số loại trái cây có thế mạnh. Nhìn chung quy mô SX, doanh nghiệp (DN) chế biến và hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp chủ yếu thông qua thương lái khiến cho hệ thống cung ứng trái cây của Việt Nam thiếu tính ổn định và ẩn chứa nhiều rủi ro”.
Hiện cơ cấu CĂQ giảm một cách đáng lo ngại: Nhãn từ 23% giảm xuống còn 13%; cam quýt do bị sâu bệnh đã giảm xuống còn 11% và một số cây ăn quả khác cũng có xu hướng giảm dần. Chỉ có một số CĂQ đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường như thanh long Bình Thuận, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, sầu riêng hạt lép (Chín Hóa, Monthong, Ri6) xoài cát Hòa Lộc… được người sản xuất quan tâm đầu tư nên diện tích, sản lượng tăng.
TS. Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất trong ngành trái cây VN là đến nay quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh CĂQ chưa rõ ràng, chính sách hỗ trợ cho vùng chuyên canh cũng chưa hoàn chỉnh. Quy mô SX nông hộ còn nhỏ lẻ, manh mún và trồng tạp nên không phù hợp cho SX hàng hóa do sản lượng ít, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Hy vọng việc quy hoạch vùng SX cây ăn trái chủ lực trồng tập trung sẽ giúp việc phát triền CĂQ ở các tỉnh phía Nam có nhiều chuyển biến.
Liên kết “4 nhà”
Theo Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, TS. Nguyễn Văn Hòa, đến nay một số địa phương SX CĂQ đã hình thành được chuỗi liên kết SX hàng hóa, tuy hiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và quy mô còn nhỏ lẻ. Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn về XK trái cây của VN. Nhiều DN đang mở rộng thị trường sang các nước khác, đây là hướng đi đúng nhưng cũng chưa nhiều.
TS. Hòa cho biết: “ Trong số các loại trái cây XK, thanh long vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, không chỉ riêng 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bình Thuận mà loại cây này còn phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Diện tích thanh long tăng đột biến trong thời gian gần đây cũng là khó khăn trong khâu quản lý sản xuất để phục vụ thị trường xuất khẩu”.
“ĐBSCL hình thành được nhiều HTX tổ chức SX, tiêu thụ trái cây hiệu quả. Mỗi HTX chỉ chọn một loại cây chủ lực và đầu tư xây dựng nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn. Thời gian qua, Viện CĂQ miền Nam đã tổ chức tư vấn cho các địa phương SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng quan trọng là phải SX rải vụ”, TS. Hòa nói. |
hhhÔng Huỳnh Văn Đấu, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN cho rằng: “5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả đều tăng trưởng, nếu các DNXK đoàn kết vượt khó thì Việt Nam có thể đạt 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm cho nông dân có ý thức sản xuất đảm bảo ATVSTP đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường”.
Nhiều đại biểu cho rằng, muốn ngành trái cây phát triển bền vững cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà”. Hiện nay các thành viên trong Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đã hình thành mô hình này, nhưng thực tế cho thấy nông dân vẫn chưa thực sự tinh tưởng vào DN và ngược lại.
TS. Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho rằng, bên cạnh những thành công đạt được, việc phát triển CĂQ vùng ĐBSCL cũng còn nhiều khó khăn, nhưng diện tích chuyên canh chưa cao, chất lượng không đồng đều, điệp khúc “được mùa rớt giá”; dịch bệnh trên cây ăn trái hoành hành… Do vậy, việc tổ chức liên kết “4 nhà” sẽ là điều kiện quan trọng giúp ngành trái cây đi vào chuỗi sản xuất tiêu thụ hiệu quả, bền vững.
Nguồn tin: NNVN