Chuyến đi không chỉ đạt chủ đích mà còn học ở người Nhật cách làm nông nghiệp giỏi gắn kết với du lịch sinh thái. Quả là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Tối chủ nhật (12-2), gần 12 giờ đêm, chúng tôi lên máy bay của hãng JAL đi Nhật. Sáng hôm sau, thứ hai (13-2), 7 giờ địa phương, đoàn tới phi trường Nirata (lúc này mới 5 giờ sáng ở Việt Nam).
Phi trường này thuộc tỉnh Chiba, cách thủ đô Tokyo gần 1 giờ đi bằng xe. Nhiệt độ ngoài trời lúc này là 60C, tuy vậy, anh em trong đoàn không cảm thấy lạnh lắm do mặc đủ áo ấm.
Đón chúng tôi tại phi trường có anh Yuasa là chuyên gia JICA làm việc ở Viện Cây ăn quả miền Nam và chị Hảo người Nhật gốc Việt làm phiên dịch. Tất cả hành lý của 19 người được đưa lên một xe tải nhỏ để đưa đến trước chỗ cả đoàn sẽ ở tối nay là khách sạn Associa Shizouka thuộc thành phố Shizouka cách phi trường Nirata gần 200 km.
Sau đó, anh Yuasa hướng dẫn chúng tôi đổi tiền tại phi trường, tỷ giá là 75 yen/1 đôla (lần tôi sang năm 2004 đổi được 100 yen/1đô la). Sau đó, anh Yuasa mời đoàn lên xe khách 50 chỗ để đi Tokyo ghé thăm Văn phòng JICA vào buổi chiều.
Trên đường đi về Tokyo, phía bên trái xe, theo thuyết minh của chị Hảo là vịnh Tokyo, rồi đi ngang qua Hoàng cung nơi Nhật Hoàng ở, tiếp đó xe chạy qua cây cầu dây văng nổi tiếng Rainbow, cuối cùng anh Yuasa cho xe dừng lại để đoàn viếng chùa Zojo-ji được xây từ năm 1393 ở bên cạnh tháp Tokyo. Ngay phía sau cổng chùa Zojo-ji, bên trái tôi thấy có tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, như vậy Phật giáo Nhật Bản thuộc hệ phái Phật giáo Trung Quốc như ở Việt Nam.
Đoàn ghé ăn trưa ở một quán cơm ngay trên đường đi, giá mỗi phần ăn trưa bình thường ở Nhật từ 360 - 750 yen, tức khoảng 5 - 10 đô la. Cách mua phiếu ăn rất mới lạ với chúng tôi, mọi người tự chọn món ăn có hình và mã số kèm theo, sau đó bỏ tiền vô máy, rồi bấm mã số của món ăn đã chọn, máy sẽ thối lại tiền và cho ra phiếu mua cơm.
Quản lý kiểu này thì giảm được nhân viên phục vụ. Khách tự đem phiếu mua cơm đến đưa nhà bếp, rồi đến bàn ngồi chờ nhận cơm. Ăn xong, khách phải đem mâm cơm đến nhà bếp để nhân viên nhà bếp rửa. Như vậy, không cần người tính tiền, người đặt món ăn và người dọn bàn sau khi khách ăn xong. Thật là tiết kiệm nhân viên.
Lần đầu tiên, tôi ăn đậu nành Nhật Nato với cơm, người Nhật cho biết nếu ăn được thứ này rất tốt vì sẽ làm hạ cholesterol, mỡ máu và huyết áp. Sau đó, anh Yuasa đưa cả đoàn lên tòa nhà cao 44 tầng trực thuộc tòa nhà Văn phòng thành phố Tokyo để ngắm toàn cảnh Tokyo từ trên cao. Đến 13 giờ 30 chiều đoàn đến chào Giám đốc của dự án JICA - SOFRI ở JICA Headquarter.
Sau đó, đoàn ra nhà ga Tokyo để đi tàu lửa tốc hành đến thành phố Shizouka. Khác ở Việt Nam, ở đây mọi người phải xếp hàng một để lên tàu và phải ngồi đúng số ghế đã ghi trên vé tàu, như đi máy bay. Đi khoảng 1 giờ, với khoảng cách gần 200 km, thì tàu đến ga Shizouka City. Ra khỏi nhà ga, vé tàu được máy kiểm soát lấy luôn. Như vậy, họ kiểm soát vé kiểu này rất hay, không có vé thì không thể lên tàu và cũng không thể ra khỏi nhà ga được.
Khách sạn Associa Shizouka nơi chúng tôi ở nằm ngay bên cạnh nhà ga. Tôi đoán giá phòng ở đây ít nhất cũng hơn 120 đô la/đêm, vì rất hiện đại, đẹp, có trang bị máy điều hòa ẩm độ không khí, phòng đã được để sẵn ở nhiệt độ 240C, dù bên ngoài lạnh đến khoảng 60C.
Chúng tôi đã ở đây 4 đêm để đi thăm Trung tâm Nghiên cứu Cây có múi Quốc gia Okitsu, Sở Nông nghiệp tỉnh Shizouka và các mô hình trồng cây có múi tiên tiến trong vùng, các hợp tác xã cây có múi.
Shizouka là tỉnh sản xuất trà, quýt và dâu tây nổi tiếng ở Nhật, cũng là tỉnh du lịch nổi tiếng vì có núi Phú Sĩ. Tuy vậy, nông nghiệp của tỉnh này chỉ chiếm 1% GDP, vì nơi đây có nguồn thu rất lớn từ công nghiệp sản xuất xe hơi và đàn piano hiệu Yamaha nổi tiếng.
Sáng thứ ba (14-2), chúng tôi thăm Trung tâm Nghiên cứu Cây có múi Quốc gia Okitsu (tỉnh Shizouka) trực thuộc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả của Nhật. Ở đây, họ bố trí 3 người báo cáo cho đoàn. Trong đó, có một số điểm mà tôi quan tâm là:
- Người thứ nhất báo cáo về kỹ thuật mới trong kỹ thuật trồng. Ông cho biết có thể tăng độ ngọt trái quýt bằng cách phủ bạt tạo khô hạn lúc gần thu hoạch, làm tăng độ ngọt từ 1,5 - 2 độ brix so với không phủ bạt. Họ thích quýt có độ ngọt trên 13 độ brix.
- Người thứ hai báo cáo về công nghệ sinh học. Ông cho biết đã sử dụng gen CiFT để rút ngắn thời gian lai tạo giống quýt, đưa gen này vào con lai F1 sẽ làm trổ hoa sớm chỉ trong 7 tháng sau khi gieo hạt, và như vậy sau khi gieo hạt F1 chừng 15 tháng thì đã cho trái. Như vậy, từ hạt đến hạt chỉ còn 15 tháng thay vì phải mất 6, 7 năm như trước đây.
Đối với nhà tạo giống cây có múi thì đây là một việc rất mới vì đã giúp rút ngắn thời gian tạo giống mới rất nhiều. Bên cạnh đó, việc dùng marker phân tử, DNA marker, để phân loại các dòng quýt nhằm rút ngắn thời gian lai tạo giống cũng rất phổ biến ở đây.
- Sau cùng, đến Phòng Tạo giống bằng phương pháp cổ điển báo cáo. Ông này cho biết đã rút ngắn thời gian tạo giống. Trước đây sau khi gieo hạt F1, họ phải mất 6 năm mới cho trái, bây giờ chỉ còn 3, 4 năm thôi. Điều này, có được bằng cách ghép cây lai F1 lên cây gốc ghép đã lớn. Khi cây F1 này phát triển được trên một tuổi thì được uốn cong, động tác này sẽ làm cho trái sớm trong vòng 3, 4 năm thôi, thay vì phải mất 6 năm nếu gieo thẳng như trước đây.
Như vậy, trong vòng khoảng 3 năm sẽ có trái để tiến hành đánh giá đặc tính mong muốn. Đã rút ngắn được thời gian tạo giống khoảng 3 năm so với trước. Ông này cũng cho biết Trung tâm Okitsu đã lai tạo ra 40 giống cam, quýt; các viện nghiên cứu trực thuộc các tỉnh khác lai tạo 35 giống (khác với Việt Nam, ở Nhật tỉnh nào cũng có viện nghiên cứu trực thuộc để phục vụ cho tỉnh); các công ty và nông dân tạo ra 84 giống. Tổng cộng đã lai tạo và được công nhận đến nay là 159 giống mới, trong đó đến 60% là giống mới từ đột biến.
Họ mời chúng tôi nếm thử nhiều giống quýt ngon đang được trồng phổ biến, hầu hết không hạt, nhiều nước, trái to, nhưng tôi thấy những giống này không thể phổ biến ở Việt Nam được, do hương vị khác với hương vị yêu thích của người Việt. Quýt Đường Việt Nam tuy có hạt, nhưng hương vị rất phù hợp với người mình và dễ bóc vỏ hơn so với các giống quýt được lai tạo ở đây.
- Họ quy hoạch rất hay, nhằm điều tiết thị trường tiêu thụ, tỉnh A trồng giống quýt thu hoạch sớm, tỉnh B phải trồng giống thu hoạch muộn hơn, rồi tỉnh C trồng giống muộn hơn nữa.
- Muốn cải thiện độ ngọt, theo kinh nghiệm của các nhà khoa học Nhật thì họ chọn giống có độ ngọt cao làm cây cha. Quýt Satsuma ở Nhật có tên gốc là quýt Unshu (tiếng Việt là Ôn Châu). Ông Yuasa cho biết quýt Unshu có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật từ rất lâu đời, hiện giống quýt này chiếm 50% tổng sản lượng quýt sản xuất ở Nhật.
Sau khi nghe nói chuyện trong phòng, họ đưa chúng tôi ra thăm vườn cây F1, đó là cây đang được ghép lên gốc ghép và uốn cong như họ đã báo cáo trong phòng. Tôi thấy một gốc ghép được họ ghép lên vài ba nhánh thuộc các cây lai F1/ khác nhau.
Chiều hôm đó, ông Yuasa hướng dẫn đoàn đi thăm điểm du lịch sinh thái trồng các loại trái cây ôn đới trực thuộc tỉnh Shizouka, ở đây họ tạo tán tất cả các cây ăn trái rất đẹp. Đây là điểm du lịch xem cách trồng các loại cây ăn trái ôn đới rất tốt (quýt, mận (plum), lê, đào, hồng và nho). Phải nói người Nhật là bậc thầy trong việc tạo tán cây ăn trái.
Tối về khách sạn, xem tin tức qua Vnexpress tôi mới biết ở Tokyo chiều hôm đó có động đất, nhưng cả ngày nay, đi ngoài đường ở Shizouka không hề hay biết gì, mọi việc vẫn bình thường. Xe vẫn chạy trên đường phố như một dòng chảy liên tục, chở đầy hàng hóa ngược xuôi, nhưng đặc biệt không hề thấy kẹt xe, nhờ họ đã làm xong hệ thống đường giao thông rất tốt, rất phát triển.
Khi xe qua các trạm thu phí, tôi thấy xe không phải dừng lại để mua vé qua trạm, mà cứ đi thẳng. Hỏi chị Hảo cách nào họ thu phí khi xe chạy thẳng qua trạm thu phí, thì tôi được biết trạm có trang bị hệ thống chụp ảnh số xe rồi trừ tiền vào tài khoản của chủ xe. Trạm thu phí không có ai bán vé, không có ai kiểm soát vé
Kỳ sau: Ăn quýt Nhật nhớ quýt đường!
Tác giả bài viết: PGS-TS NGUYỄN MINH CHÂU
Nguồn tin: apbac