Kim ngạch XNK 400 tỷ USD- Kết quả từ chủ trương đúng đắn!

Thứ sáu - 22/12/2017 06:18   685
Phát biểu tại lễ công bố kết quả xuất, nhập khẩu năm 2017 với con số tổng kim ngạch hết sức ấn tượng – 400 tỷ USD – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả nước, của mỗi doanh nghiệp và người nông dân, khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế về kinh tế của Đảng là đúng đắn.
le
Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần

Những “nấc thang” ấn tượng
Lật giở Niên giám thống kê Hải quan về hàng hoá xuất, nhập khẩu (XNK) Việt Nam qua các năm để thấy những bước tăng trưởng ngoạn mục của đồng thời kim ngạch XNK và quy mô nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nếu vào ngày 1/12/2007, kim ngạch XNK của nước ta chạm mốc 100 tỷ USD, trong khi quy mô nền kinh tế là 77,4 tỷ USD thì 4 năm sau, ngày 24/12/2011 chúng ta đã chạm mốc 200 tỷ USD với quy mô nền kinh tế là 133 tỷ USD còn ngày 19/12/2017, chúng ta đã tự hào công bố tổng kim ngạch tăng gấp 2 lần, lên mốc 400 tỷ USD (số liệu ghi nhận từ ngày 19/12) khi quy mô nền kinh tế đạt trên 200 tỷ USD.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2015 trở lại đây - khoảng thời gian nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Á- Âu, ASEAN, RCEP… có hiệu lực – Việt Nam đã đạt bước tăng trưởng hết sức ngoạn mục trong XNK khi chỉ sau 2 năm, tổng kim ngạch đã tăng thêm 100 tỷ USD, từ 300 lên 400 tỷ USD. Chúng ta cũng liên tục mở rộng thị trường XNK, đến nay, Việt Nam có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị  trường xuất khẩu (XK) và 23 thị trường nhập khẩu (NK) đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

“Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái tổng kết quá trình và cho biết thêm, nhờ đó mà thứ hạng về XNK của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt từ vị trí 50 về xuất khẩu trong năm 2007 lên vị trí 26 trong năm 2016, còn nhập khẩu từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.

Cùng với việc gia tăng kim ngạch XNK thì trong 2 năm qua, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO. Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ là 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần cho Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2017.

thu tuong
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Dấu mốc kim ngạch XNK hàng hoá đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước

Thành tựu từ hội nhập

Một cách khái quát về kết quả trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam nhưng năm qua, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ - đánh giá, những kết quả đạt được về kinh tế đối ngoại, nhất là ngoại thương và đầu tư nước ngoài từ sau khi gia nhập WTO tới nay đã chứng tỏ hội nhập kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế kinh tế trong nước, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Trong khi đó, ông Mukhisa Kituyi - Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) - từng dẫn số liệu, năm 1994, toàn châu Phi XK 60 tỷ USD và Việt Nam chỉ có 2,4 tỷ USD thì tới năm 2016, trong khi chỉ số này của châu Phi tăng lên 90 tỷ trong khi Việt Nam đã tăng lên mức 120 tỷ USD (con số thực tế là trên 180 tỷ USD - PV) và kết luận Việt Nam là bài học của các nước nghèo trên thế giới tìm cách thoát nghèo.

Để minh chứng cho những nhận định nói trên có thể từ cơ cấu hàng hoá XNK của Việt Nam thời gian qua. Cụ thể, nếu những năm đầu hội nhập, chúng ta chỉ có một vài mặt hàng XK có giá trị cao (dệt may, da giày, than đá, dầu thô…) thì nay đã có trên 30 nhóm hàng XK đạt giá trị kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, trong đó ghi nhận sự tăng trưởng ngày càng mạnh của nhóm hàng nông nghiệp (thuỷ sản, hạt điều, rau củ quả, gạo, đồ gỗ…)- mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức và định chế tài chính Quốc tế cũng đánh giá, Việt Nam là một trong những điển hình về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) qua đóng góp của khối này cho kim ngạch XN. Theo đó, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp FID đã đóng góp giá trị XK trên 60 tỷ USD với mặt hàng điện thoại di động, máy tính và linh kiện điện tử, đóng góp vào tăng trưởng XNK, tăng trưởng kinh tế. Ân tượng hơn khi các DN FDI đang từng bước dẫn dắt các DN trong nước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, trong đó Samsung Việt Nam là một điển hình với việc gia tăng từ 4 nhà cung ứng cấp 1 là DN Việt lên 29 DN trong năm 2017 và dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Cùng với XK, cơ cấu hàng hoá NK cũng thay đổi tích cực với số liệu ghi nhận tăng trưởng kim ngạch NK các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch NK  một số mặt hàng, như: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 34%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 20,7%; chất dẻo tăng 17,8% hay nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 8,1%…

Hoàng Châu

Tác giả bài viết: Hoàng Châu

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,844,452
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,752
  • Tháng hiện tại60,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây