Ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện KHNN VN báo cáo Phó Thủ tướng về tổ chức: Viện có 17 đơn vị trực thuộc, được Chính phủ xếp hạng đặc biệt nhưng cơ chế làm việc lại chưa thể hiện là một viện đặc biệt. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sắp xếp tổng thể các viện nghiên cứu về nông nghiệp vào một tổ chức thống nhất. Nên xếp Viện KHNN ngang tầm với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Về cơ chế tài chính - vấn đề vẫn bị các nhà khoa học than phiền nhất, theo ông Bộ, để đơn giản hóa, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp khoa học nên được đặt trong một quỹ, có thể gọi là quỹ nghiên cứu. Quỹ này không nhất thiết phải tiêu cho bằng hết trong năm tài chính cụ thể mà được sử dụng không có giới hạn về thời gian. Các nhiệm vụ khoa học khi được phê duyệt sẽ được bố trí kinh phí theo tiến độ và kết quả thực hiện. Như vậy, hàng năm không cần thủ tục xin chuyển kinh phí sang năm sau và đề tài, dự án chỉ có quyết toán tài chính một lần khi kết thúc.
Ngày 2/6/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có QĐ số 846 về thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ NN -PTNT. Do vậy đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là các định mức về tài chính vì hiệu lực của Quyết định chỉ đến hết 2013 mà sản phẩm nông nghiệp thì đòi hỏi thời gian dài. Về phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ nên tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu được quy hoạch và xây dựng Viện nghiên cứu với tầm nhìn hàng trăm năm, trong đó có các phân khu chức năng phù hợp, nhà công vụ, nhà chuyên gia cho các nhà khoa học đến và làm việc, đặc biệt là các viện vùng. Để hút lao động có chất xám trẻ, Chính phủ phải thay đổi cơ bản chính sách tiền lương, lương trả phải chủ yếu dựa vào năng lực và trách nhiệm. Hiện nay, nông nghiệp có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực nên chăng nhà nước cho trích 0,5-1% kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng đó để bổ sung cho quỹ nghiên cứu.
Được sự khuyến khích của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc, các nhà khoa học như cởi tấm lòng. Giáo sư Trần Duy Quý cho rằng vướng mắc về tài chính được kỳ vọng sẽ được giải quyết hết qua cơ chế thí điểm khoán, đặt hàng của nhà nước: “Cái gì khoán được thì khoán cho gọn để nhà khoa học thực sự chỉ để đầu óc tập trung vào nghiên cứu chứ ở ta vấn đề thủ tục tài chính rắc rối quá”. Ở tầm vĩ mô, Viện sỹ Trần Đình Long nhận định: “Nông nghiệp VN vẫn là nông nghiệp số lượng, nông dân lãi ít nên phải xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp theo hướng nghiêng về chất lượng. Về cơ cấu, tôi kiến nghị tất cả các viện dính đến nông nghiệp từ chăn nuôi, cơ khí, chính sách, kinh tế… đều nhập vào chung một mối là Viện KHNN VN”. Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô, ông Mai Xuân Triệu hiến kế để cho thị phần giống ngô nội tăng lên trên 50% nên tách riêng ra 2 khâu kinh tế và khoa học chứ đừng bắt nhà học làm kinh tế…
Lắng nghe từ đầu đến cuối những tâm tư của các nhà khoa học nông nghiệp, cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Một đất nước mạnh về nông nghiệp thì khoa học nông nghiệp phải mạnh. Chúng ta chưa có chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp là một hạn chế khó chấp nhận được. Việc nhà nước đặt hàng nhà khoa học cần được thực hiện ngay… Chúng ta phải có những đột phá về cơ chế tài chính cũng như cơ cấu tổ chức một cách thuận tiện nhất sao cho các nhà khoa học cống hiến được nhiều hơn nữa.
Tác giả bài viết: Dương Đình Tường
Nguồn tin: Báo NNVN, ngày 17/06/2011