Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, nhờ tiến bộ kỹ thuật mà người ta đã xác định được độ chín thu hoạch của quả. Nhiệt độ và phương pháp quản lý nhiệt độ trong bảo quản, kiểm soát bệnh thối sau thu hoạch bằng phương pháp xử lý nhiệt. Công nghệ đóng gói, xông khí ethylene trong dấm chín và làm mất màu xanh trên vỏ quả cây có múi và phát triển sản phẩm qua chế biến giảm thiểu cho trái cây...
Những công nghệ trên giúp kéo dài thời gian sử dụng, tăng phẩm chất, đáp ứng yêu cầu thị trường, cũng như nâng cao giá trị của mặt hàng trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, tại ĐBSCL phần lớn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mặt hàng trái cây đều tiếp cận tốt và rất nhanh CNBQSTH. Chỉ tính riêng hai tỉnh Long An, Tiền Giang có đến gần 20 doanh nghiệp áp áp dụng cơ giới hóa trong bảo quản, chế biến xuất khẩu trái thanh long.
Nếu trước đây mỗi ngày nhà máy chế biến Long Việt (Tiền Giang) cần 400 công nhân để phân loại, rửa, bảo quản 200 tấn thanh long thì hiện cơ giới hóa giúp giảm còn 1/4 (giảm 75%) số công nhân làm việc. Việc này có ý nghĩa lớn, thiết thực đối với những ngày vô mùa vụ thu hoạch khan hiếm lao động và lượng công nhân tại nông thôn ngày càng ít đi.
Đặc biệt công nghệ xử lý nhiệt, xông hơi nước nóng giúp kiểm soát nấm thối trên trái thanh long, xoài, nhãn giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng đường biển để vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí và giảm tỷ lệ thất thoát từ 40 - 50%.
Trong quá trình bảo quản, chế biến trái cây là một trong những phân đoạn giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây thay vì dùng tươi. Trong đó trái cây đông lạnh và đã qua chế biến như sấy khô, làm nước ép, bánh mứt, giúp thời gian sử dụng vài tháng đến một năm, cũng như phẩm chất ngon hơn, giúp tận dụng những trái cây không đạt tiêu chuẩn trong dùng tươi.
TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng Bộ môn Sau thu hoạch, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Hiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây ở ĐBSCL tiếp cận công nghệ sau thu hoạch rất tốt và nhanh. Đa số công nghệ, máy móc sử dụng từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật… có sự thay đổi trong khâu vận hành lắp đặt để phù hợp với từng loại trái cây và điều kiện của Việt Nam. Để hệ thống sau thu hoạch hoạt động tốt, bản thân mỗi doanh nghiệp phải có đầu tư. Nhà nước cần tạo điều kiện cho vay, thuê mặt bằng, giúp doanh nghiệp liên kết nông dân hình thành vùng nguyên liệu...”. |
Nguồn tin: NNVN