Hướng đến phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu - 27/12/2019 23:39   532
Trong 2 ngày 5 và 6-6-2011, tỉnh Bến Tre đã đăng cai tổ chức kỳ họp lần III, Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Bến Tre, Tổng Cục Biển và Hải đảo, Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF VN), Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO (UNESCO-MAB) chủ trì kỳ họp.

Ông Bùi Ngọc Sương - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; ông Hà Thanh Niên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; GS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo; ông Huỳnh Tiến Dũng - Quản lý chương trình ĐBSCL, WWF VN; đoàn đại biểu 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học đã đến dự.


Kỳ họp lần III giới thiệu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH) đến ĐBSCL, các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đang có kế hoạch xây dựng nhiều đập thủy điện lớn ngay trên dòng chính của sông, Chính phủ chủ động trong việc ứng phó với BĐKH và các tác động khác, các tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; quản lý thích ứng là sự tổng hợp của quy hoạch, quản lý, giám sát, kiểm tra các giả định một cách có hệ thống để điều chỉnh và học hỏi. Đại biểu tham gia diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: quản lý thích ứng trong ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL, các mô hình thực tiễn về quản lý thích ứng với BĐKH, ảnh hưởng của BĐKH và phát triển thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đến phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên ở ĐBSCL, xác định những khó khăn, thách thức trong phát triển ở ĐBSCL, tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho các vấn đề và thách thức đó.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo diễn đàn lần III nhấn mạnh: ĐBSCL là một trong ba vùng châu thổ trên thế giới được xếp vào nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Theo kịch bản quốc gia năm 2010, đến năm 2075, mực nước biển dâng lên 50cm, ĐBSCL sẽ có đến 10,55% diện tích tự nhiên bị ngập do nước biển dâng, trong đó Bến Tre là 16,49%. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tài nguyên nước phát triển thủy điện, thủy lợi của các nước thượng nguồn sông Mê Kông sẽ gây thêm những ảnh hưởng không nhỏ đến lưu lượng, sự điều tiết và sử dụng nước ở vùng hạ lưu. Nước mặn từ các cửa sông chính xâm nhập vào đất liền ngày càng sâu và kéo dài, gây thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, thay đổi hệ sinh thái và các các nguồn tài nguyên sinh vật khác của vùng, đe dọa trực tiếp đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương trong vùng. Diễn đàn lần III với chủ đề “Quản lý thích ứng”, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các ngành, đại biểu, giải pháp nhằm thúc đẩy, xúc tiến mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL với nguyên các giá trị về thiên nhiên, văn hóa và con người.

Tác giả bài viết: Trần Quốc

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi ngày 5/6/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,702,750
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,170
  • Tháng hiện tại40,799
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây