Ngay từ đầu năm, ngành đã hoàn tất quy hoạch 10.000ha cây ăn trái đặc sản, tăng 100ha so với năm 2011, trong đó có 2.500ha bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành; 6.200ha cam sành ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy; 1.300ha quýt đường ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và Long Mỹ. Đây là các địa phương có diện tích trồng cây có múi lớn. Để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hiệu quả, tỉnh Hậu Giang tiến hành xây dựng thương hiệu bưởi Năm Roi Phú Hữu (Châu Thành), quýt đường Long Trị (Long Mỹ); đồng thời phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn nông dân cải tạo vườn bưởi nhằm “trẻ hóa” cây bưởi Năm Roi ở Châu Thành; lai tạo, cải tiến cho trái cam sành không có hạt da bóng hơn giống cam sành truyền thống nhằm tăng khả năng cạnh tranh và dễ tiêu thụ
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là đầu ra của sản phẩm trên không ổn định, giá cả bấp bênh. Đã có nhiều nông dân chuyển diện tích bưởi Năm Roi kém hiệu quả sang trồng cam sành. Theo dự báo, với diện tích cam sành tăng nhanh như hiện nay thì khả năng giá cam trong thời gian tới sẽ giảm do cung vượt cầu. Vì vậy, vấn đề quy hoạch vùng sản xuất để tránh việc nông dân trồng theo phong trào cũng cần được ngành Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang tính đến.
Nguồn tin: NT – Kinh tế Nông thôn