"Hai lúa" đồng bằng lập “kỳ tích” trên đất Úc - Kỳ 3

Thứ hai - 01/04/2013 22:50   969

“Hai lúa” đồng bằng xây nhà triệu đô


Thứ năm là ngày chính vì hội thảo sẽ diễn ra vào buổi chiều hôm đó. Sáng dậy, tôi với Ian ăn sáng và bàn về quy trình xử lý ra hoa xoài sớm do mấy anh em ở Viện Cây ăn quả miền Nam soạn sẵn cho tôi.

Chúng tôi thảo luận từng chi tiết hai bài về cách xử lý ra hoa sớm mà tôi cầm qua. Tôi và Ian đồng tình hầu hết với các biện pháp kỹ thuật làm ra hoa xoài sớm do tôi mang sang, thống nhất sẽ chọn một bài để photo ra, phát cho nông dân Việt Nam dự cuộc họp chiều nay.

Ăn sáng xong, Ian đưa tôi đến Công ty Vật tư Nông nghiệp gặp Daren, tại đây có đại diện công ty mẹ chuyên cung cấp hàng cho cửa hàng của Daren. Họ gặp tôi để nghe ở Việt Nam đang cần thuốc gì. Còn tôi cũng mong muốn gặp họ để tìm những loại thuốc tốt cho sản xuất ở nhà.

Tôi nói cho họ các cây ăn trái quan trọng nên được chọn để làm thí nghiệm và vấn đề nên được chọn của từng cây để thực hiện một số thí nghiệm thuốc trừ sâu bệnh, phân bón là dùng trong sản xuất rau trái hữu cơ.

Sau khi thảo luận với họ xong về các đề tài sẽ hợp tác khảo nghiệm, tôi nói họ mời giùm Marcus đến văn phòng Daren để tôi hướng dẫn thêm về bệnh trên thanh long ở nhà Marcus mà tôi đã thấy hôm đến thăm. Làm việc với Marcus đến trưa, công ty mẹ mời cả nhóm đi ăn trưa.

1 giờ 30 phút chiều là bắt đầu cuộc Hội thảo khoa học và khuyến nông hàng năm trên cây xoài. Tham dự có mặt Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp bang NT, các nhà khoa học bang NT và Queensland, các nông dân trồng xoài Việt Nam và Úc, báo đài ABC và các gian hàng của các công ty thuốc, phân bón... như ở bên mình.

Ian báo cáo đầu tiên về tình hình sản xuất xoài năm 2011, ông cho biết sản lượng xoài Darwin tăng lên 50% so với năm 2010, tổng sản lượng xoài ở bang NT năm 2011 là 30.000 tấn. Sau đó, đến các báo cáo về giống gốc ghép, kết quả tạo giống xoài mới (ngoài Calipso, họ vừa tạo ra 3 giống xoài mới), về xử lý ra hoa xoài sớm, báo cáo của tôi về tình hình cây ăn quả nhiệt đới ở Việt Nam.

Cuối cùng Ian tổng kết, ông cám ơn tôi đã qua đây dự hội thảo và tặng tôi một món quà kỷ niệm có hình nước Úc trên đó. Sau đó, ông cho biết hội thảo có tổng cộng 100 người, trong đó có 25 người Việt, là con số chưa từng có trong các cuộc họp hàng năm trước đây.

Họ tổ chức hội thảo rất thoải mái, báo cáo viên ăn mặc rất đơn giản, một số mặc áo sơ mi ngắn tay, quần sọc như đang đi thăm vườn; trong lúc báo cáo, diễn giả và báo cáo viên hỏi đáp rất vui vẻ.

images37786 7b
Anh Cường và vườn vú sữa Lò Rèn

Hội thảo xong, họ tổ chức ăn tối tại chỗ, tất cả người Úc dự hội thảo, kể cả nông dân Úc, ai tham dự đều phải đóng 50 đô la/người, các nông dân Việt Nam khỏi đóng vẫn được dự hội nghị và ăn cơm tối. Các tài liệu liên quan đến xoài, họ để trên bàn lấy thoải mái.

Tiệc tàn, người Úc về hết, anh Phúc, một nông dân Việt là chủ nhà nơi tổ chức hội thảo này, mời tôi và một vài anh em ở lại ăn cháo gà, uống bia, đến hơn 10 giờ anh Hài đưa tôi về nhà Ian nghỉ.

Thứ sáu là ngày nhẹ nhõm đối với tôi vì tôi đã thực hiện xong mọi việc theo yêu cầu của Ian khi mời tôi qua. Tiếp tục uống cafe buổi sáng với Ian, tôi được biết rõ hơn câu chuyện nhiều người Việt lãi cả triệu đô/năm như anh Thành (làm xoài sớm, gặp mặt hôm ở nhà anh Bé và nhà anh Cường), anh Bé (gặp hôm thứ hai, xoài sớm), anh Hài (xoài xanh sớm), anh Xuân (ở Mỹ Tho, dưa leo), anh Cường (ở Cà Mau, hiện trồng vú sữa, trước đây anh là người chuyên mua xoài lá).

Đến 8 giờ 30 phút, anh Hài đến đón tôi đi chơi Darwin, thăm một điểm du lịch cá sấu ở TP. Darwin, tại đây có cá chẻm rất to, cá đuối, cá mập lưỡi kiếm cái miệng rất dài. Đến trưa, anh Hài đãi ăn phở gà ở một tiệm ăn Việt Nam do người Việt làm chủ quán, tô phở hay tô bún bò có giá đến 13-15 đôla/tô rất to, tôi ăn không hết. Tiệm này rất đông, chứng tỏ người Úc rất thích phở, bún bò, bún thịt nướng của người Việt.

Ăn trưa xong, trên đường về nhà anh Cường và để giới thiệu anh Cường với ông bạn người Úc của tôi là Peter Jonker (thu mua trái cây ở Perth), chúng tôi ghé thăm lại farm thanh long của Marcus vì cũng gần farm của anh Cường.

Vào thăm lại vườn thanh long của Marcus, tôi nhận thấy trái thanh long ở đây có màu đỏ đậm rất đẹp và thịt trái rất chắc, hỏi Marcus anh ấy bảo chắc nhờ bón phân Phosica. Trên đường qua farm của anh Cường, anh Hài mời Marcus, Peter Agent và tôi ghé nhanh qua farm xoài thứ tư của anh. Tại farm xoài này, tôi không thấy có ai ở đây để chăm sóc mấy ngàn cây xoài KP, thật là phí.

Sau đó anh Hài đưa tôi, Marcus, Peter về nhà anh Cường thăm farm vú sữa của anh Cường. Ở nhà anh Cường đã có mặt anh Xuân, anh Thành tới (anh Thành là một trong các “đại gia” ở đây theo lời Ian, nhưng tôi trông anh rất giản dị), sau đó có anh Vân đến nữa (anh Vân là agent ở Melbourn).

Đang nhậu nửa chừng, thì anh Vân chở tôi qua thăm vườn xoài của anh ở gần bên cạnh nhà anh Cường để tôi góp ý, tôi thấy vườn xoài đang xịt MPK (họ luôn luôn xịt vào buổi tối), mục đích xịt MKP là làm cho lá già nhanh hơn để chuẩn bị xử lý ra hoa KNO3 vào đầu tháng 5 tới, họ muốn xoài trổ sớm khoảng 15-5. Trở lại bàn, uống tiếp vài lon bia VP nữa, tôi mời các anh chụp ảnh lưu niệm rồi xin về trước.

Sáng thứ bảy, trong lúc uống café, Ian cho biết ở đây nông dân Úc luôn luôn sử dụng Ca như CaCl để xịt lúc xoài gần chín và bón Gypsum vào đất mỗi năm. Đó là cách họ làm trên nhiều loại trái cây như: xoài, thanh long nên trái rất bóng đẹp, sẫm màu và thịt trái chắc.

Do đây là ngày tôi ngồi uống café cuối cùng ở đây với ông Ian, tôi cảm ơn ông về những đón tiếp mấy ngày qua ông dành cho tôi. Ian đã cảm ơn tôi đã qua đây làm cho cuộc hội thảo có đông người Việt chưa từng có trước đây.

Sau đó Ian và tôi đến nhà Jim Delis ăn sáng với pho mát Greece, ông này cho biết sẽ sang Việt Nam sớm cùng với Ian, Marcus để tính chuyện trồng thanh long đỏ ở Darwin. Sau đó, anh Hài đến đón tôi đi lên TP. Darwin, vì hôm nay chú Lee Hoang (người Hoa) mời tôi ăn cơm trưa.

Ăn cơm xong, anh Hài đưa tôi đến thăm nhà anh Dũng, người chuyên bán rượu vang ở gần bờ biển Darwin. Sở dĩ anh Dũng mời tôi đến nhà vì anh cũng có vài, ba cây ăn trái trồng chung quanh nhà (anh Dũng quê ở cầu Bến Chùa, xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Theo anh Hài, nhà anh Dũng có giá trị đến cả triệu đôla vì ở trên phố Darwin và gần biển, còn nhà anh Hài ở cách Darwin khoảng 10 km có giá 700.000 - 800.000 đô la; trong khi nhà của ông Ian là công dân Úc lâu đời ở đây có giá trị thấp hơn, khoảng 600.000 đô la.

Mấy anh “Hai lúa ĐBSCL” qua Úc từ cuối thập niên 1980, sau hơn 20 năm lao động cần cù và sáng tạo, đến nay họ đã có nhà to, rộng và đẹp. Xin hoan hô mấy anh, những người Việt đã làm nên câu chuyện xoài ra hoa sớm nổi tiếng ở Úc.

Năm nay, qua tổng kết sản xuất năm 2011 của Hội Người trồng xoài bang NT thì họ đã đóng góp lớn vào việc gia tăng sản lượng xoài ở Darwin, góp phần đưa sản lượng xoài bang NT dẫn đầu nước Úc hiện nay.

Xin hoan hô mấy anh một lần nữa như là những người nông dân nhiều sáng tạo đã làm nên kỳ tích ngay cả ở nước ngoài, nơi mấy anh lúc mới sang gặp rất nhiều khó khăn thì nay đã khác, được người Úc khen tặng.

Tháng 3-2012  

Tác giả bài viết: PGS - TS. NGUYỄN MINH CHÂU

Nguồn tin: apbac

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,912,442
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,484
  • Tháng hiện tại48,967
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây