Giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật và phát triển khoa học công nghệ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai - 30/12/2019 04:07   557
Sáng 7/3, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị giám sát về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật và phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.


Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ đã đạt được trong giai đoạn 2005-2015 cũng như những tồn tại hạn chế; kết quả ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, quy định pháp luật về phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các bộ, ban, ngành, địa phương, cũng như kiến nghị, đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật. 

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mục đích của đợt giám sát nhằm tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại hạn chế đối với việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015; từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo giai đoạn 2015-2020. 

Theo ông Phan Xuân Dũng, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lương thực, nuôi trồng thủy sản, phát triển vườn cây ăn trái đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước, có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng có nhiều sáng tạo trong cải tiến, ứng dụng, phát triển ngành cơ khí chế tạo trong sản xuất, nhất là máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, nuôi trồng thủy sản và chế biến. Đã có nhiều sáng kiến, công trình khoa học và công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, của các nhà khoa học, “nhà khoa học chân đất” được áp dụng có hiệu quả thiết thực trong thực tế… Để phát huy tiềm năng lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo động lực phát triển cho cả nước, yêu cầu đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ là rất cần thiết và không thể chậm trễ nên hội nghị giám sát lần này có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. 

Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hoạt động khoa học và công nghệ của vùng còn bộc lộ một số hạn chế như: Các nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp chế biến chưa thật sự trở thành động lực cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trình độ năng lực của cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ còn yếu, thiếu các chuyên gia đầu ngành; năng lực của một số cơ sở nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ chậm được ban hành, nhất là việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, cảnh báo thiên tai còn yếu... 

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là hướng dẫn về cơ chế tài chính, chính sách về đầu tư chuyển giao công nghệ, thẩm định công nghệ; xem xét tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển khoa học công nghệ cho vùng như đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm tại các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, nhất là tại Trường Đại học Cần Thơ; Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề cho vùng, hỗ trợ các địa phương thu hút các chuyên gia giỏi… 

Theo ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, Quốc hội, Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quyết định… nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khoa học và công nghệ đã góp phần phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của vùng như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… Việc nghiên cứu ứng dụng, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng được triển khai sâu rộng ở nhiều địa phương trong vùng. Nhiều địa phương còn tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đầu tư phát triển các sản phẩm mới như thành phố Cần Thơ; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình như Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ, Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình m ục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… 

Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tham mưu nhằm sửa đổi, cụ thể hóa các văn bản quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ở các địa phương, tăng cường các hoạt động nghiên cứu triển khai, quan tâm phát triển tiềm lực như nguồn vốn ngân sách, cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực…/. 

Tác giả bài viết: Ngọc Thiện

Nguồn tin: TTXVN

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,860
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,768
  • Tháng hiện tại64,469
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây