Giải pháp thích ứng hạn, mặn cho cây ăn quả

Thứ hai - 30/12/2019 04:44   796
Hạn hán và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL năm qua đã ảnh hưởng đến một số vùng trồng cây ăn trái các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng... trong đó hơn 9.400ha cây ăn quả tập trung bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Kết quả khảo sát của Viện Cây ăn quả miền Nam tại các vùng trồng cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn mặn tại như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... cho thấy hạn mặn đã ảnh hưởng đến sầu riêng, bưởi, chôm chôm, măng cụt... biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, vàng lá, rụng lá, rụng hoa và quả làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Tùy theo giống cây ăn quả mà khả năng chống chịu mặn của cây khác nhau.

Sầu riêng, chôm chôm thuộc nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn đã bị thiệt hại nặng nề về năng suất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển. Kết quả ghi nhận là sầu riêng Monthong chịu mặn kém hơn sâu riêng Ri 6. Chôm chôm Java, chôm chôm nhãn phần lớn lá bị cháy từ chóp lá và lá rụng. Tùy theo hàm lượng muối hòa tan trong nước tưới, lượng nước tưới và số lần tưới cho cây mà cây có những biểu hiện như sau:

- Cây bị sốc mặn và rụng lá hàng loạt, trường hợp này do nồng độ muối trong nước tưới cao vượt quá ngưỡng chống chịu của cây nên làm cây bị sốc và rụng lá hàng loạt.

- Cây không bị rụng lá hàng loạt nhưng lá cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá cũng bị rụng, làm cây bị suy kiệt dẫn đến chết.

Các vườn cây ăn quả (sầu riêng, chôm chôm...) thiệt hại nặng một phần do bà con đã tưới nước cho cây từ nguồn nước nhiễm mặn trước, sau tết âm lịch 2016 và không có nguồn nước ngọt để tưới rửa mặn kịp thời. Những vườn còn mang quả thì hiện đang có biểu hiện suy kiệt và nhiều cây bị chết. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của mặn và mức độ thiệt hại mà chúng ta có các giải pháp chăm sóc phù hợp để giúp cây sớm phục hồi như sau:

- Cắt tỉa những cành khô héo, cành chết do ảnh hưởng của mặn, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh.

- Mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều do ảnh hưởng của mặn. Nếu tiếp tục để quả trên cây trong điều kiện này thì hệ thống rễ đã bị thiệt hại do mặn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng để nuôi quả bị giảm mạnh dẫn đến chất lượng quả kém, đồng thời góp phần làm suy kiệt cây, trường hợp nặng sẽ dẫn đến chết cây.

- Sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi.

- Do mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nặng nên cần sử dụng các chế sinh sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non, đồng thời sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ - sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển. Kế đến bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, phân NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn.

- Không nên xử lý ra hoa đối với những cây bị rụng lá vừa mới phục hồi (tức là bộ lá mới hình thành nhưng chưa phát triển đầy đủ), chỉ xử lý ra hoa đối với những khỏe mạnh (biểu hiện qua bộ tán lá xanh tốt)

- Không nên xử lý cho cây ra quá nhiều hoa sẽ dẫn đến tỷ lệ rụng hoa, rụng quả non cao vì cây vừa trải qua giai đoạn ảnh hưởng mặn, nên bộ rễ còn yếu, khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng chưa mạnh để nuôi nhiều hoa, quả.

- Phun/tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhất là chế phẩm có chứa các acid amin như Proline, Alanine, Leucine để tăng tính chống chịu, cải thiện chất lượng của quả. Nhằm khôi phục vườn sầu riêng bị nhiễm mặn Viện Cây ăn quả miền Nam đã tiến hành thử nghiệm từ các chế phẩm hữ cơ sinh học có chứa các acid amin và vitamine trên giống sầu riêng RI6 tại Bến Tre.

Kết quả thử nghiệm ghi nhận vườn sầu riêng bị nhiễm mặn được cung cấp dinh dưỡng kịp thời bằng các loại chế phẩm hữu cơ sinh học bón gốc và phun qua lá đã giúp khôi phục lại vườn sầu riêng, cây sớm phục hồi biểu hiện qua sự phát triển hệ thống rễ mới hình thành nhiều, cành bung chồi nhiều, chồi dài, có bộ lá nhiều, rộng, lớn và xanh hơn so với cây không được xử lý.

Ngoài ra việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với khả năng chống chịu hạn, mặn trên cây ăn quả cũng được xem là giải pháp để ứng phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Chúng ta có thể sử dụng các dòng/giống cây có múi địa phương nghiên cứu và đánh giá có khả năng chống chịu mặn tốt để làm gốc ghép cho bưởi da xanh và bưởi Năm Roi tại các vùng đất ở ĐBSCL có bị ảnh hưởng của nước mặn từ 6 - 8‰ trong khoảng thời gian 2 tháng. Một số dòng/giống xoài địa phương và nhập nội như xoài Canh Nông (Khánh Hòa), xoài Châu Hạng Võ (Trà Vinh), xoài 13 -1 (Israel), xoài Ghép xanh (Tiền Giang)... cần được nghiên cứu, đánh giá khả năng chống chịu mặn tốt để làm gốc ghép cho các giống xoài thương phẩm (xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu) tại các vùng đất ở ĐBSCL bị nhiễm mặn.

Nguồn tin: Viện Cây ăn quả miền Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,265,500
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,724
  • Tháng hiện tại76,434
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây