Đây là chương trình khoa giáo đầu tiên và duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long bàn về dinh dưỡng cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Khôn ở xã Tân Thuận,huyện Tân Hòa, Đồng Tháp viết: “Xem đài áp dụng phân cho cây trồng theo đúng hướng dẫn là tụi tôi giảm được chi phí mua phân, mà vẫn giữ, thậm chí còn tăng được năng suất cây trồng, tăng được chất lượng sản phẩm, bán được giá, lãi nhiều hơn, thấy rõ.”
Ông Huỳnh Thành Lễ, ở ấp 5A, xã Ba Trinh, Kế Sách, Hậu Giang, nói: “Chương trình đã len tới tận vùng sâu, vùng xa quê tôi. Nó rất thời sự mà cũng rất cơ bản lâu dài vì nó cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật phổ thông cho nhà nông. Nói thật, nông dân bây giờ chỉ có cần cù không thôi, chưa đủ, phải biết áp dụng tiến bộ KHKT vào vườn cây, ruộng lúa nhà mình, mới mong thu được lời cao. Tôi áp dụng cách bón phân Đầu Trâu đúng như hướng dẫn, kết quả cả năng suất và chất lượng trái cây đều tăng. Năm rồi, nhân có hội chợ, tôi mang 4 mẫu trái cây vườn nhà đi thi, đoạt 3 giải (2 giải nhì, 1 giải khuyến khích), trên tổng số 56 giải trái cây ngon toàn quốc. Thiệt mừng hết sức. Cám ơn Công ty Phân bón Bình Điền và Nhà đài VTV Cần Thơ đã tổ chức ra một chương trình nhiều lợi ích cho nông dân tụi tôi".
Giao lưu trực tiếp với bà con nông dân, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp nước ta liên tục trúng mùa, được giá. Sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển tốt, năm sau cao hơn năm trước. Năng suất lúa năm 2010 đạt bình quân 5,3 tấn thóc/ha, cao hơn nhiều ở Campuchia (2,8 tấn),ở Indonexia (3,6 tấn)…giá trị hạt gạo cũng không ngừng tăng, từ chỗ giá bán kém xa, nay đã ngang bằng gạo Thái Lan, trên cả gạo của Pakixtan và Indonexia. Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng giống tốt, thực hành sản xuất theo chương trình VietGAP, tập trung thâm canh để giảm giá thành sản xuất, trong đó bón phân là một khâu rất quan trọng, nó chiếm tới 30% tổng chi phí đầu tư cho sản xuất lúa. Việc tổ chức chương trình "Đồng hành và Chia sẻ" này là rất đáng hoan nghênh. Đây là kênh thứ 5 giúp bà con nông dân tăng cường kiến thức sử dụng phân bón nói riêng, và nhiều kỹ thuật canh tác cây trồng hiệu quả khác".
Trong tổng số 2.622 câu hỏi của 53 kỳ phát sóng, GS.TS Mai Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn KHKT của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, nguyên là Viện phó Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam đã trả lời 1.520 câu, bày tỏ: “Tôi nghỉ hưu đã lâu, sức đã yếu, nhưng khi nhận được câu hỏi, thư hỏi của nông dân, tôi đều ráng thu xếp thời gian để tập trung trả lởi bà con sao cho nhanh nhất, đầy đủ nhất. Vì có những câu hỏi nếu không trả lời nhanh thì không còn tác dụng giải đáp nữa, như: Tôi xạ lúa đã 18 ngày, giờ bón phân đợt 2 thì cần phân gì là tốt nhất? 18 ngày tuổi là đúng lúc bón phân đợt 2 cho lúa rồi, phải trả lời liền bằng điện thoại mới kịp cho bà con".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam “hơi buồn” vì chương trình chưa nói nhiều tới cây ăn quả. Ông nói: “Trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước, nhiều nhất là Trung Quốc, Châu Âu; gần đây là những thị trường cực kỳ “khó tính”, như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; sắp tới là các thị trường Úc, Niuzilan…kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, từ 180 triệu USD năm 2004, lên 470 triệu USD năm 2008 và dự kiến đạt 550 triệu USD năm 2011. Mong trong các kỳ phát sóng tới, bên cạnh cây lúa, chương trình cần giành thêm thời lượng cung cấp cho bà con nông dân những kiến thức về dinh dưỡng cho cây ăn trái.”
Những góp ý sát sườn của bà con nông dân về những điểm còn hạn chế của chương trình,chủ yếu là tính phổ thông của các giải đáp khoa học, đã được các nhà khoa học: GS.TS Mai Văn Quyền, PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, PGS.TS Mai Thành Phụng, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, PGS.TS Phạm Văn Dư, TS Nguyễn Hữu Huân, ThS. Phan Văn Tâm, cùng những người tổ chức chương trình: Trưởng Ban khoa giáo VTV Cần Thơ, đạo diễn Đặng Đáng, dẫn chương trình Hồng Thắm và đặc biệt TGĐ Công ty cổ phần phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong - người đã đưa ra ý tưởng và quyết “Đồng hành và Chia sẻ” cùng bà con nông dân trả lời thỏa đáng. Bỏ ra một khoản tiền lớn để làm chương trình ư? Đúng vậy! Nhưng đó là trách nhiệm đến cùng của một doanh nghiệp sản xuất phân bón với bà con nông dân, như công ty đã kiên trì xuất bản bản tin suốt 13 năm qua, để hướng dẫn khoa học kỹ thuật không chỉ với ngành phân bón mà còn với nhiều vấn đề của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện đại, đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới. Rồi nữa, thông qua chương trình, hai năm qua, công ty đã trao tặng 9 căn nhà mái ấm Bình Điền cho nông dân nghèo, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng và kèm theo 5 triệu đồng tiền quà; tặng 40 suất học bổng cho sinh viên đại học và học nghề trên địa bàn, mỗi suất 2 triệu đồng và 30 triệu đồng trợ cấp cho những nông dân gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất.
Em Huỳnh Đại Lộc, sinh viên năm thứ nhất, khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, viết: “Gia đình em ở vùng sâu huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, mặc dù thi đậu đại học, nhưng con đường học tập của em dường như khép lại vì nhà em rất nghèo khó…may nhờ học bổng của quý công ty Bình Điền, em đã vững bước trên con đường học vấn. Em hứa sẽ ráng học thật tốt để trở thành nhà khoa học nông nghiệp đặng trở về giúp sức đưa bà con nông dân quê em thoát nghèo…
Mong sao chương trình rất hữu dụng “Đồng hành và chia sẻ” sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân.
Tác giả bài viết: Trần Đình Thế
Nguồn tin: Báo NNVN ngày 20/5/2011