Để trái cây Việt đạt 1 tỷ USD xuất khẩu

Thứ sáu - 27/12/2019 23:47   545
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt bình quân 35,3%/năm đã cho thấy nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới tăng và khả năng cung ứng các sản phẩm trái cây trong nước.

Các thị trường khó tính đón nhận

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả trong năm 2010 tăng 10.000 ha so với năm 2009. Cả nước hiện có khoảng 780.000 ha cây ăn quả, trong đó, chỉ riêng ĐBSCL có đến 270.000 ha, cho sản lượng trái cây mỗi năm khoảng 7 triệu tấn.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2010 của cả nước đạt trên 471 triệu USD, tăng hơn 33 triệu USD so năm 2009.

Như vậy, 2 năm liên tiếp, Việt Nam đã xuất siêu rau quả khoảng 150 triệu USD. Hiện tại, một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật tiếp tục “ăn hàng” một số loại trái cây tươi của Việt Nam như thanh long, bưởi...

Hiện nay thanh long và bưởi đã chiếm được tình cảm của người tiêu dùng châu Âu và Mỹ. Trung Quốc vốn là nhà cung cấp bưởi lớn cho hai thị trường này nhưng chỉ có vài tháng (từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau). Do đó bưởi Việt Nam có cơ hội rất lớn vì có kỹ thuật sản xuất cho trái quanh năm. Mặc dù bưởi năm roi của Việt Nam có giá cao hơn bưởi Trung Quốc, nhưng do chất lượng cao hơn nên người tiêu dùng châu Âu vẫn chấp nhận bỏ tiền mua bưởi Việt Nam.

Ngoài ra, măng cụt, xoài và nhãn cũng đang có cơ hội lớn thâm nhập các thị trường này vì người tiêu dùng châu Âu rất mong chờ.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cơ hội xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường khó tính như Mỹ càng lớn khi nước này cho phép một số loại không cần xử lý chiếu xạ hay hơi nước nóng. Trong đó, chuối và dừa có tiềm năng lớn nhất vì có diện tích và sản lượng lớn. Dừa chỉ cần gọt vỏ, còn chuối thu hoạch lúc còn xanh...

Chất lượng trái cây cũng đang dần được cải thiện thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trái cây cũng liên tục được tổ chức và đã thu hút được khá nhiều các nhà nhập khẩu của nước ngoài quan tâm.

Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2010, tính hấp dẫn của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng lên, nhiều loại trái cây được nhiều thị trường khó tính đón nhận. Các chuyên gia cho rằng khả năng thu hút ngoại tệ của trái cây, rau quả Việt Nam sẽ mạnh hơn nếu Việt Nam có những định hướng rõ ràng, có vùng chuyên canh tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện bảo quản tốt sau thu hoạch.

Bảo đảm số lượng lớn và an toàn

Mục tiêu mà Bộ NNPTNT đặt ra là đến năm 2015, giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ đạt 1 tỉ USD. 

Muốn xuất khẩu trái cây sang châu Âu và Mỹ thành công, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng trước hết trái cây phải đảm bảo các tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường, có khả năng cung cấp số lượng lớn và liên tục, cần thành lập các tổ chức sản xuất lớn hơn. Do đó, điều lo lắng của trái cây Việt Nam hiện nay không phải là thị trường, chất lượng mà là phải bảo đảm số lượng lớn và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần, hiện các địa phương đang hoàn chỉnh quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái. Ngoài ra, sắp tới sẽ tập trung đầu tư phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch và công tác quảng bá trái cây Việt Nam.

“Công nghệ sau thu hoạch của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều loại trái cây chỉ tiêu thụ tại chỗ chứ không đi xa được. Nếu phát triển tốt hơn về công nghệ sau thu hoạch thì sản phẩm trái cây Việt Nam chắc chắn sẽ xuất khẩu dễ dàng và nhiều hơn”, ông Tần nói.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Hiền, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam hiện còn thua nhiều nước. Trái cây nước ngoài khi nhập vào Việt Nam có thể để được hàng tháng. Đây là điều trái cây Việt Nam chưa có được.

Theo một chuyên gia về cây ăn quả, Châu Âu đang có xu hướng tìm nguồn hàng trực tiếp hơn là qua trung gian. Vì vậy, nếu trước đây, Thái Lan hay nhập trái cây Việt Nam để xuất đi các nước khác thì nay, Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội này.

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/De-trai-cay-Viet-dat-1-ty-USD-xuat-khau/20113/66753.vgp

Nguồn tin: kcmdanang.org.vn thứ tư ngày 2/3/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,324,264
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,590
  • Tháng hiện tại52,922
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây