TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL, nên hai nước có thể chia sẻ với nhau. Nông nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất lớn và chất lượng cao như tiêu chuẩn VietGAP hay cao hơn nữa là chuẩn toàn cầu GlobalGAP.
Ông Prataap Taneja, Giám đốc khu vực Cty UPL chia sẻ: Cty chúng tôi là top 10 toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 1995 chúng tôi đặt văn phòng đại diện. UPL là công ty Ấn Độ đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ thực vật, đặt nhà máy tại Đồng Nai. Công ty đang mở rộng nhà máy, sản xuất hóa chất không những phục vụ cho Việt Nam mà còn xuất khẩu đi một số nước trong khu vực ASEAN, Úc, Mỹ, Mexico, Brazil… với doanh thu 20 triệu USD và 16 triệu USD ở thị trường nội địa. Các sản phẩm của UPL đã góp phần cho 18% nhu cầu thuốc BVTV, cung cấp các giải pháp bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL”.
Ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Hà Nội, cho biết: “Thương mại toàn cầu của Ấn Độ đạt 1.760 tỷ USD, đứng hàng thứ 7 trên thế giới, xuất khẩu 38 tỷ USD thông qua EPEADA và là nhà nhập khẩu thứ 9 trên thế giới. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ về các mặt hàng nông sản tại khu vực ASEAN. Những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất và cũng là thế mạnh của của chúng tôi là thịt bò, thịt trâu… Tuy nhiên, chúng tôi chưa phải là top 5 nước mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, vì vậy mong muốn Ấn Độ sẽ là nhà xuất khẩu đứng trong top 5 thị trường nhập khẩu của Việt Nam”.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ, nền nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng thay đổi. Trong đó giảm tỷ trọng của trồng trọt, tăng tỷ trọng thủy sản, chăn nuôi. Dự kiến năm 2017, nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng vào khoảng 2,7 - 2,8%. Đặc điểm xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam giai đoạn trước 2010 là xuất khẩu gạo và cá tra. Nhưng đến nay, xuất khẩu hoa quả ở ĐBSCL đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2010 - 2016, vượt qua kim ngạch xuất khẩu gạo.
Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể hướng tới 6 lĩnh vực như: Giống cây ăn trái, rau quả; lúa gạo, hợp tác trong chế biến xuất khẩu thủy sản, marketing: quảng bá thị trường nội địa; giao lưu giữa nông dân Ấn Độ và Việt Nam; đào tạo và giao lưu văn hóa. Trong đó, hai bên hợp tác để chế biến xuất khẩu thì đây là nhu cầu lớn ở Việt Nam vì có lợi thế về chi phí.
Nguồn tin: nongnghiep.vn