Có "giấy thông hành", chôm chôm và nhãn vươn ra thị trường thế giới

Thứ bảy - 28/12/2019 10:41   509
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện mô hình "Nghiên cứu xây dựng sản xuất chôm chôm, nhãn theo hướng liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm" và đề tài "Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp theo Viet GAP để nâng cao năng suất và chất lượng chôm chôm, nhãn", ngày 23/ 11, Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng (FCC) đã chính thức trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Viet GAP cho 16,6 ha/34 hộ trồng chôm chôm xã Tân Phong và 15,3 ha/27 hộ trồng nhãn ở xã Nhị Quý của huyện Cai Lậy. Đây là thủ tục cần thiết hay nói một cách dễ hiểu là "giấy thông hành" để 2 loại trái cây này tiêu thụ ở tất cả các nước trên thế giới.
cho chom chom1
Chôm chôm Tân Phong vào mùa thu hoạch rộ.

An toàn để dễ tiêu thụ?

Qua vận động và thấy được lợi ích của chương trình phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và UBND xã Tân Phong, ông Nguyễn Văn Út, tổ viên Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong và các nông hộ ở đây đăng ký thực hiện ngay. Ông Út cho biết: "Gia đình canh tác 0,6 ha chôm chôm Java. Từ khi tham gia chương trình, tôi được học hỏi những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà "cha sanh mẹ đẻ" tới giờ mình chưa hề biết. Sau khi thực hiện, năng suất tăng lên 0,5-1tấn/ha; nhưng giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ha. Trái to, màu sắc đẹp và ít ô nhiễm môi trường hơn trước. Tuy nhiên, việc ghi chép sổ sách còn gặp khó khăn do quen với tập quán cũ và thực tình tôi cũng e ngại không biết áp dụng quy trình này được bao lâu?...".

Ông Nguyễn Thanh Cẩn cho biết: "Giá trị sản lượng cây ăn trái đã vươn lên đứng đầu trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, tuy nhiên thế mạnh này chưa được phát huy và khai thác đúng mức do diện tích canh tác/hộ thấp (bình quân 0,3 ha/hộ) nên việc tổ chức thành vùng sản xuất lớn, chuyên canh còn gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao, trong đó vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là mối quan ngại hàng đầu".

Là người hướng dẫn, theo dõi từng nông hộ trong quá trình thực hiện, Tiến sĩ Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, Trưởng Bộ môn kỹ thuật canh tác (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam) cho biết, để đạt chứng nhận Viet GAP, bà con nông dân tham gia mô hình được tập huấn các kiến thức như quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi, an toàn tại Việt Nam (Viet GAP); quy trình kỹ thuật sản xuất chôm chôm, nhãn (bao gồm giống, canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và bảo quản); ghi chép nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ và cách xây dựng các cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho tổ hợp tác; quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn; sơ cấp cứu cho người lao động, vệ sinh an toàn lao động; đào tạo, kiểm tra viên nội bộ cán bộ trong tổ hợp tác; thông tin nhu cầu thị trường chôm chôm và nhãn. "Sản xuất chôm chôm và nhãn theo tiêu chuẩn Viet GAP có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân. Người tham gia mô hình được áp dụng các tiến bộ khoa học -  kỹ thuật vào trong sản xuất, được huấn luyện ý thức kỷ luật, tính cộng đồng; ý thức môi trường, ý thức gắn kết trách nhiệm của người nông dân với sản phẩm của họ làm ra. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho phép nhập khẩu trái chôm chôm tươi từ Việt Nam. Vì vậy, chứng nhận Viet GAP là giấy thông hành để trái chôm chôm Tân Phong có điều kiện vào thị trường khó tính của Hoa Kỳ và các nước khác" - Tiến sĩ Hằng đúc kết như vậy.

Phải mở rộng diện tích

Chôm chôm, nhãn được trao chứng nhận Viet GAP, nghĩa là sản phẩm an toàn, "sạch"... Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của các nước là số lượng lớn, trong khi chúng ta chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng đủ số lượng trên. Ông Hà Thanh Hữu, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, hiện tại, chôm chôm và nhãn an toàn chỉ có thể cung ứng khoảng trên 500 tấn/năm. Nếu các doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác số lượng lớn, vùng nguyên liệu sẽ không đủ cung ứng. Vì vậy, huyện sẽ quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái, đặc biệt là chôm chôm và nhãn; mở rộng diện tích để cho năng suất ổn định, chất lượng đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. 

Theo ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu nhập khẩu trái cây của các nước trên thế giới ngày càng lớn và thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng. Để đáp ứng được yêu cầu, trái cây Việt Nam nói chung và "vương quốc" trái cây Tiền Giang nói riêng phải có vùng nguyên liệu lớn; nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, kích cỡ trái đồng đều, số lượng phải lớn, truy nguyên được nguồn gốc. Trong thời gian tới, trái cây tỉnh nhà phải sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất lớn, giảm giá thành; từng bước gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, sản xuất trái cây phải theo chuỗi: sản xuất - thu mua - bảo quản - chế biến - tiêu thụ. Chúng ta cần coi trọng liên kết giữa doanh nghiệp và đại diện tổ chức nông dân. Trên cơ sở đó, huyện Cai Lậy cần xác định 1-3 cây ăn trái chủ lực để đầu tư vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo GAP.

Về vấn đề sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam chia sẻ: "An toàn thực phẩm là sống còn của trái cây Việt Nam. Vì có an toàn, chúng ta mới xuất khẩu ra các nước được. Hiện tại, thị trường trong nước cũng đang rất cần nông sản "sạch". Thị trường đang rất rộng mở nên chúng ta cần phải mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của đối tác".

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) cho biết sẽ bao tiêu sản phẩm chôm chôm đạt tiêu chuẩn Viet GAP với giá cao hơn thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg. Theo bà Thu, Công ty Chánh Thu vừa cung ứng cho Công ty sản xuất thương mại - dịch vụ Rồng Đỏ trên 5 tấn chôm chôm đi Mỹ an toàn, được khách hàng chấp nhận và phản hồi kết quả tốt. Hiện nay, nhiều công ty xuất khẩu đang đặt hàng chôm chôm theo tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP. Ngoài trái chôm chôm Java, chúng tôi đang thử xuất trái chôm chôm nhãn và chôm chôm thái Việt Nam đi vào các thị trường khó tính. Riêng trái nhãn của Việt Nam chưa thể cạnh tranh xuất khẩu với nhãn Thái Lan vì nhãn của họ hạt to, nhiều nước". Được biết, Công ty TNHH Long Uyên cũng đã ký bản ghi nhớ về sản xuất - tiêu thụ với Tổ hợp tác nhãn Nhị Quí.

Trái chôm chôm và nhãn được chứng nhận an toàn - đó là niềm vui của nhiều nhà vườn ở xã Tân Phong và Nhị Quí, huyện Cai Lậy. Tuy nhiên, để niềm vui đó được trọn vẹn chính là tạo đầu ra cho sản phẩm này. Bởi, vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn Global GAP cũng chưa được bao tiêu; khóm Tân Lập đạt Viet GAP phải bán trôi nổi ngoài thị trường; xoài cát Hòa Lộc có chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn phụ thuộc vào hệ thống thương láí. Đó là bài học và cũng là những vấn đề tiếp theo cần quan tâm thực hiện cho trái cây Tiền Giang, trái cây Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Tác giả bài viết: Sĩ Nguyên

Nguồn tin: Báo ấp Bắc, ngày 25/11/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,264,450
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay2,884
  • Tháng hiện tại75,384
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây