Chôm chôm GlobalGAP

Thứ hai - 30/12/2019 01:41   566
Sản xuất trái chín theo tiêu chuẩn Viet GAP, GlobalGAP không chỉ bán được giá cao hơn sản xuất truyền thống từ 10 - 20% mà còn bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng. Đó là lời khẳng định của ông Võ Văn Ba, xã viên HTX chôm chôm Bình Hòa Phước, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
chom chom globalgaphtx bhp
 Chôm chôm GlobalGAP của HTX Bình Hòa Phước

Lão nông tri điền Võ Văn Ba có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với mảnh vườn 7.000 m2 trồng chôm chôm nói: "Tôi đã ý thức được SX an toàn nên cơ quan quản lý đến triển khai mô hình SX chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP là tham gia ngay. SX trái sạch phải tuân thủ nhiều tiêu chí nhưng tôi không ngại, chủ yếu ghi chép nhật ký SX, thu gom bao bì vật tư nông nghiệp để tiêu hủy...
Phương pháp ghi chép nhật ký SX giúp chúng tôi tính toán đúng thời gian cho cây ra hoa nghịch vụ, xác định được sản lượng, giá thành SX… Chỉ có giá trái thì nhà vườn phải phụ thuộc vào thương lái. Chúng tôi cần DNXK liên kết tiêu thụ thì mô hình sẽ tồn tại và phát triển mạnh hơn".

Ông Võ Thanh Trang, xã viên HTX chôm chôm Bình Hòa Phước canh tác hơn 5.000 m2 chôm chôm chia sẻ: "Lúc đầu ai cũng ngán việc ghi chép nhật ký, nhưng sau khi áp dụng vào SX cho năng suất trái cao, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, giá bán lại cao hơn ngoài mô hình nên bà con đều phấn khởi.

Bình quân chôm chôm cho năng suất từ 30 - 35 tấn trái/ha, với mức giá bình quân từ 20.000 - 22.000 đ/kg, trừ tất cả chi phí nhà vườn còn lãi từ 30 - 40 triệu đ/ha. Nếu SX trái vụ nghịch thì lợi nhận thu về khoảng 60 - 70 triệu đ/ha. SX trái GlobalGAP được thu mua cao hơn SX truyền thống 2.000 - 4.000 đ/kg".

ThS Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Bộ môn BVTV, Viện Cây ăn quả miền Nam nhận định: "Nhà vườn qua nhiều năm trồng cây ăn trái nên đã tích lũy được nhiều nền kinh nghiệm trồng chôm chôm. Vì vậy khi triển khai ứng dụng quy trình SX sạch thì họ tiếp thu và ứng dụng rất thành thạo. Nếu như trước đây SX chôm chôm mỗi năm 1 vụ thì bây giờ nhà vườn ứng dụng kỹ thuật cho cây ra hoa 2 năm 3 vụ".

Ông Cao Văn Ri, Chủ nhiệm HTX chôm chôm Bình Hòa Phước chia sẻ: "Khi 17,28 ha chôm chôm của 31 xã viên được công nhận GlobalGAP là đủ điều kiện đi "Tây". Song sản lượng trái được DN thu mua xuất khẩu còn bị hạn chế. Vào vụ thu hoạch rộ, xã viên thu hoạch mỗi ngày khoảng 30 tấn trái nhưng nhu cầu của DN "ăn hàng" chỉ khoảng 2 tấn. Và 1 tuần chỉ gom hàng được 2 - 3 lần thì làm sao tiêu thụ hết sản lượng trái GlobalGAP?

Nhà vườn SX chôm chôm GlobalGAP chỉ cần DNXK thu mua khoảng 30% sản lượng trái trong ngày là bà con yên tâm theo GAP. Thực tế trên đất cù lao Long Hồ này đến vụ thu hoạch mỗi ngày nhà vườn thu hoạch cả trăm tấn chôm chôm nhưng chỉ có 2 vựa thu mua XK sang Trung Quốc thì khó tránh được cảnh thừa hàng dội chợi, bị đối tác ép giá".

Để được Cty Control Union Việt Nam trao chứng nhận GlobalGAP cho HTX chôm chôm Bình Hòa Phước, Sở KH-CN Vĩnh Long phải đầu tư 400 triệu đồng để hỗ trợ SX mô hình điểm; Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã phân công kỹ sư tập huấn và chuyển giao TBKT cho nhà vườn.

Hành trình đến với chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế này rất gian nan. Nhưng GlobalGAP chỉ có giá trị 1 năm, sau đó phải đóng một khoản phí gần cả trăm triệu để mời các chuyên gia về kiểm định tái công nhận là điều HTX chôm chôm Bình Hòa Phước ất lo.

"Từ nay đến vụ chôm chôm 2015 nhà vườn SX trái GAP chưa thật sự hưởng lợi thì xã viên sẽ không đóng góp vốn để đóng phí tái chứng GlobalGAP. Chúng tôi rất cần DN đến ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để cùng nhà vườn giữ chứng nhận này", ông Cao Văn Ri nói.

Tác giả bài viết: Thanh Phong

Nguồn tin: NNVN số 30/4/2014

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,849,059
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay2,939
  • Tháng hiện tại64,668
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây